Kiểm soát kịch bản phim nước ngoài quay ở Việt Nam

TP - Ngày 29/3, Hội nghị đại biểu Quốc hội (ĐBQH) chuyên trách cho ý kiến về dự án Luật Điện ảnh và Luật kinh doanh bảo hiểm sửa đổi. Nhiều vấn đề còn ý kiến khác nhau tiếp tục được cho ý kiến tại phiên thảo luận.

Hai phương án

Báo cáo giải trình, tiếp thu dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết, có ý kiến đề nghị không yêu cầu các tổ chức, cá nhân nước ngoài cung cấp kịch bản phim hoặc chỉ cung cấp kịch bản phim khi sử dụng bối cảnh quay phim tại Việt Nam hoặc sử dụng diễn viên Việt Nam. Thường trực Ủy ban đưa ra hai phương án: Quy định yêu cầu kịch bản tóm tắt phim và Quy định yêu cầu kịch bản đầy đủ.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) tán thành phương án 1 và cho rằng, việc sửa đổi luật lần này nhằm tháo gỡ khó khăn, nút thắt cản trở sự phát triển của điện ảnh những năm qua, tạo cơ chế, chính sách để điện ảnh Việt Nam phát triển tương xứng với tiềm năng. “Nếu ngay khâu đầu tiên tiếp cận dịch vụ sản xuất phim, các tổ chức nước ngoài đã vấp ngay rào cản là cung cấp kịch bản phim đầy đủ thì họ sẽ không mặn mà. Trong sản xuất tác phẩm nghệ thuật cần giữ bí mật, tránh bị copy ý tưởng”, bà Nga nêu.

Kiểm soát kịch bản phim nước ngoài quay ở Việt Nam ảnh 1

Đại biểu Quốc hội Trần Văn Lâm (Bắc Giang)

Đại biểu Trần Văn Lâm (Bắc Giang) cũng cho rằng, chúng ta đang mong muốn thu hút các nhà làm phim tới Việt Nam, sử dụng các bối cảnh ở Việt Nam để quảng bá hình ảnh Việt Nam ra với thế giới nhưng các quy định lại quá chặt chẽ. Theo ông, người làm phim chỉ cần không vi phạm điều cấm thì được sử dụng các cảnh quay ở Việt Nam, còn không cần thiết quy định những điều khác. “Có cần thiết quy định phải có thỏa thuận hoặc hợp đồng với cơ sở điện ảnh Việt Nam trong quá trình quay không? Tại sao quay phim bối cảnh tại Việt Nam lại đến tận Bộ VHTT&DL cấp phép, có cần thiết không?”, đại biểu nêu.

Giải trình, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng vẫn mong muốn có được kịch bản toàn diện, vì qua nghiên cứu nền điện ảnh Trung Quốc và Thái Lan đều bắt buộc kịch bản hoàn chỉnh. “Nếu chúng ta không nắm kịch bản tổng thể mà chỉ nắm phân khúc ở Việt Nam, thì sau này liên quan vấn đề an ninh chính trị, ai sẽ chịu trách nhiệm?”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh.

Duy trì Quỹ sẽ tạo thêm gánh nặng?

Cho ý kiến về dự án Luật kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), một lần nữa, vấn đề Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm tiếp tục nhận được sự quan tâm của đại biểu Quốc hội. Không đồng tình duy trì Quỹ này, đại biểu Điểu Huỳnh Sang (Bình Phước) cho rằng, điều này sẽ tạo gánh nặng cho cả doanh nghiệp và người tham gia bảo hiểm. Về số dư của Quỹ còn lại, đại biểu đề nghị nên giao lại cho Bộ Tài chính quy định chi tiết về quản lý và sử dụng.

“Có cần thiết quy định phải có thỏa thuận hoặc hợp đồng với cơ sở điện ảnh Việt Nam trong quá trình quay không? Tại sao quay phim bối cảnh tại Việt Nam lại đến tận Bộ VHTT&DL cấp phép, có cần thiết không?”. đại biểu Trần Văn Lâm (Bắc Giang)

Cùng mối quan tâm, đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Thái Nguyên) cho rằng, do pháp luật quy định chỉ sử dụng Quỹ để xử lý khi phá sản nên “không bao giờ thực hiện được”. Do Bộ Tài chính đề nghị giữ lại Quỹ này, nên ông Thành đề nghị cơ quan soạn thảo cần báo cáo, giải trình rõ hơn những nội dung liên quan đến hoạt động Quỹ này.

Giải trình thêm, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nói, Quỹ dự trữ bắt buộc được trích từ 5% lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp bảo hiểm và do cơ quan bảo hiểm quản lý. Còn Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm hiện quy định trích 0,3% và nộp vào tài khoản do Bộ Tài chính quản lý.

“Từ khi hình thành đến giờ là hơn 1.000 tỷ đồng, chúng tôi muốn giữ Quỹ này để can thiệp khi doanh nghiệp bảo hiểm bị phá sản để bảo vệ quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm”, ông Phớc nói.

Cũng theo Bộ trưởng, nhiều ngân hàng quản lý rủi ro, thua lỗ thì phải có sự can thiệp kịp thời. Tương tự, khi doanh nghiệp bảo hiểm khó khăn thì Quỹ này dùng để can thiệp. “Quốc hội quyết định bỏ thì phải bỏ, nhưng chúng tôi nghĩ duy trì quỹ này sẽ đảm bảo được lợi ích, tính chủ động và là một công cụ cho cơ quan nhà nước khi can thiệp vào”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhắc lại yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là trước 1/4, Chính phủ có ý kiến về Quỹ này để cơ quan thẩm tra có cơ sở báo cáo. Theo ông, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị dừng Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm. “Sau gần 12 năm trích nộp, Quỹ này chưa phải sử dụng và ít có khả năng phải sử dụng”, ông Thanh cho hay.

MỚI - NÓNG
Giá vàng nhẫn tròn trơn vượt 70 triệu đồng/lượng. (Ảnh: Như Ý).
Giá vàng đồng loạt vọt tăng
TPO - Sáng nay (29/3), giá vàng trong nước tăng tới 700.000 đồng/lượng, lên mức 81 triệu đồng/lượng vàng SJC, vàng nhẫn tròn trơn vượt 70 triệu đồng/lượng. Giá vàng thế giới tiếp tục lập đỉnh cao mới, lên mức 2.232 USD/ounce.