Khu tái định cư Vĩnh Lộc (huyện Bình Chánh, TP HCM) rộng 30 ha, đã xây dựng 45 block cao năm tầng, tổng cộng 1.939 căn hộ, đưa vào sử dụng từ năm 2010. Đây là nơi bố trí cho các hộ dân bị giải tỏa thuộc chương trình nâng cấp đô thị với tổng vốn đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng.
Đa số các hộ dân tại đây đến từ các quận 1, 6, 8… và là những hộ nghèo, không đủ điều kiện để bồi thường về nhà ở, đất ở tại các dự án di dời.
Đến nay chỉ có 477 hộ dân đã nhận nhà tái định cư, còn nhiều lô ở đây vẫn không có người ở, bị bỏ không nhiều năm nay. Một số lô chung cư xảy ra tình trạng sụt lún, tường ngoài bị nứt nẻ sau bảy năm xây dựng.
Bên trong những căn hộ vắng bóng người đã xuống cấp, tường ẩm mốc bong tróc sơn, hệ thống phòng cháy chữa cháy gỉ sét. Một số căn còn được tận dụng làm nơi nuôi gà.
"Tôi thuê trọ căn hộ ở đây giá hai triệu đồng một tháng. Ở đây thuê rẻ nhưng đi làm xa lắm, gần 20 km. Tôi ở đây hơn ba năm mà cư dân vẫn thưa thớt, khung cảnh vắng vẻ", anh Nguyễn Hữu Hậu (lô B) cho biết.
Cũng theo anh Hậu nước tại khu dân cư có màu vàng, nghi bị nhiễm phèn nặng nên gia đình anh phải mua bình lọc nước để sinh hoạt.
Gia đình bà Phan Thị Hạnh (57 tuổi) có 20 thành viên sinh hoạt trong căn hộ 50 m2. "Ở đây khổ nhất là nhà hay bị dột, mỗi khi nhà trên lầu dội nước thì trần phòng tắm lại bị thấm nước, tường thì bong tróc vôi vữa... ", bà Hạnh ngán ngẩm.
Buổi tối, khung cảnh khu tái định cư trở nên đìu hiu, nhiều lô chỉ le lói ánh đèn điện của số ít cư dân đang sinh sống.
Theo những người dân, khi chuyển tới khu tái định cư thì họ lại ở xa nơi sinh sống cũ, không xin được việc làm, khó buôn bán được nên cuộc sống càng thêm khó khăn.
"Ngay cả lối chính dẫn vào khu này còn là đường đất, nắng bụi mưa lầy suốt bảy năm nay càng làm cho nhiều người ngại vào đây ở", ông Hiệp (người dân) giải thích.
Theo UBND huyện Bình Chánh, khu tái định cư này có 4 đường kết nối với bên ngoài ra đường Võ Văn Vân, Tỉnh lộ 10… Tuy nhiên, phải đến năm 2018 thì mới hoàn thành một con đường. Một đường khác đang được bồi thường giải phóng mặt bằng nhưng tiến độ chậm.
Các đại biểu HĐND TP đã đề nghị Sở Xây dựng tính toán để đưa các căn hộ trống vào sử dụng như bán cho người dân xung quanh, bán nhà ở xã hội… để thu hồi vốn, tránh lãng phí.
Được xây dựng từ năm 2013, khu tái định cư Bình Khánh (quận 2, TP HCM) có diện tích 38,4 ha. Dự án thuộc chương trình 12.500 căn hộ phục vụ tái định cư Khu đô thị mới Thủ Thiêm, là khu tái định cư lớn nhất TP HCM. Sau gần 5 năm thi công, cả ba khu đều đã hoàn thiện với hàng loạt block nhà cao tầng đã thành hình.
Khu tái định cư nằm ở vị trí thuận tiện bên đại lộ Mai Chí Thọ, tuyến đường từ cửa ngõ phía Đông vào trung tâm thành phố.
Các block nhà đầy đủ hạ tầng nội và ngoại khu như công viên, sân tennis, hồ bơi, đường sá... đã cơ bản hoàn thành. Đây là dự án tái định cư được thành phố yêu cầu phải trở thành kiểu mẫu.
Cơ sở hạ tầng hoàn thiện nhưng phần lớn các căn hộ đã được bàn giao vẫn không người ở. Nhiều cảnh quan trong các khu nhà cỏ mọc tràn lan, nước đọng thành ao.
Các công viên hoàn thành nhưng nhiều máy tập thể dục, khu vui chơi thiếu nhi đều bị buộc lại, chưa được đưa vào sử dụng. Một số tiện ích nội khu khác vẫn đóng cửa.
Các công viên hoàn thành nhưng nhiều máy tập thể dục, khu vui chơi thiếu nhi đều bị buộc lại, chưa được đưa vào sử dụng. Một số tiện ích nội khu khác vẫn đóng cửa.
Các căn hộ, ki ốt thương mại, tầng hầm gửi xe... ở các lô đều đóng kín cửa, thành nơi nghỉ trưa cho công nhân xây dựng. Hiện chỉ có lác đác vài chung cư đã đón những cư dân đầu tiên từ năm 2015.
Nguyên nhân là nhiều người thuộc diện đền bù không đủ tiền mua nền tái định cư ở đây. Số khác do chờ đợi quá lâu không có nhà ở phải đi mua chỗ khác, bán lại suất nhà của mình cho người khác.
Mới đây, UBND TP HCM chấp thuận chủ trương bán đấu giá quyền sử dụng đất và công trình xây dựng trên đất đối với 3.790 căn hộ tại khu tái định cư Bình Khánh (quận 2), với giá khoảng 2,37 tỷ đồng một căn hộ.