Qua thảo luận, đại biểu Hà cũng dẫn chứng, Trung Quốc đang làm một chiến dịch rất mạnh mẽ để loại bỏ ngôi sao có lối sống lệch chuẩn. “Tôi nghĩ chúng ta cũng có thể tham khảo vấn đề này, bởi vì người hoạt động nghệ thuật cần phải hết sức giữ gìn hình ảnh của mình, nghệ sĩ cần đức trước khi cần tài”, đại biểu nêu, và đề xuất quy định dừng chiếu, hoặc rút phép đối với các tác phẩm điện ảnh khi người nghệ sĩ vi phạm đạo đức, an ninh chính trị, hoặc phát ngôn nào đó.
Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Đoàn Thị Thanh Mai, việc quản lý phim trên không gian mạng là điều quan trọng. Nếu chỉ quy định hậu kiểm và gỡ bỏ thì chưa ổn, bởi trước khi gỡ bỏ nó tồn tại khá lâu, có hàng triệu người xem. Có những nền tảng xuyên biên giới mất nhiều thời gian. Vì vậy việc hậu kiểm cần cân nhắc. Theo đại biểu, nên có giải pháp thích hợp giữa tiền kiểm và hậu kiểm với phim phổ biến trên mạng, tránh lọt phim không phù hợp trên mạng.
Nhấn mạnh vai trò của điện ảnh trong sự phát triển đất nước, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dẫn chứng, nhiều nước có nền công nghiệp điện ảnh sâu rộng, quảng bá được hình ảnh đất nước, con người.
“Văn hóa soi đường quốc dân đi”, Chủ tịch nước nhấn mạnh, làm điện ảnh phải giữ gìn văn hóa dân tộc thông qua truyền bá những hình ảnh đất nước, con người, truyền thống Việt Nam.
Chủ tịch nước đề nghị, phải xây dựng Luật Điện ảnh “dài hơi”, đặc biệt khi công nghệ bùng nổ và nghiên cứu thêm kinh nghiệm các nước. Về chính sách, theo Chủ tịch nước, đối với điện ảnh thì nên xã hội hóa, khuyến khích mọi tổ chức, cá nhân được làm phim. Nhà nước nên đặt hàng, dành nguồn kinh phí hỗ trợ cần thiết cho những tác phẩm phim về lịch sử, giới thiệu đất nước, con người Việt Nam.