Kiến nghị khai thác lưỡng dụng 2 sân bay quân sự Biên Hòa, Thành Sơn

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Bộ Giao thông vận tải cho biết, Bộ Quốc phòng xác nhận sân bay quân sự Biên Hòa (Đồng Nai) và sân bay Thành Sơn (Ninh Thuận) đủ điều kiện khai thác lưỡng dụng. Từ đó, Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ đưa vào quy hoạch sân bay giai đoạn tới.

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa có báo cáo gửi Tổ công tác của Chính phủ về nghiên cứu, đánh giá tổng thể khả năng khai thác hàng không dân dụng tại một số sân bay quân sự và xã hội hoá đầu tư sân bay.

Liên quan tới khả năng khai thác dân dụng tại 2 sân bay quân sự là Biên Hoà và Thành Sơn, trên cơ sở ý kiến của Bộ Quốc phòng, Bộ GTVT kiến nghị Tổ công tác xem xét, báo cáo Thủ tướng đưa 2 sân bay này vào quy hoạch cảng hàng không, sân bay.

Bộ GTVT dẫn ý kiến của Bộ Quốc phòng cho rằng, sân bay Biên Hòa và Thành Sơn đủ điều kiện khai thác lưỡng dụng.

Kiến nghị khai thác lưỡng dụng 2 sân bay quân sự Biên Hòa, Thành Sơn ảnh 1

Sân bay Thành Sơn (Ninh Thuận) hiện chỉ phục vụ mục đích quân sự, nên địa phương muốn được đưa vào quy hoạch để có thể kết hợp khai thác dân sự trong tương lai (ảnh: TĐ).

Về hình thức đầu tư sân bay Biên Hòa và Thành Sơn khai thác kết hợp thêm dân dụng, Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ giao UBND tỉnh Đồng Nai và Ninh Thuận tổ chức lập đề án đánh giá tính khả thi, hiệu quả, khả năng thực hiện theo hình thức đối tác công - tư (PPP); giao địa phương làm cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện. Trên cơ sở nghiên cứu đó để báo cáo Thủ tướng xem xét quyết định.

Bộ GTVT đánh giá, sân bay Biên Hòa là sân bay quân sự cấp 1, có 2 đường cất/hạ cánh bằng bê tông xi măng, mỗi đường băng rộng 45m, dài hơn 3km; diện tích đất sân bay khoảng 967ha, có thể bố trí khoảng 50ha làm khu vực phục vụ khai thác hàng không dân dụng (nhà ga hành khách, điểm đỗ máy bay…). Phần hạ tầng này đã được đầu tư từ những năm 1960, hiện xuống cấp; để đảm bảo khai thác dân dụng cần cải tạo, nâng cấp mở rộng; cùng đó, sẽ phải đầu tư thêm hệ thống thông tin liên lạc, dẫn đường, giám sát và hạ tầng đồng bộ; cải tạo hệ thống giao thông kết nối.

Ngoài ra, Bộ GTVT cho rằng, nếu khai thác dân dụng tại sân bay Biên Hoà sẽ giảm hiệu quả khai thác của sân bay Long Thành (Đồng Nai) và sân bay Tân Sơn Nhất (TPHCM). Do đó, bộ này kiến nghị, cần nghiên cứu thêm về quy mô khai thác dân dụng tại sân bay Biên Hoà, đảm bảo phù hợp, đồng bộ và hiệu quả giữa 3 sân bay khu vực này (Biên Hoà, Long Thành, Tân Sơn Nhất).

Với sân bay Thành Sơn (Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận), đây là sân bay quân sự cấp 1, có 2 đường cất/hạ cánh, mỗi đường bằng rộng 45m, dài hơn 3km (trong đó 1 đường cất/hạ cánh bằng bê tông xi măng, đường còn lại bằng đất). Sân bay có 3 vị trí đỗ máy bay, rộng khoảng 2.187ha, bảo đảm triển khai các công trình hàng không dân dụng.

Tuy nhiên, sân bay Thành Sơn xây dựng từ năm 1960, hiện cũng xuống cấp, để khai thác dân dụng cần cải tạo, nâng cấp các hạ tầng liên quan, thêm hệ thống thông tin liên lạc, dẫn đường, giám sát; làm thêm đường lăn; đầu tư hệ thống giao thông kết nối. Ước tính sơ bộ kinh phí đầu tư để khai thác dân dụng tại sân bay Thành Sơn cần khoảng 1.500-2.000 tỷ đồng.

Từ phân tích trên, Bộ GTVT ủng hộ đưa vào quy hoạch sân bay Biên Hoà và Thành Sơn theo hướng khai thác lưỡng dụng (kết hợp quân sự và dân sự), nhưng địa phương tự huy động vốn xã hội hoá để đầu tư.

Với đề xuất của các địa phương khác, Bộ GTVT cơ bản đánh giá các vị trí đề xuất sân bay mới đều khả thi về bố trí đường cất/hạ cánh, phương thức bay, nhưng phần lớn có xung đột và chồng lấn vùng trời với các đường bay. Do đó, bộ này đề xuất nếu làm sân bay mới cần tiếp tục được nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng cả về điều kiện địa hình và tổ chức vùng trời. Duy nhất đề xuất sân bay ở Hà Giang và Tuyên Quang không khả thi để bố trí đường cất - hạ cánh, thiết kế phương thức bay do địa hình hiểm trở.

MỚI - NÓNG