Không có mối liên hệ giữa bệnh ung thư và amiang trắng

Hội chẩn hằng năm từ chương trình khám bệnh nghề nghiệp cho công nhân ngành sản xuất tấm lợp amiang xi măng (AC) được Bệnh viện Xây dựng (Bộ Xây dựng) triển khai.
Hội chẩn hằng năm từ chương trình khám bệnh nghề nghiệp cho công nhân ngành sản xuất tấm lợp amiang xi măng (AC) được Bệnh viện Xây dựng (Bộ Xây dựng) triển khai.
TP - Mỗi năm, Việt Nam tiêu thụ khoảng 80 - 90 triệu m2 tấm lợp có chứa amiang trắng. Tuy nhiên, gần đây, một số ý kiến cho rằng, amiang trắng có khả năng gây ung thư, khiến nhiều người lo ngại. Các nghiên cứu về sức khỏe trên thế giới đều khẳng định: chưa có trường hợp mắc ung thư trung biểu mô nào được ghi nhận là do amiang trắng.

Ứng dụng của Amiang trắng

Amiang là tên thương mại dùng chung cho các loại sợi khoáng, được chia thành hai nhóm chính là nhóm amphibole và nhóm serpentine. Hiện nay, amiang amphibole (amiang nâu và xanh) đã bị cấm sử dụng hoàn toàn dưới mọi hình thức trên thế giới do khả năng gây ung thư sau 10 - 20 năm ủ bệnh. Trong khi đó, amiang serpentine (amiang trắng) đang được cho phép sử dụng dưới sự kiểm soát chặt chẽ và các nghiên cứu khoa học chưa tìm thấy bằng chứng bệnh tật do amiang trắng gây ra.

TS Võ Quang Diệm, Chủ tịch Hiệp hội Tấm lợp Việt Nam, cho biết, với những đặc tính ưu việt như độ bền cơ học và tính đàn hồi cao, chịu ma sát tốt, chống cháy, chịu được môi trường kiềm, cách điện, khó phân huỷ, ngăn cản vi khuẩn và sự tán xạ…, amiang trắng được coi là loại nguyên liệu xây dựng đầu vào hữu ích cho hơn 3.000 loại sản phẩm trên thế giới.

Loại sợi này được ứng dụng rộng rãi trong ngành công nghiệp sản xuất sản phẩm tấm lợp fibro xi măng (đặc biệt là tấm fibro xi măng dạng sóng tại các nước đang phát triển), các vật liệu cách điện, cách nhiệt, ngành ôtô, ngành hàng không, dược, dầu mỏ và hạt nhân, sản xuất vật liệu chống cháy, sản phẩm dệt may và một số ngành khác.

Hiện việc sản xuất tấm fibro ximăng và ống nước fibro ximăng chỉ chứa một lượng rất nhỏ sợi amiang trắng (từ -10%) trong đó tỷ lệ các loại vật liệu thô khác được sử dụng là ximăng 55%, tro bụi than thiên nhiên là 35%. Các sợi chrysotile (amiang trắng) được gắn kết rất chặt chẽ với hạt ximăng trong suốt quá trình sản xuất, nên khó có thể bị phân tán ra môi trường bên ngoài. Hơn nữa, các nhà máy hiện nay đều sử dụng công nghệ ướt và khép kín nên hạn chế tối đa việc phát tán bụi ra ngoài môi trường. Do đó, các rủi ro về sức khoẻ cộng đồng và môi trường cũng được giảm thiểu.

Amiang trắng trên thế giới

Theo TS về độc học David Bernstein, trước đây, việc sử dụng sợi amiang không đúng cách như phun, xịt gây phát tán bụi trong không khí; cùng với môi trường làm việc không đảm bảo là nguyên nhân gây ra các bệnh về phổi cho công nhân. Những bệnh nhân mắc bệnh bụi phổi được phát hiện ngày nay chính là kết quả của việc tiếp xúc với amiang xanh và nâu từ 20 - 40 năm trước. 

Tháng 5/2007, Đại Hội đồng Y tế Thế giới (WHA) - là cơ quan ra quyết định của WHO - đã hướng dẫn cần xem xét và áp dụng các “Phương pháp tiếp cận khác nhau tuỳ thuộc vào điều kiện các quốc gia” khi thí điểm khuyến cáo sử dụng các biện pháp loại bỏ các bệnh liên quan đến amiang.

Trong Chương trình nghị sự mục 12.13 – Kế hoạch hành động toàn cầu của WHA - về sức khoẻ người lao động đã khẳng định sẽ không cấm sử dụng sợi amiang trắng: “WHO sẽ làm việc với các quốc gia thành viên để tăng cường năng lực của Bộ Y tế nhằm cung cấp cho lãnh đạo các quốc gia về hoạt động liên quan đến sức khỏe của người lao động, xây dựng và thực hiện các chính sách, kế hoạch hành động, và kích thích sự hợp tác liên ngành. Hoạt động bao gồm các chiến dịch toàn cầu để loại bỏ các bệnh liên quan đến amiang - ghi nhớ là phương pháp tiếp cận trong quản lý phải xét đến sự khác biệt giữa các loại sợi - cần phải được tiến hành sao cho phù hợp với các văn kiện quốc tế và bằng chứng mới nhất về phương pháp can thiệp hiệu quả, cũng như tiêm chủng cho nhân viên chăm sóc sức khỏe chống lại viêm gan siêu vi B, và các hành động khác nhằm giải quyết các ưu tiên về sức khỏe liên quan đến công việc”.

Khi tiến hành chiến dịch này, WHO và ILO đã cùng hợp tác soạn thảo “Đề cương phát triển Chương trình Hành động quốc gia loại bỏ các bệnh liên quan đến amiang”. Bản đề cương sau đó đã được thông qua mà không có sự tham vấn từ đại diện chính phủ và chuyên gia tư vấn các nước và gây ra hiểu nhầm từ “loại bỏ các bệnh liên quan đến amiang” thành “cấm sử dụng amiang”.

Hiện amiang trắng được khai thác tại Brazil, Trung Quốc, Nga, Kazakhstan, Zimbabwe và Ấn Độ. Có trên 147 quốc gia và vùng lãnh thổ cho phép sử dụng amiang trắng và các sản phẩm chứa amiang trắng, trong đó có các nước G8 gồm: Mỹ, Canada, Nga…; có các nước trong nhóm BRICS: Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil…, các nước trong khu vực: Thái Lan, Indonesia, Việt Nam… và các quốc gia khác như Mexico, Ukraine, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Uzbekistan… Nga đang sản xuất và sử dụng rộng rãi các loại sản phẩm từ amiang trắng: Tấm sóng, tấm phẳng, ống cấp nước sinh hoạt và nước nóng, ống thoát nước, thoát rác, ống dẫn khí ga, vật liệu ma sát, vật liệu bảo ôn, vải chịu nhiệt vải chống cháy.

Nước Mỹ cấm amiang từ những năm 1980 theo đề xuất của EPA, nhưng đến năm 1991, Tòa thượng thẩm Hoa Kỳ đã hủy bỏ lệnh cấm và lệnh loại bỏ dần dần amiang. Nước Mỹ hiện nay cho phép sản xuất hoặc nhập khẩu để sử dụng khoảng gần 30 sản phẩm có chứa amiang trắng là: Tấm sóng amiang xi măng, tấm phẳng amiang xi măng, gạch lát sàn nhựa
vinyl-amiang, ống dẫn amiang xi măng, vật liệu ma sát (vật liệu làm phanh các loại), vải amiang (vải chống cháy). Nước Mỹ đang sử dụng 51 nhóm tiêu chuẩn sản phẩm, tiêu chuẩn phương pháp thử cho các sản phẩm amiang xi măng và sợi amiang, có những tiêu chuẩn soát xét lần cuối vào năm 2011.

Tòa án Tối cao Ấn Độ (01/2011) đã bác bỏ yêu cầu của các Tổ chức phi chính phủ là cấm sử dụng tất cả các loại amiang. Các nước Singapore, Đài Loan đã từng cấm amiang, nhưng đã rút khỏi danh sách các nước cấm từ 2010. Mông Cổ cũng rút khỏi danh sách các cấm từ tháng 8/2012 do Chính phủ Mông Cổ đã bãi bỏ Nghị quyết số 192 (ký ngày 14/07/2010) về việc cấm amiang vào ngày 08/06/2011.

Sử dụng Amiang trắng an toàn tại Việt Nam

Câu chuyện về amiang trắng khiến nhiều người lo ngại, nhất là khi có những luồng thông tin cho rằng uống nước hứng từ tấm lợp fibro xi măng gây ung thư. Thậm chí, có người nói rằng, không có ngưỡng phơi nhiễm an toàn với amiang, tức là dù là tỷ lệ rất thấp thì con người vẫn có thể mắc ung thư. Vì thế, cách thức hiệu quả nhất để loại trừ các bệnh liên quan là ngừng sử dụng tất cả các loại amiang!

Tuy nhiên, thực tế, nhiều nghiên cứu khoa học trên thế giới đã chỉ ra rằng, không có sự gia tăng về rủi ro ung thư khi phơi nhiễm với amiang trắng trong điều kiện được kiểm soát. Tại Việt Nam, Chương trình khám bệnh nghề nghiệp và đo môi trường lao động cho công nhân ngành sản xuất tấm lợp fibro xi măng được Bệnh viện Xây dựng (Bộ Xây dựng) triển khai trong 7 năm qua (2008-2014).

Đây là chương trình được tổ chức khoa học, bài bản, định kỳ hàng năm và khám cho tổng số gần 3.600 công nhân các nhà máy tấm lợp AC (những lao động tiếp xúc trực tiếp với amiang trắng trong sản xuất). Kết quả hội chẩn 6 năm liên tiếp được công bố từ Hội đồng đọc phim uy tín cho thấy: Không phát hiện tổn thương điển hình của bệnh bụi phổi liên quan đến amiang trắng.

Ngoài ra, Cục quản lý Môi trường Y tế - Bộ Y tế đã tiến hành triển khai đề tài nghiên cứu cấp bộ “Nghiên cứu các bệnh liên quan đến amiang ở những người tiếp xúc” trong 2 năm 2010 - 2011. Nghiên cứu này được thông qua Hội đồng Y đức của Bộ Y tế. Kết quả phỏng vấn tìm tiền sử nghề nghiệp liên quan đến amiang ở 447 trường hợp vào nhập viện tại 6 bệnh viện tham gia nghiên cứu cho thấy, có 46 trường hợp được chẩn đoán ung thư trung biểu mô màng phổi.

Tuy nhiên, 39 mẫu bệnh phẩm đối tượng được chẩn đoán ung thư trung biểu mô sau đó được lựa chọn gửi sang Bệnh viện Hiroshima (Nhật Bản) đã được chuyên gia Nhật Bản xác định, chẩn đoán 8 trường hợp có bệnh ung thư, nhưng không có trường hợp nào có tiền sử rõ ràng tiếp xúc nghề nghiệp với amiang.

TS Lê Thị Hằng, Giám đốc Bệnh viện Xây dựng cho biết, qua theo dõi sức khỏe công nhân tại các sơ sản xuất tấm lợp amiang lâu nay, hiện chưa phát hiện tổn thương điển hình của bệnh bụi phổi liên quan đến amiang trắng. Do vậy, việc quy hết các trường hợp ung thư trung biểu mô ở Việt Nam là do phơi nhiễm với amiang trắng là không khách quan.

“Quy trình thăm khám, được tuân thủ theo quy trình của Bộ Y tế, trong đó có khám sức khỏe toàn diện, đo chức năng hô hấp, chụp X-quang phổi, chụp cắt lớp phổi, xét nghiệm máu. Khi có kết quả, chúng tôi phối hợp với các chuyên gia đầu ngành về phổi, dịch tễ học… để xác định bệnh. Qua quá trình hội chẩn, có 4 trường hợp phát hiện bụi phổi amiang thể nhẹ, xơ hóa phổi do amiang. Chưa có trường hợp công nhân tại các cơ sở AC có nhóm bệnh ung thư phổi, ung thư biểu mô phổi.

Mặt khác, trong một nghiên cứu tại xã Tân Trịnh- xã có tới 70% số hộ sử dụng tấm lợp, huyện Quang Bình (Hà Giang) gần đây của TS Hằng và các cộng sự cho thấy: Tỷ suất  chết do người dân bị ung thư năm 2014 là 4,4 phần nghìn. Mức ngày ngang với tỷ lệ trung bình của tỉnh Hà Giang, thấp hơn mức trung bình cả nước là 5,5 phần nghìn (Thái Lan tới 8 phần nghìn, Lào, Campuchia cũng tới 7 phần nghìn).

Theo TS Hằng, nhóm nghiên cứu đã phối hợp với Bộ môn dịch tễ của Đại học Y Hà Nội, Khoa Y dược của Đại học Quốc gia Hà Nội, cho thấy không có sự khác biệt, giữa tỷ suất chết bị ung thư và tỷ suất do tử vong chung ở xã Tân Trịnh cũng như của cả tỉnh Hà Giang.

Còn GS Hoàng Đức Kiệt, Nguyên Chủ tịch Hội Điện quang và Y học hạt nhân Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Hội chẩn phim X-quang chẩn đoán bệnh bụi phổi Amiang nghề nghiệp và các bệnh liên quan cho người lao động tại cơ sở sản xuất tấm lợp AC cho rằng, khi làm việc, mọi thứ hiện lên trên phim, nhiều người cùng thấy, chứ không thể giấu được, hoặc không có nói là có được.

GS Kiệt cho biết, bệnh nghề nghiệp đáng lo ngại hơn là silic chứ không phải amiang trắng, do môi trường làm về xi măng, than đá lắm silic. Bệnh này sẽ suy hô hấp, về sau thông khí của phổi bị tổn thương, đọng lại trong phế nang. Còn bụi phổi amiang ít gặp hơn, do tỷ lệ người tiếp xúc ít. 

Trong khi đó, PGS.TS Trần Thị Ngọc Lan, chuyên gia cao cấp về bệnh nghề nghiệp cho rằng, chất gây ung thư có nhiều trong đời sống. Tất nhiên, cũng phải có một ngưỡng nhất định để kiểm soát, chứ không phải, chất gây ung thư quanh ta thì loại bỏ hết. Chẳng hạn như ánh sáng mặt trời, phóng xạ, thuốc lá, cá muối… có thể gây ung thư, nhưng vẫn được sử dụng có nhận thức.

“Amiang tồn tại trong thiên nhiên và vì thế nên nó có một ngưỡng nhất định trong môi trường. Tuy nhiên, qua theo dõi, chưa có kết luận chắc chắn về bệnh ung thư liên quan đến amiang… chưa có dấu hiệu như một số thông tin nói là gây ung thư nghiêm trọng”-PGS. TS Lan nói.

Amiang tồn tại dưới dạng sợi tự nhiên trên 2/3 bề mặt vỏ trái đất từ hàng nghìn năm qua. Môi trường không khí, đất và nước đã chứa một lượng amiang trắng nhất định. Tuy nhiên, qua theo dõi, chưa có ghi nhận nào về trường hợp mắc ung thư trung biểu mô liên quan đến amiang trắng, và cũng chưa có kết luận khoa học nào về rủi ro nghiêm trọng đến sức khỏe do amiang trắng gây ra.

MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.