Không để lọt thực phẩm bẩn
Những chỉ đạo quan trọng của Chính phủ trong dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi là kiểm soát chặt vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP). Bộ Y tế đã có những kế hoạch cụ thể ra sao?
Từ ngày 15/12/2014 đến hết 30/3/2015, Bộ Y tế phối hợp với các bộ liên quan thành lập 6 đoàn liên ngành, tiến hành thanh, kiểm tra tại 12 tỉnh, thành phố. Đối tượng mà chúng tôi nhắm tới trong đợt kiểm tra này là các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm được sử dụng nhiều trong dịp Tết Ất Mùi như: thịt, sản phẩm từ thịt, bia, rượu, nước giải khát, bánh, mứt, kẹo...; các cơ sở dịch vụ ăn uống. Các đoàn của trung ương và tuyến tỉnh tập trung thanh tra, kiểm tra những cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm với số lượng lớn, chợ đầu mối, siêu thị, trung tâm thương mại. Còn các cơ sở thực phẩm vừa và nhỏ, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống chủ yếu do cấp huyện, xã thực hiện thanh tra, kiểm tra. Việc thanh tra sẽ làm quyết liệt, không để lọt thực phẩm bẩn ra thị trường.
Ông nghĩ sao khi người tiêu dùng cho rằng, cơ quan chức năng vẫn chưa kiểm soát được tình trạng ATTP Tết và nhiều nơi công tác thanh tra kiểm tra như cưỡi ngựa xem hoa?
“Các mặt hàng như thịt, sản phẩm từ thịt, bia, rượu, nước giải khát, bánh, mứt, kẹo,... cùng các cơ sở dịch vụ ăn uống sẽ là đối tượng trong đợt thanh tra lần này”.
TS Nguyễn Thanh Phong
Theo tôi, cách nhìn nhận về thanh tra kiểm tra như vậy là chưa chính xác. Thực tế, chỉ riêng năm 2014, cả nước có gần 40 nghìn đoàn thanh tra, kiểm tra ATTP. Chúng tôi tập trung kiểm tra về sữa và sản phẩm có chứa sữa, bếp ăn tập thể, nước uống đóng chai, đặc biệt là thực phẩm chức năng và phụ gia thực phẩm. Tổng số cơ sở được thanh tra, kiểm tra là 646.693 cơ sở, đã phạt tiền 9.047 cơ sở, tổng số tiền phạt gần 22 tỷ đồng.
Tuy nhiên, số cơ sở vi phạm chỉ bị nhắc nhở không xử lý vẫn còn nhiều hơn 100 nghìn cơ sở, đa số tập trung ở tuyến xã phường và tuyến huyện. Ngoài ra, để xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, các địa phương đã xử lý tiêu hủy 5.853 loại sản phẩm của 5.567 cơ sở.
Ông có cho rằng công tác kiểm tra xử lý VSATTP hiện nay còn nhiều bất cập khi có công tác phân công nhiệm vụ giữa các cơ quan, ban ngành còn chồng chéo?
Ngay sau khi Luật ATTP ra đời cùng các thông tư liên tịch giữa Bộ Y tế, NN&PTNT và Bộ Công Thương được ban hành thì việc phân công trách nhiệm quản lý nhà nước về ATTP đã rõ ràng, giải quyết tương đối triệt để các vấn đề chồng chéo giữa các cơ quan, ban ngành. Vì vậy, một sản phẩm, một cơ sở sản xuất, kinh doanh chỉ chịu sự quản lý của một cơ quan quản lý nhà nước.
Chặn kiểu làm ăn chụp giật dịp Tết
Thời gian qua, nhiều cơ sở sản xuất sử dụng phụ gia không nguồn gốc, không nhãn mác, quá hàm lượng trong sản xuất chế biến thực phẩm tràn lan. Ông nhìn nhận vấn đề này như thế nào và cần xử lý ra sao khi thời điểm Tết đang cận kề?
Việc sử dụng phụ gia không có nguồn gốc xuất xứ, không nhãn mác, sử dụng quá hàm lượng quy định trong sản xuất chế biến thực phẩm như phóng viên nêu là các hành vi vi phạm đáng lên án. Trong dịp Tết Nguyên đán tới, việc sử dụng phụ gia thực phẩm để chế biến thực phẩm sẽ diễn ra nhiều hơn, do vậy thanh tra sẽ tập trung việc sử dụng phụ gia thực phẩm, nếu phát hiện vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm và công khai tên cơ sở, tên sản phẩm vi phạm, thu hồi các giấy xác nhận đã được cấp theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng.
Tết là giai đoạn bùng nổ các cơ sở sản xuất thực phẩm thời vụ, nhỏ lẻ, tự phát và không đăng ký. Làm thế nào để giám sát các cơ sở kiểu này, thưa ông?
Đối với cơ sở sản xuất chế biến thực phẩm theo thời vụ, nhỏ lẻ vẫn được chỉ đạo kiểm tra giám sát chặt chẽ, yêu cầu thanh tra từ xã phường. Ngoài việc kiểm tra giám sát theo phân cấp quản lý nhà nước còn có sự kiểm tra, quản lý nhà nước theo địa bàn. Một số địa phương đã giao nhiệm vụ cho mạng lưới y tế thôn, bản để nắm bắt và giám sát cơ sở chế biến thực phẩm nên hầu như không có hiện tượng sản xuất, chế biến thực phẩm mà không quản lý.
Cảm ơn ông.
Post by Báo Tiền Phong.