Khuyến cáo tạm dừng đưa hàng lên biên giới

0:00 / 0:00
0:00
Trong bối cảnh 1,7 triệu tấn trái cây đang đến thu hoạch, các DN cần tìm kiếm các thị trường mới để tiêu thụ
Trong bối cảnh 1,7 triệu tấn trái cây đang đến thu hoạch, các DN cần tìm kiếm các thị trường mới để tiêu thụ
TP - Bộ NN&PTNT cho biết, từ nay đến Tết Nguyên đán, hơn 1,7 triệu tấn rau quả vào chính vụ, các doanh nghiệp (DN) cần tạm dừng đưa hàng lên biên giới, và cần điều chỉnh lại phương án kinh doanh, tránh trường hợp đưa hàng lên biên giới rồi bị trả về.

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), cho biết, Trung Quốc đang theo đuổi chính sách “Zero COVID” nên việc kiểm tra hàng hoá nhập khẩu từ nước ngoài hiện rất chặt. Các xe hàng khi vận chuyển từ các tỉnh đến cửa khẩu phải chuyển sang xe chở hàng của phía Trung Quốc để chuyển cho các đối tác.

Theo ông Hoà, điều khó khăn là nhân lực để chuyển và bốc vác hàng của nước này đang khan hiếm. Trước đây, tại các cửa khẩu thường có rất đông cửu vạn từ Việt Nam sang bốc hàng thuê, nhưng hiện nước này chặn tất cả đường mòn, lối mở và đóng cửa phần lớn các cửa khẩu nhỏ, và chỉ cho thông quan tại một số cửa khẩu lớn nên việc vận chuyển hàng hóa rất chậm.

Ông Hoà cho biết, tính đến ngày 13/12, còn khoảng 4.000 xe container rau quả (chủ yếu thanh long, mít, sầu riêng…) vẫn đang mắc kẹt tại các cửa khẩu Hữu Nghị, Tân Thanh, Chi Ma (Lạng Sơn). Ngoài ra, tại cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh), các xe thủy sản đông lạnh hiện tồn khoảng 800 xe (cá ba sa, tôm đông lạnh…) và 300 container hoa quả với năng lực thông quan chỉ khoảng 20 xe/ngày.

Sẽ phối hợp 2-3 bộ, ngành cùng đẩy nhanh tiến độ

Bộ Công Thương cho hay, Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn đã có báo cáo về việc lượng xe chở hàng ùn ứ tại 3 cửa khẩu trên địa bàn trong gần 2 tuần qua với mức gia tăng trung bình mỗi ngày hơn 100 container.

Bộ Công Thương sẽ phối hợp Bộ Tài chính, Bộ GTVT tổ chức phân luồng ở khu vực biên giới, đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng logistics như kho lạnh ở Trà Lĩnh (Cao Bằng), khu trung chuyển ở Lạng Sơn, trung tâm logistics ở Bắc Giang.

Thục Quyên

Theo Bộ NN&PTNT, tính đến tháng 12/2021, xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc đạt gần 8,4 tỷ USD. Trong đó, Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ rau quả lớn nhất của Việt Nam.

Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), cho biết, trong tháng 12, sản lượng trái cây đến thời kỳ thu hoạch của cả nước khoảng 700 nghìn tấn và tính đến Tết Nguyên đán có khoảng hơn 1,7 triệu tấn cần được tiêu thụ.

Trong bối cảnh Trung Quốc đang siết chặt hơn các yêu cầu về chất lượng, truy xuất nguồn gốc các sản phẩm, đặc biệt là các biện pháp kiểm tra dịch bệnh và an toàn thực phẩm, dự báo xuất khẩu nông sản sang thị trường này có nguy cơ tiếp tục gặp khó, ùn ứ tại cửa khẩu.

Ông Tùng cho rằng các địa phương, doanh nghiệp hết sức cẩn trọng trong kiểm tra chất lượng sản phẩm, sâu bệnh dịch hại trên hoa quả… trước khi xuất sang Trung Quốc. Tránh trường hợp cơ quan chức năng nước này kiểm tra phát hiện chất lượng sản phẩm vi phạm quy định của họ và trả hàng về.

Lãnh đạo Bộ NN&PTNT cho biết, ngay sau khi nắm tình hình, Bộ NN&PTNT đã có trao đổi với phía Trung Quốc về các quy định thông quan. Các DN cần nắm bắt thông tin để điều chỉnh kế hoạch thương mại phù hợp.

Trong bối cảnh nhiều loại trái cây sắp đến vụ thu hoạch, bộ cũng đề nghị các địa phương, DN mở rộng thị trường. Trong đó, đối với thị trường trong nước, các đơn vị cần tăng cường bán hàng qua sàn thương mại điện tử, tổ chức kết nối tiêu thụ giữa các địa phương. Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp các bộ, ngành thúc đẩy mở cửa thị trường nông sản với các nước thuộc ASEAN; Peru, Úc, Mỹ, Nga, Séc…

MỚI - NÓNG