Cục trưởng Cục Điện ảnh: Đạo đức nghệ sĩ không nhất thiết phải luật hóa

0:00 / 0:00
0:00
Đã có những người nêu ý kiến nên dừng một số phim với nhiều cảnh, chi tiết liên quan lùm xùm của nghệ sỹ
Đã có những người nêu ý kiến nên dừng một số phim với nhiều cảnh, chi tiết liên quan lùm xùm của nghệ sỹ
TP - Trước những góp ý, băn khoăn về một vài điểm khúc mắc của Luật Điện ảnh (sửa đổi), ông Vi Kiến Thành (ảnh), Cục trưởng Cục Điện ảnh, khẳng định, Ban soạn thảo lắng nghe để tiếp tục hoàn thiện dự luật theo tinh thần cầu thị, tạo điều kiện cho điện ảnh phát triển.

Trong phiên thảo luận của Quốc hội vừa qua, nhiều đại biểu lo ngại những quy định mơ hồ sẽ bó buộc sự sáng tạo của nghệ sĩ. Ông nghĩ sao về điều này?

Một số đại biểu góp ý cần phải quy định cụ thể hơn ở Điều 10 “Những nội dung và hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động điện ảnh”, để nghệ sĩ, nhà sản xuất biết điều gì được làm, điều gì không. Cơ quan quản lý cũng dễ áp dụng kiểm tra, giám sát hành vi vi phạm.

Thực tế nội dung của Điều 10 được tiếp thu và kế thừa từ Luật Điện ảnh 2006 và các bộ luật hiện hành của Việt Nam chứ không phải chúng tôi nghĩ ra quy định hoàn toàn mới mẻ. Để cụ thể hóa một số cụm từ như “thuần phong mỹ tục” chẳng hạn là điều không dễ. Các chuyên gia trải qua biết bao cuộc hội thảo, tranh luận bao phen không đưa ra được định nghĩa cụ thể. Chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu, cố gắng cụ thể hóa hơn nữa một số quy định cấm ở Điều 10.

Lùm xùm liên quan tới hoạt động từ thiện, vi phạm đạo đức gần đây của một số nghệ sĩ khiến dư luận xôn xao và đòi “cấm sóng” hoặc dừng chiếu phim có nghệ sĩ vi phạm. Ông có ủng hộ quan điểm này không?

Một tác phẩm điện ảnh là công sức, tiền bạc của cả tập thể. Nếu vì sai sót của một cá nhân nào đó mà đình chỉ một tác phẩm là điều không dễ dàng, làm ảnh hưởng tới cả một tập thể.

Chúng ta không nên thấy ở một nơi nào đó áp dụng hình thức dừng chiếu phim, “cấm sóng” là nhất thiết ta phải theo. Nâng cao ý thức, tinh thần, thái độ ứng xử của nghệ sĩ là điều nên làm. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) đang soạn thảo Bộ quy tắc ứng xử dành cho nghệ sĩ cũng nêu bật điều này.

Bộ Quy tắc không có chế tài, không hề có giá trị về mặt pháp lý. Vì thế một số đại biểu đề xuất đưa quy định về đạo đức của diễn viên vào luật. Điều này có khả thi không thưa ông?

Đúng là nhiều đại biểu và cả dư luận xã hội mong muốn chấn chỉnh các hoạt động, phát ngôn của giới nghệ sĩ bằng quy định pháp lý. Tuy nhiên, luật thường có tính ổn định và lâu dài. Mỗi khi sửa luật, cần khoảng thời gian tới 10-15 năm hoặc lâu hơn nữa, trong khi đó diễn biến đời sống văn hóa nghệ thuật thay đổi không ngừng. Một khi đưa quy định về đạo đức diễn viên vào luật thì không dễ dàng thay đổi được ngay. Tôi nghĩ những vấn đề về đạo đức, trách nhiệm của diễn viên nên đưa vào Thông tư, Nghị định để cập nhật dễ dàng, có thể điều chỉnh nhanh hơn khi đời sống văn hóa thay đổi.

Bộ VHTTDL từng đưa ra quy định rõ ràng đối với diễn viên (độ dài của trang phục, diễn viên nam không được cạo đầu...) nhưng ngay lập tức bị phản ứng và không thể đi vào đời sống. Vì thế có những vấn đề về đạo đức, lối sống của nghệ sĩ không nhất thiết đưa vào luật, thay vào đó lại có các hình thức khác để điều chỉnh như dư luận báo chí, dư luận xã hội.

Câu chuyện thẩm định phim trên không gian mạng nhận được sự ủng hộ của dư luận theo hướng hậu kiểm thay vì tiền kiểm, nhưng nhiều người vẫn lo ngại chuyện để lọt những sản phẩm gây hại. Ban soạn thảo sẽ xử lý theo hướng nào?

Cục trưởng Cục Điện ảnh: Đạo đức nghệ sĩ không nhất thiết phải luật hóa ảnh 1

Ông Vi Kiến Thành

Chúng tôi vẫn đang lắng nghe, tiếp tục nghiên cứu, khảo sát rồi mới tiếp tục đưa vào dự luật để xin ý kiến trước khi được Quốc hội thông qua vào năm 2022. Mỗi người góp ý đều có lí lẽ riêng ở từng góc độ khác nhau nhưng đều trên tinh thần quản lý xã hội bằng luật. Nhiều người ủng hộ tinh thần áp dụng quy trình hậu kiểm phim trên không gian mạng. Khối lượng phim trên không gian mạng rất lớn. Hậu kiểm là xu thế chung hiện nay của cả thế giới. Tuy nhiên phương án này vẫn còn rủi ro, vì thế chúng tôi nhận thấy cần tiếp tục bàn thảo để đặt ra giải pháp công nghệ, nguồn lực và tổ chức để tránh những rủi ro liên quan tới nội dung tư tưởng, bảo vệ chủ quyền biển đảo, bản sắc văn hóa Việt Nam.

Trong câu chuyện thẩm định và phân loại phim còn có ý kiến đề xuất tăng mức trần phân loại phim lên mức 21 tuổi thay vì 18 như hiện nay (dành cho khán giả từ 18 tuổi trở lên). Thực tế nhiều bộ luật của Việt Nam đều xác định công dân 18 tuổi đã đủ năng lực hành vi trước xã hội, vì thế đề xuất thêm mức 21 tuổi, thì cần cân nhắc, bàn bạc.

Cảm ơn ông.

Nhà nước vẫn nên đầu tư Quỹ điện ảnh

Phim nhà nước đặt hàng chiếm tỉ lệ rất nhỏ. Mỗi năm Nhà nước đặt hàng khoảng 1 phim điện ảnh, còn lại tập trung cho phim tài liệu và phim hoạt hình. Giới điện ảnh ủng hộ Quỹ điện ảnh ra đời, nhưng quá trình ra đời không hề thuận lợi do nhiều ý kiến khác nhau.

“Nhiều người không hiểu rằng Quỹ điện ảnh chính là cách thu hút nguồn lực ngoài xã hội để sản xuất phim bảo vệ bản sắc văn hóa, đầu tư tác phẩm chất lượng. Trong số các nguồn thu cho Quỹ rõ ràng Nhà nước phải đóng vai trò quan trọng. Thực tế nhiều quốc gia phát triển trên thế giới đều có các Quỹ điện ảnh từ cấp Chính phủ tới cấp địa phương”, ông Vi Kiến Thành nói. Quỹ điện ảnh không đầu tư đặt hàng phim đề tài lịch sử, chiến tranh cách mạng hay về vùng sâu vùng xa nữa, mà nó tạo cơ hội cho các nhà làm phim độc lập, nhà làm phim trẻ có nguồn lực để làm phim cũng như các hoạt động quảng bá, xúc tiến điện ảnh tại nước ngoài.

MỚI - NÓNG