Theo báo cáo này, việc thiếu sự phối hợp, hợp tác của đội ngũ quản lý chương trình dẫn đến việc mất kiểm soát và không thể tiến hành rất nhiều cuộc lấy mẫu xét nghiệm doping. Bản báo cáo cho biết, trong một số ngày, có tới 50% số vụ lấy mẫu xét nghiệm theo dự kiến tiến hành trong Làng Olympic buộc phải huỷ bỏ do không tìm ra được VĐV.
Cùng với việc “thiếu hợp tác hay cách tiếp cận thống nhất” trong bộ phận quản lý chương trình phòng chống doping, bản báo cáo cũng đổ lỗi khủng hoảng cho việc cắt giảm kinh phí, mối quan hệ căng thẳng giữa BTC Rio 2016 và cơ quan phòng chống doping Brazil và sự thay đổi số lượng lớn nhân viên của bộ phận phòng chống doping BTC Rio 2016.
Đặc biệt, bản báo cáo chỉ trích mạnh mẽ việc thiếu sự hỗ trợ, huấn luyện và thông tin cho các giám sát viên, những người chịu trách nhiệm thông báo cho VĐV về cuộc xét nghiệm. Báo cáo cho biết: “Giám sát viên thường không được cung cấp hoặc cung cấp rất ít thông tin về VĐV dự kiến thực hiện xét nghiệm doping ngẫu nhiên tại Làng VĐV, và vì vậy, họ mất rất nhiều thời gian để hỏi quan chức hoặc VĐV ở cùng đội tuyển đó nhằm tìm kiếm VĐV dự định. Trong khi đó, việc này vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc “không báo trước” về cuộc xét nghiệm. Bên cạnh đó, khi không tìm được VĐV trong phòng, giám sát viên lại không được huấn luyện, hoặc thiếu chủ động tiếp tục tìm kiếm VĐV ở những nơi khác, dẫn đến việc huỷ bỏ nhiệm vụ. Trong một số ngày, số lượng nhiệm vụ xét nghiệm dự kiến buộc phải huỷ bỏ theo kiểu này lên tới 50%”.
Một chi tiết đáng chú ý khác là việc thiếu sự hỗ trợ cho các giám sát viên này, bao gồm cả việc không cung cấp đủ thức ăn cần thiết, khiến nhiều giám sát viên tình nguyện bỏ cuộc.
Vấn đề nổi cộm nữa là việc thiếu nhân viên kiểm tra doping. Theo báo cáo, có ngày tại Làng VĐV chỉ có 2 nhân viên lấy mẫu máu có mặt để thực hiện nhiệm vụ lấy 94 mẫu thử theo kế hoạch. Một hôm khác thậm chí còn không có nhân viên nào xuất hiện khiến cho kế hoạch ngày hôm đó hoàn toàn sụp đổ. Bên cạnh đó là việc thiếu, hoặc không có phương tiện di chuyển đến các địa điểm thi đấu cho nhân viên kiểm tra doping, hay tình trạng máy tính, máy in hỏng hóc thường xảy ra khiến tình hình càng tồi tệ hơn.
Theo báo cáo này, không cầu thủ bóng đá nào bị kiểm tra doping ngoài thời gian thi đấu, hay rất ít, hoặc thậm chí không hề có cuộc kiểm tra doping nào ở những môn hay nội dung thi đấu có nguy cơ cao, bao gồm cả môn cử tạ.
Điểm sáng duy nhất trong báo cáo của WADA là phòng thí nghiệm kiểm tra doping của Brazil, vốn bị “treo giò” trước đại hội do không đạt tiêu chuẩn quốc tế. Theo báo cáo, phòng thí nghiệm này đã được “trang bị tuyệt hảo, hoạt động an toàn và cực kỳ hiệu quả, xứng đáng là tiêu chuẩn cho hoạt động phòng chống doping ở Nam Mỹ”.