Không ‘cứu’ dự án BOT do lỗi của doanh nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ Giao thông vận tải rà soát, đánh giá toàn diện các dự án BOT giao thông; kiên quyết không đề xuất xử lý những dự án do nguyên nhân chủ quan của doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 190/TB-VPCP ngày 3/5 kết luận của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà về giải pháp xử lý khó khăn, vướng mắc tại một số dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT.

Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải (GTVT) tiếp tục rà soát, đánh giá toàn diện các dự án BOT bao gồm cả dự án do Bộ quản lý và các dự án do các địa phương quản lý; rà soát kỹ lưỡng các nguyên nhân chủ quan, khách quan, những bất cập do thay đổi chính sách của nhà nước và trách nhiệm của các cơ quan liên quan.

Đặc biệt, Phó Thủ tướng lưu ý không đề xuất xử lý những dự án do nguyên nhân chủ quan của doanh nghiệp, nhà đầu tư; doanh nghiệp, nhà đầu tư phải hoàn toàn chịu trách nhiệm theo hợp đồng đã ký.

Không ‘cứu’ dự án BOT do lỗi của doanh nghiệp ảnh 1

Phó Thủ tướng lưu ý không đề xuất xử lý những dự án do nguyên nhân chủ quan của doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Các Bộ, cơ quan: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tư pháp, Thanh tra Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với Bộ GTVT trong quá trình hoàn thiện hồ sơ; có ý kiến đúng thời hạn khi Bộ GTVT lấy ý kiến.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT khẩn trương triển khai thực hiện các nội dung nêu trên, hoàn thiện hồ sơ; chủ động lấy ý kiến của các bộ, cơ quan liên quan và các cơ quan của Đảng, của Quốc hội và tiếp thu giải trình đầy đủ trước khi trình Thường trực Chính phủ theo đúng quy chế làm việc của Chính phủ.

Hồi tháng 3, Bộ GTVT đã có tờ trình Chính phủ đề xuất giải pháp xử lý khó khăn, vướng mắc tại 8 dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức BOT.

Theo Bộ GTVT, những khó khăn, vướng mắc hiện nay tập trung chủ yếu tại các dự án triển khai giai đoạn trước năm 2015. Đây là những dự án đã hoàn thành đưa vào khai thác nhưng chưa thu phí, hoặc không thể thu phí do vị trí đặt trạm thu phí bị người dân phản đối hoặc dự án đã thu phí nhưng doanh thu thực tế thấp hơn 30% so với phương án tài chính của hợp đồng…

Bộ GTVT đề xuất Chính phủ giải pháp tháo gỡ cho 8 dự án BOT theo 3 nhóm, gồm:

Nhóm 1: Sửa đổi hợp đồng, bổ sung vốn ngân sách để hỗ trợ 2 dự án có doanh thu sụt giảm không có khả năng phục hồi với tổng nhu cầu vốn cần bố trí là 1.557 tỷ đồng.

Nhóm 2: Điều chỉnh cơ chế hỗ trợ của Nhà nước. Giải pháp này áp dụng đối với dự án BOT Xây dựng hầm đường bộ qua Đèo Cả. Theo đó, Bộ GTVT đề xuất bố trí khoảng 2.280 tỷ đồng từ nguồn thu phí trên đường Hồ Chí Minh đoạn La Sơn - Túy Loan sang hỗ trợ dự án. Dự kiến thời gian thu phí hoàn vốn khoảng 28 năm 4 tháng. Tuyến cao tốc La Sơn - Túy Loan sẽ nghiên cứu phương án thu phí nộp ngân sách.

Nhóm 3: Đề xuất bố trí hơn 6.810 tỷ đồng để chấm dứt hợp đồng trước thời hạn (gồm 5 dự án).

MỚI - NÓNG