'Không quay phim, chụp ảnh' tại nơi tiếp công dân có đúng luật?

Trụ sở tiếp công dân thành phố Hà Nội. Ảnh: Trường Phong
Trụ sở tiếp công dân thành phố Hà Nội. Ảnh: Trường Phong
TPO - Trao đổi với báo chí, Ủy viên Thường trực UB Pháp luật của QH Bùi Văn Xuyền cho rằng, việc Hà Nội ra một quy định căn cứ trên Luật Tiếp công dân, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, nghị định hướng dẫn thi hành Luật Tiếp công dân mà đặt ra những chế định không có trong luật là không phù hợp.

Liên quan đến việc thành phố Hà Nội mới đây ban hành quy định “Không quay phim, chụp ảnh, ghi âm khi chưa có sự đồng ý của người tiếp công dân”, trao đổi với phóng viên, Trưởng Ban Tiếp Công dân T.Ư Nguyễn Hồng Điệp cho biết việc ban hành nội quy tiếp công dân là quyền của Thủ trưởng các cơ quan hành chính nhà nước.

 Ngay tại Trụ sở Tiếp công dân T.Ư, nội quy cũng quy định rõ "không được tự ý quay phim, chụp ảnh, ghi âm khi chưa có sự đồng ý của lãnh đạo Ban Tiếp công dân T.Ư, cán bộ tiếp công dân tại Trụ sở tiếp công dân”.

Ông Điệp cho biết, quy định này là đúng vì vừa để bảo vệ người dân, vừa bảo vệ cán bộ tiếp dân.

“Người dân có quyền giám sát, cá nhân tôi cũng cho rằng người dân nên giám sát để cán bộ làm công tác tiếp dân cẩn thận, có thái độ đúng mực, đúng quy định, không để xảy ra tình trạng hạch sách, quát nạt người dân. Nhưng cũng cần phải bảo vệ cán bộ tiếp dân. Trước pháp luật mọi người đều bình đẳng”, ông Điệp nói.

Theo ông Điệp, thực tế, có những người dân vì bức xúc mà lăng mạ, dọa nạt cán bộ tiếp dân. “Nếu lúc đó lại có những người có động cơ không trong sáng vào trụ sở để quay phim đưa lên mạng thì sẽ bảo vệ cán bộ tiếp công dân thế nào được”, ông Điệp lý giải.

Ông Điệp lưu ý thêm, tại trụ sở tiếp dân, có rất nhiều vụ việc người dân đến để tố cáo hành vi vi phạm pháp luật mà lại bị quay phim, chụp ảnh, phát trực tiếp thì không chỉ ảnh hưởng đến cán bộ tiếp dân, ảnh hưởng đến người dân đi tố cáo mà còn vi phạm luật.

Cho nên, chỉ khi được sự đồng ý của lãnh đạo Ban Tiếp công dân, cán bộ tiếp công dân tại Trụ sở tiếp công dân thì người dân đến Trụ sở mới được quay phim, chụp ảnh, ghi âm.

“Nếu một Trụ sở mà ai cũng vào được, ai vào cũng được phát trực tiếp đưa lên mạng internet hay cố tình lợi dụng sự giám sát để quay phim, có hành động thách thức cán bộ thì làm sao đảm bảo sự tôn nghiêm của cơ quan Nhà nước”, ông Điệp nói.

Ông Điệp cũng nói thêm, khi cán bộ tiếp dân mà lúc nào cũng bị ghi âm, ghi hình, chụp ảnh thì sự tương tác, gần gũi giữa cán bộ tiếp dân với người dân sẽ có khoảng cách vì “luôn luôn phải giữ ý nhau”.

“Quan trọng là, cán bộ tiếp dân phải làm sao để người dân không cảnh giác mình, không cần phải ghi âm, chụp ảnh”, ông Điệp nói, đồng thời chia sẻ, bản thân ông trước những vụ việc như vụ Thủ Thiêm, ông đều đồng ý để người dân ghi âm, ghi hình, chụp ảnh.

Trong khi đó, trao đổi với báo chí, Ủy viên Thường trực UB Pháp luật của QH Bùi Văn Xuyền cho rằng, việc Hà Nội ra một quy định căn cứ trên Luật Tiếp công dân, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, nghị định hướng dẫn thi hành Luật Tiếp công dân mà đặt ra những chế định không có trong luật là không phù hợp.

Hiện cả Luật Tiếp công dân và Nghị định 64/2014 hướng dẫn luật này đều không có quy định cấm ghi âm, ghi hình ở trụ sở tiếp công dân. Theo ông Xuyền, cán bộ tiếp dân cũng đang thực thi công vụ, chứ không phải tư cách cá nhân và không thuộc phạm vi bí mật đời tư.

MỚI - NÓNG