Tham gia tọa đàm có Thạc sĩ Nguyễn Văn Khuông - Tổng thư ký Hội KHKT An toàn và vệ sinh lao động Việt Nam, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam. TS Nguyễn Văn Sơn - Phó Viện trưởng Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường và TS Nguyễn Anh Tuấn - Cục Kiểm soát ô nhiễm - Tổng cục Môi trường.
Tại tọa đàm, các chuyên gia đồng quan điểm Amiang, trong đó có Amiang trắng là chất gây ung thư nghề nghiệp nguy hiểm nhất. Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế thuộc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã có đủ bằng chứng trên người và thực nghiệm để xếp tất cả các loại Amiang vào nhóm 1 các chất gây ung thư ở người. Amiang gây bệnh bụi phổi - Amiang, ung thư phổi, ung thư trung biểu mô ác tính, tràn dịch và dày màng phổi, ung thư thực quản, ung thư buồng trứng.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã có ý kiến chỉ đạo tại công văn 7307/VPCP-KGVX ngày 19/9/2014 yêu cầu các bộ, ngành tăng cường kiểm tra, giám sát đối với hoạt động sản xuất Amiang trắng và lộ trình dừng sử dụng Amiang vào năm 2020. Các chuyên gia cho rằng, phải dứt khoát thực hiện đúng lộ trình này dù Việt Nam đang là nước đứng thứ 10 trên thế giới về tiêu thụ Amiang.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, mỗi năm Việt Nam phải nhập khoảng 65.000 tấn Amiang trắng, là quốc gia đứng thứ 7 thế giới về tỷ lệ bình quân đầu người sử dụng Amiang. WHO và Tổ chức Lao động Quốc tế bày tỏ mối quan ngại sâu sắc về việc Amiăng trắng vẫn tiếp tục được sử dụng để sản xuất vật liệu xây dựng và các sản phẩm khác tại Việt Nam. “Điều gì sẽ xảy ra khi hàng vạn tấn phế liệu chứa Amiang thải ra môi trường mà không được kiểm soát”, ông Hùng nói.
Ông Nguyễn Văn Khuông nói rằng, Thái Lan sẽ cấm sử dụng tất cả các loại Amiang; một số nước khác đang nghiên cứu việc cấm các sản phẩm chứa Amiang. “Trước tiên, Chính phủ cần dứt khoát thực hiện lộ trình cấm hoàn toàn việc sử dụng Amiang tại Việt Nam vào năm 2020 như Công văn 7307-VPCP đã nêu”, ông Khuông nói.
Theo TS Nguyễn Anh Tuấn, trong quá khứ, thuốc trừ sâu DDT, chất phụ gia PCB trong dầu biến thế, chất PBDE trong vật liệu làm chậm cháy từng được sử dụng phổ biến. Thế giới sau đó phát hiện ra những tác hại rất lớn của các chất này đối với môi trường và sức khỏe. Từ đó dẫn đến việc cấm, hạn chế sử dụng, khuyến khích thay thế các hóa chất này trên phạm vi toàn cầu. Chi phí xã hội phải bỏ ra để khắc phục hậu quả về môi trường và sức khỏe do các chất này gây ra vô cùng lớn.
“Chúng tôi nghĩ rằng đây là một kinh nghiệm, bài học cần được quan tâm ở Việt Nam”, ông Tuấn nói. Các khách mời tham dự tọa đàm cho biết, đã có một số giải pháp thay thế việc sử dụng amiang. Thời gian tới, cần tiếp tục nghiên cứu các vật liệu thay thế có giá cả phải chăng, thân thiện với môi trường, phù hợp điều kiện Việt Nam.