Hà Nội nói gì về quy định 'không quay phim, ghi âm cán bộ tiếp dân'?

Trụ sở tiếp công dân thành phố Hà Nội. Ảnh: Trường Phong
Trụ sở tiếp công dân thành phố Hà Nội. Ảnh: Trường Phong
TPO - Chiều 7/1, trao đổi với phóng viên Tiền Phong, đại diện Ban Tiếp công dân thành phố Hà Nội đã có giải thích quanh nội quy “Không quay phim, chụp ảnh, ghi âm khi chưa có sự đồng ý của người tiếp công dân”.

Trước đó, như Tiền Phong phản ánh, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung vừa ký văn bản quyết định ban hành nội quy về việc tiếp công dân tại trụ sở tiếp công dân thành phố. Trong đó, đáng chú ý là quy định “Không quay phim, chụp ảnh, ghi âm khi chưa có sự đồng ý của người tiếp công dân”.

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong chiều 7/1, đại diện lãnh đạo Ban Tiếp công dân thành phố Hà Nội cho biết, nội quy này được thành phố ban hành dựa trên quy định tại Điều 12 của Luật Tiếp công dân, cho phép Chủ tịch UBND cấp tỉnh ban hành nội quy tại Trụ sở tiếp công dân cấp tỉnh, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.

Vị này cũng lý giải, nhiều trường hợp công dân đến trụ sở tiếp công dân giơ máy điện thoại dí sát vào mặt cán bộ tiếp công dân, thậm chí vừa trình bày với cán bộ tiếp công dân vừa phát trực tiếp trên mạng xã hội. Hơn nữa, những người này đến với mục đích không thiện chí, không phải đòi hỏi quyền lợi, trình bày, khiếu nại, tố cáo, phản ánh...

“Bạn cứ hình dung nếu bạn là một cán bộ tiếp công dân mà công dân cứ cầm điện thoại dí vào mặt thì có tiếp được không. Hơn nữa việc ghi hình, ghi âm đó lại không phục vụ cho buổi tiếp công dân, thậm chí còn gây phản cảm, bức xúc, tăng sự căng thẳng của chính công dân và người tiếp công dân”, vị này chia sẻ.

Đại diện lãnh đạo Ban tiếp công dân thành phố Hà Nội cũng cho biết, bản thân ông cũng từng là “nạn nhân” của việc vừa tiếp công dân vừa bị phát trực tiếp trên mạng xã hội. Tuy nhiên, thường trong 100 người thì chỉ có một vài người như vậy. Vị này đánh giá, những người như thế thường đến buổi tiếp công dân không thiện chí.

“Mình tiếp công dân, nghe công dân trình bày, ghi chép đầy đủ, thật kỹ các ý công dân. Trong trường hợp cần thiết còn hướng dẫn công dân thực hiện quyền của mình. Người tiếp công dân chỉ là người lắng nghe thôi chứ không phải là người giải quyết sự việc”, vị này giải thích thêm.

Vị này cũng chia sẻ, cán bộ tiếp công dân cũng có quyền cơ bản. Ví dụ một người muốn ghi hình một người khác thì phải xin phép, kể cả ở ngoài đường hay ở đâu. “Anh ghi hình tôi thì phải xin ý kiến tôi. Đang ở cơ quan nhà nước, anh muốn ghi hình thì phải xin ý kiến chứ”, vị cán bộ nói.

Theo đại diện lãnh đạo Ban Tiếp công dân thành phố, nội quy nói trên không làm hạn chế bất cứ quyền gì của công dân. Cụ thể, cán bộ tiếp công dân chỉ tiếp, hướng dẫn công dân thực hiện quyền của mình, ghi nhận ý kiến, phản ánh của công dân. Sau khi tiếp công dân xong đều có phiếu tiếp nhận đơn, biên bản đàng hoàng.

Được biết, Hà Nội đã triển khai lắp camera giám sát các buổi tiếp công dân. Theo lãnh đạo Ban Tiếp công dân thành phố, mục đích của các camera này là đảm bảo an toàn, an ninh cho cả cán bộ tiếp công dân và công dân. Người dân từ lúc vào đến lúc ra đều có giám sát bằng hình ảnh, không bị xâm phạm mà cũng không được xâm phạm cán bộ. Tuy nhiên, camera giám sát hiện chưa ghi lại âm thanh.

“Mục đích của nội dung quy định này là ngăn chặn các trường hợp cực đoan, những người đến không phải vì thực hiện quyền của mình theo luật tiếp công dân mà có mục đích tuyên truyền ra bên ngoài, nói xấu, gây ức chế cho cán bộ”, vị này khẳng định.

MỚI - NÓNG