Không để nhóm lợi ích chi phối báo chí

Thứ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn trình bày báo cáo đánh giá công tác báo chí năm 2015, phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp năm 2016. Ảnh: Infonet.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn trình bày báo cáo đánh giá công tác báo chí năm 2015, phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp năm 2016. Ảnh: Infonet.
TPO - Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn tại Hội nghị báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2015, triển khai nhiệm vụ năm 2016, do Bộ TT&TT, Ban Tuyên giáo T.Ư, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức sáng nay 30/12.

Thứ trưởng Trương Minh Tuấn khẳng định: “Trong năm 2016, Nhà nước cần có cơ chế tài chính, đào tạo đội ngũ để tạo điều kiện cần thiết cho báo chí phục vụ nhiệm vụ chính trí, tuyên truyền, đồng thời khuyến khích các cơ quan báo chí tăng cường huy đồng nguồn lực phát triển nhưng phải bảo đảm đúng tôn chỉ mục đích, không chạy theo lợi nhuận thuần tuý, không để nhóm lợi ích chi phối báo chí”.

Đánh giá công tác báo chí năm 2015, Thứ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết, hiện, cả nước có 857 cơ quan báo chí, trong đó có 199 cơ quan báo chí in (86 báo trung ương, 113 báo địa phương), 658 tạp chí và 1 hãng thông tấn quốc gia. Trong năm 2015, số lượng cơ quan báo chí in tăng 12 cơ quan, chủ yếu là các tạp chí nghiên cứu khoa học chuyên ngành của các trường đại học. Nhiều cơ quan báo chí đã ra báo điện tử hoặc trang thông tin điện tử tổng hợp nhằm phục vụ nhu cầu thông tin nhanh của công chúng. Trong 5 năm (2011-2015), số lượng cơ quan báo chí tăng 71 cơ quan (5 báo, 66 tạp chí).

Về báo điện tử, hiện cả nước có 105 báo, tạp chí điện tử, tăng 7 báo so với năm 2014. Trong đó có 83 báo, tạp chí điện tử của cơ quan báo chí in và 22 báo, tạp chí điện tử độc lập. Tổng số trang thông tin điện tử tổng hợp của các cơ quan báo chí được cấp phép là 248. 5 năm qua, số lượng cơ quan báo chí điện tử tăng 44 cơ quan.

Về phát thanh, truyền hình, hiện cả nước có 67 đài PTTH. Số kênh chương trình PTTH quảng bá là 183 kênh, với 106 kênh truyền hình quản bá, 77 kênh chương trình phát thanh quảng bá; cấp mới một kênh truyền hình quảng bá, kênh Giáo dục - VTV7 cho Đài TH Việt Nam; 75 kênh chương trình truyền hình trả tiền.

Cũng theo ông Trương Minh Tuấn, hiện cả nước có trên 18.000 nhà báo được cấp thẻ, tăng 1.500 người so với năm 2011 và khoảng trên 5.000 phóng viên đang làm việc tại cơ quan báo chí nhưng chưa đủ điều kiện cấp thẻ nhà báo. Số người làm việc trong lĩnh vực báo chí khoảng trên 35 nghìn người, tăng hơn 3.000 người so với năm 2011.

Trong năm 2015, các cơ quan báo chí đã thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của mình, thông tin kịp thời, đầy đủ diễn biến của đời sống chính trị, kinh tế xã hội ở trong nước, tình hình quốc tế, là diễn đàn tin cậy của nhân dân. Báo chí đã tích cực tuyên truyền việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, các Nghị quyết của Hội nghị Trung ương khoá XI, các Nghị quyết và hoạt động của Quốc hội, Chính phủ, nhất là việ thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2011-2015 và Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2011-2020; tuyên truyền việc thực hiện Hiến pháp năm 2013, các dự luật được Quốc hội cho ý kiến và thông qua.

Trong năm 2015, các cơ quan báo chí tích cực tuyên truyền đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội lần thứ XII của Đảng. Làm tốt công tác tuyên truyền về các ngày lễ lớn của đất nước. Tuyên truyền đẩy mạnh “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” được gắn với thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 (khoá XI).

Bên cạnh những ưu điểm, trong năm 2015, tình trạng thông tin sai sự thật vẫn diễn ra, trong đó có nguyên nhân là một số báo tiếp nhận thông tin không chính xác từ đơn thư khiếu nại, tố cáo hoặc từ truyền thông xã hội. Thông tin thiếu định hướng, nặng về mặt trái, xâm phạm đời tư, ảnh hưởng tiêu cực đến uy tín tổ chức, danh dự cá nhân. Nhiều thông tin sai được lây lan bởi các báo, trang tin điện tử tổng hợp đăng lại, gây tác động xấu trong xã hội.

Khuynh hướng xa rời tôn chỉ, mục đích, đối tượng phục vụ chậm khắc phục. Nhiều chương trình liên kết của đài truyền hình còn dễ dãi trong khâu biên tập, có nội dung, hình ảnh, lời thoại phản cảm, gây bức xúc trong xã hội.

Vi phạm về quảng cáo trên báo chí tiếp tục diễn ra, tập trung ở các quảng cáo liên quan đến thực phẩm chức năng, quảng bá chất lượng sản phẩm; quảng cáo quá tần suất, thời lượng quy định, quảng cáo những hàng hoá không được quảng cáo trong “giờ vàng”.

Tình trạng vi phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực báo chí tiếp tục gia tăng, nhất là đối với báo điện tử. Một số báo điện tử và trang thông tin điện tử tổng hợp lấy tin, bài, hình ảnh của báo khác mà không xin phép, không dẫn nguồn, gây bức xúc trong các cơ quan báo chí.

Theo Thứ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn, trong năm 2016, việc phát triển báo chí đi đôi với quản lý tốt, quản lý để bảo đảm phát triển, phát triển đến đâu phải quản lý tốt đến đó. Phát triển báo chí theo hướng cách mạng, chuyên nghiệp, hiện đại, chất lượng, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu thông tin của nhân dân, tuyên truyền đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, để đoàn kết tập hợp quần chúng, tạo đồng thuận trong xã hội, định hướng tư tưởng và thẩm mỹ góp phần nâng cao giá trị, phát triển văn hoá và con người Việt Nam.

MỚI - NÓNG