Khuất tất tiền hỗ trợ hạn mặn cho dân

Ruộng lúa của người dân bị thiệt hại do hạn hán tại vùng U Minh Thượng, Kiên Giang. Ảnh: Hồng Lĩnh
Ruộng lúa của người dân bị thiệt hại do hạn hán tại vùng U Minh Thượng, Kiên Giang. Ảnh: Hồng Lĩnh
TP - Hạn mặn trong vụ Đông - Xuân vừa qua đã làm thiệt hại trên 86.000 ha lúa của người dân tại Kiên Giang. Chính quyền tỉnh quyết định tạm ứng 140 tỷ đồng từ ngân sách để hỗ trợ cho nông dân. Tuy nhiên, việc triển khai hỗ trợ ở xã Vĩnh Thuận có những biểu hiện khuất tất khiến người dân bức xúc.

Thiệt hại nặng vẫn không được hỗ trợ

Theo đơn phản ánh của một số hộ dân, PV Tiền Phong tìm về xã Vĩnh Thuận (huyện Vĩnh Thuận) để tìm hiểu việc chi trả tiền hỗ trợ thiên tai cho người dân. Ông Huỳnh Văn Hoặc (ấp Vĩnh Trinh) cho biết, gia đình ông có 1,3 ha lúa bị mất trắng nhưng không có trong danh sách được nhận tiền hỗ trợ. 

“Sau nhiều lần làm thủ tục kê khai thiệt hại để được cấp tiền hỗ trợ nhưng không được, tôi tìm gặp trực tiếp bà Phạm Thị The - Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thuận để trình bày vụ việc. Bà The nói tôi cứ về gặp lãnh đạo ấp làm lại hồ sơ, nhưng cán bộ ấp là ông Văn Công Hiển chẳng những không chịu ký mà còn thách thức tôi làm đơn thưa kiện”- ông Hoặc nói.

Tương tự, gia đình ông Điêu Văn Sơn có 3ha lúa bị mất trắng nhưng cũng không có tên trong danh sách nhận tiền hỗ trợ. Ông Sơn kể: “Cán bộ ấp, xã xuống tận nhà tôi để xác minh rồi ghi danh sách rất rõ ràng. Họ nói tôi sẽ nhận được 6 triệu đồng tiền hỗ trợ. 

Tuy nhiên tôi đã làm hồ sơ đến 2 lần theo yêu cầu của cán bộ nhưng vừa rồi trong danh sách nhận tiền lại không có gia đình tôi”. Ông Sơn thắc mắc: “Cùng là người dân chịu thiệt hại như nhau nhưng sao người có tiền, người không?”.

 Trong khi đó, ông Nguyễn Ngọc Út và ông Huỳnh Văn Lèo cùng làm chung 4 ha lại hai lần được nhận tiền hỗ trợ. Lần đầu, ông Lèo tự kê khai. Lần còn lại, ông Nguyễn Văn Khanh, cán bộ chịu trách nhiệm trong việc kê khai, chi trả đứng ra… kê khai giúp. Ông Út cho biết, khi sự việc vỡ lở, ông Khanh đưa đến nhà ông Út 8 triệu đồng và năn nỉ nhận. Theo phản ánh của các hộ dân, ấp Vĩnh Trinh hiện còn khoảng 30 hộ bị thiệt hại do thiên tai nhưng đến nay vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ.

Kê khống, chi sai

Trong khi nhiều hộ dân bị thiệt hại, đã kê khai nhiều lần vẫn không được nhận hỗ trợ thì không ít trường hợp được nhận nhiều lần. Trường hợp của bà Lưu Thị Tân (ấp Vĩnh Trinh) là trường hợp điển hình. Bà Lưu có 1,6 ha lúa bị thiệt hại và có đến 3 lần có tên trong danh sách nhận tiền hỗ trợ với tổng số tiền 17,6 triệu đồng. 

Trong đó có 11,2 triệu đồng đứng tên Lưu Thị Tân nhưng CMND lại của bà Lưu Thị Yến. Bà Yến là vợ của ông Nguyễn Văn Khanh (Tổ trưởng tổ kinh tế - kỹ thuật), người trực tiếp đi thống kê, chi trả tiền cho dân. Chữ ký nhận tiền cũng không phải của bà Tân. Bà Tân xác nhận chỉ ký tên nhận tiền 1 lần với số tiền 3,2 triệu đồng cho 1,6 ha lúa bị thiệt hại. “Ở nhà chỉ có mình tôi đi nhận thôi. CMND của chồng tôi bị cháy vẫn chưa làm lại” - bà Tân nói.

Khuất tất tiền hỗ trợ hạn mặn cho dân ảnh 1

Các hộ dân ở ấp Vĩnh Trinh và Bờ Xáng xã Vĩnh Thuận bức xúc trình bày với PV. Ảnh: Hồng Lĩnh

Ông Nguyễn Minh Trí  (ấp Bờ Xáng) thuê đất gia đình ông Lê Hoàng Vinh để sản xuất từ nhiều năm qua. Theo quy định, những người trực tiếp sản xuất mới được kê khai thiệt hại để được hỗ trợ. Tuy nhiên, theo ông Trí, không hiểu bằng cách nào ông Vinh được nhận khoản tiền hỗ trợ. 

Trong danh sách, ông Vinh nhận số tiền lên đến 16 triệu đồng với 8ha lúa bị thiệt hại. Ông Trí tiết lộ: “Khi tôi lại đòi tiền hỗ trợ thì ông chủ đất yêu cầu tôi gặp trưởng ấp để giải quyết. Tôi cũng không hiểu vì sao mà tối hôm đó ông trưởng ấp đem tới nhà một triệu đồng dấm dúi đưa cho tôi nhưng không cần ký nhận gì cả”.

Ông Huỳnh Văn Xả (ấp Vĩnh Trinh) cũng cho biết, gia đình ông bị thiệt hại trên 1,5 ha lúa nhưng ông chỉ được nhận tiền hỗ trợ 1ha, với số tiền 2 triệu đồng. Trong khi đó, trong danh sách nhận tiền hỗ trợ, tên của ông được ký nhận tiền đến 2 lần, với 2 diện tích khác nhau.

Người dân địa phương đang xôn xao việc chi sai đối tượng và kê khống diện tích để trục lợi.

Vừa đá bóng, vừa thổi còi

Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thuận bà Phạm Thị The cho biết, toàn xã có 3.584ha lúa bị thiệt hại và được cấp phát số tiền trên 7 tỷ đồng để hỗ trợ cho bà con bị thiệt hại. Hiện số tiền này còn thừa trên 90 triệu đồng do có một số hộ chưa ký nhận vì trùng tên.

 Tuy nhiên, bà The thừa nhận: “Nếu cán bộ cố tình làm sai thì rất khó giám sát vì ông Nguyễn Văn Khanh vừa là người giữ tiền của cả ấp, vừa là người kê khai, rà soát, chi tiền cho dân nên mới có cơ hội tiêu cực, xảy ra sơ hở”. Bà The cũng cho biết: “Chính quyền xã Vĩnh Thuận sẽ thành lập hội đồng thẩm định lại các trường hợp dân phản ánh, nếu đúng (như phản ánh) thì sẽ thu hồi tiền trả lại cho đúng đối tượng. Phát hiện tới đâu, chúng tôi báo cáo về trên để thu hồi và có hướng xử lý đó”.

Liên quan đến vụ việc trên, chiều 28/6, ông Nguyễn Văn Tâm - Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang cho Tiền Phong biết, sở này đã thành lập đoàn kiểm tra việc thực hiện chi trả tiền hỗ trợ thiên tai trên địa bàn toàn tỉnh. Hiện anh em đang đi làm chưa có báo cáo. Tuy nhiên bước đầu đã phát hiện một số sai phạm như sai lệch về diện tích thiệt hại, đối tượng hỗ trợ…

“Chúng tôi đã nghe phản ánh lùm xùm việc chi trả tiền hỗ trợ thiên tai ở xã Vĩnh Thuận”- ông Võ Văn Lễ - Bí thư Huyện ủy huyện Vĩnh Thuận nói, đồng thời cho biết, Ủy ban kiểm tra Huyện ủy đã thành lập đoàn kiểm tra đối với Đảng ủy xã Vĩnh Thuận và cá nhân ông Đặng Văn Dũng - Bí thư đảng ủy xã khi có dấu hiệu sai phạm. Trước mắt, Huyện ủy đã điều ông Đặng Văn Dũng, Bí thư xã Vĩnh Thuận về Văn phòng UBND huyện, chờ sau khi có kết luận chính thức sẽ có hình thức xử lý. Đoàn kiểm tra cũng sẽ làm rõ vụ cán bộ ăn chặn tiền, quà của người nghèo trong dịp tết Bính Thân vừa qua trên địa bàn xã.


MỚI - NÓNG
Dải công viên ven sông Sài Gòn sắp có 'áo mới' đón tết Ất tỵ 2025
Dải công viên ven sông Sài Gòn sắp có 'áo mới' đón tết Ất tỵ 2025
TPO - Công viên chạy dọc từ cầu Ba Son đến cầu Thủ Thiêm với chiều dài hơn 1 km, tổng diện tích 10ha được đề xuất thực hiện để nối dài tổ hợp công viên ven sông Sài Gòn tạo nên sân chơi công cộng có sức chứa lớn, nhiều hoạt động mới lạ, thu hút người dân và du khách đến tham quan, giải trí, tận hưởng dòng sông.