Không còn 'cửa' cho cán bộ né tránh, đùn đẩy trách nhiệm

0:00 / 0:00
0:00
TP - Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh cho rằng, Quy định 148 của Bộ Chính trị vừa ban hành sẽ góp phần thúc đẩy cán bộ, công chức, đảng viên dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trong công việc của mình, khắc phục tâm lý né tránh, sợ sai, sợ trách nhiệm.
Không còn 'cửa' cho cán bộ né tránh, đùn đẩy trách nhiệm ảnh 1

Thường trực Ban Bí thư Lương Cường vừa thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành Quy định 148 về thẩm quyền của người đứng đầu trong việc tạm đình chỉ công tác đối với cán bộ cấp dưới trong trường hợp cần thiết hoặc khi có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Theo TS Nguyễn Tiến Dĩnh, việc thực hiện quy định này bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng trong công tác cán bộ theo đúng căn cứ, thẩm quyền, trách nhiệm, thời hạn, thủ tục, hồ sơ theo quy định.

Thưa ông, trọng tâm trong Quy định 148 sẽ giải quyết vấn đề gì trong xử lý cán bộ?

Liên quan công tác cán bộ có rất nhiều khâu, như: quy hoạch, đào tạo, đề bạt và cả xử lý vi phạm… Quy định 148 nêu rất rõ về phân cấp, giao nhiệm vụ cho các cấp lãnh đạo trong việc thực hiện tạm đình chỉ công tác cán bộ trong những trường hợp cần thiết hoặc khi có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng. Trong thực tế có những trường hợp cán bộ vi phạm, thái độ làm việc không đúng, không muốn làm việc… sẽ gây hại cho công việc chung thì cần tạm đình chỉ công tác để xử lý. Việc xem xét xử lý trách nhiệm cán bộ nếu thực hiện theo quy trình có thể sẽ rất lâu, kéo dài, nên việc tạm đình chỉ công tác, tạm đình chỉ thực hiện nhiệm vụ được giao để tiến hành xem xét, xử lý trách nhiệm là cần thiết.

Không còn 'cửa' cho cán bộ né tránh, đùn đẩy trách nhiệm ảnh 2

Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Ảnh: TTXVN

Trong Quy định cũng nêu rõ, ở cấp nào được quyết định tạm đình chỉ công tác cán bộ. Ví dụ Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, quyết định việc tạm đình chỉ công tác đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý; các cơ quan, đơn vị thực hiện các thủ tục liên quan theo quy định. Thủ tướng có thể quyết định tạm đình chỉ công tác thứ trưởng, chủ tịch UBND cấp tỉnh… Bí thư tỉnh uỷ, thành uỷ có thể tạm đình chỉ công tác cấp phó của mình… Tất cả đều có quy định cụ thể, có ý nghĩa rất lớn về sự kịp thời trong xem xét, xử lý trách nhiệm cán bộ.

Quy định 148 có nêu, nếu cán bộ cố tình trì hoãn, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, không thực hiện công việc thuộc thẩm quyền theo chức năng, nhiệm vụ được giao sẽ bị xem xét tạm đình chỉ công tác. Quy định này sẽ góp phần như thế nào trong thúc đẩy cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, theo ông?

Vấn đề một bộ phận cán bộ đùn đẩy, né tránh trách nhiệm đã được nêu ra trên nhiều diễn đàn, cả ở diễn đàn Quốc hội vừa qua. Một số người lấy lý do quy định pháp luật còn chưa rõ ràng, sợ sai nên không dám làm, trì trệ. Quy định này nêu rõ, nếu cán bộ cố tình trì hoãn, né tránh trách nhiệm, không thực hiện công việc thuộc thẩm quyền thì sẽ bị tạm đình chỉ công việc, sẽ khiến cán bộ, công chức, đảng viên phải dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ được giao.

Cùng quy định của pháp luật, tại sao trước đây anh vẫn làm, mà đến nay, khi đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, anh lại không dám làm nữa? Chính ra, do bản thân anh không thực hiện đúng theo quy định của pháp luật, anh sợ vi phạm vì động cơ không trong sáng, không làm vì lợi ích chung. Tôi nghĩ rằng, cùng với quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, thì với quy định này, những trường hợp sợ sai, đùn đẩy trách nhiệm sẽ bị tạm đình chỉ công tác. Với những người dám làm, dám chịu trách nhiệm, Đảng có quy định để khuyến khích, bảo vệ. Những người không dám làm, sợ sai sẽ bị tạm đình chỉ công tác để xem xét xử lý trách nhiệm. Những quy định này là rất kịp thời để khắc phục tình trạng đang diễn ra hiện nay, thúc đẩy cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.

Theo Quy định 148, vai trò của người đứng đầu trong quyết định tạm đình chỉ công tác với cán bộ cấp dưới là rất quan trọng. Vì thế, Quy định có nêu rõ: “Nghiêm cấm lợi dụng việc tạm đình chỉ công tác vì mục đích cá nhân”. Đây là quy định để kiểm soát quyền lực của người đứng đầu, theo ông?

Theo quy định, người đứng đầu có thẩm quyền quyết định trong việc tạm đình chỉ công tác đối với cán bộ cấp dưới trong trường hợp cần thiết hoặc khi có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Khi anh được cấp quyền thì đi kèm với đó cũng là trách nhiệm. Cũng giống như với Quyết định 142 của Bộ Chính trị mới đây về việc thí điểm giao quyền, trách nhiệm cho người đứng đầu trong công tác cán bộ, thì đi kèm trách nhiệm là sau này nếu có phát hiện sai phạm, vi phạm thì kể cả đã chuyển công tác, về hưu cũng sẽ bị xử lý. Quyền với trách nhiệm bao giờ cũng đi đôi với nhau. Nếu anh lợi dụng quyền đó thì anh sẽ phải chịu trách nhiệm. Đảng đã hoàn thiện tất cả các khâu để kiểm soát quyền lực, cũng là nâng cao tinh thần, trách nhiệm của người đứng đầu các cấp trong công tác cán bộ.

Quy định cũng nêu rõ về thẩm quyền cấp nào được quyết định tạm đình chỉ cán bộ. Ví dụ, bí thư tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc T.Ư được quyết định tạm đình chỉ công tác đối với: phó bí thư tỉnh ủy, thành ủy, trưởng các cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc của tỉnh ủy, thành ủy; bí thư huyện ủy và tương đương; người đứng đầu các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh… Hay như, bí thư huyện ủy và tương đương quyết định tạm đình chỉ công tác đối với: phó bí thư huyện ủy; bí thư đảng uỷ cấp xã; trưởng, phó ban, cán bộ lãnh đạo, quản lý trong cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc của huyện ủy. Thẩm quyền được quy định là rất lớn, vì vậy, phải đi kèm với trách nhiệm.

Cảm ơn ông.

Căn cứ tạm đình chỉ công tác trong trường hợp cần thiết:

- Cán bộ có hành vi vi phạm về phẩm chất đạo đức, lối sống gây ảnh hưởng tiêu cực, bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng xấu đến uy tín tổ chức, cá nhân.

- Cán bộ cố tình trì hoãn, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, không thực hiện công việc thuộc thẩm quyền theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

- Cán bộ có hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức trong quá trình thực thi công vụ.

- Cán bộ đang bị xem xét, xử lý kỷ luật mà cố ý trì hoãn, trốn tránh không thực hiện yêu cầu của cấp có thẩm quyền trong quá trình xem xét, xử lý vi phạm của bản thân hoặc lợi dụng chức vụ, quyền hạn, ảnh hưởng của mình, của người khác để tác động, gây khó khăn cho việc xem xét, xử lý.

- Cán bộ bị kỷ luật đảng bằng hình thức cảnh cáo hoặc cách chức và đang trong thời gian chờ xem xét, xử lý chức vụ chính quyền mà nếu tiếp tục công tác sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động của cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị.

MỚI - NÓNG