Trong hơn 20 danh mục dự án và công trình được tỉnh xác định tập trung chỉ đạo thực hiện thời gian qua, có 10 dự án là mời gọi đầu tư thuộc lĩnh vực kinh tế, dịch vụ, du lịch; tỉnh đã phân công cán bộ phụ trách đôn đốc các nhà đầu tư hoàn thành sớm tiến độ để phục vụ cho nhu cầu phát triển du lịch của tỉnh theo tinh thần NQ 02 của Tỉnh ủy về đẩy mạnh phát triển du lịch (Khu du lịch Hồ Nam, Khu nhà Công tử Bạc Liêu, khu vui chơi, giải trí Ô tô Bảo Toàn; Nhà máy điện gió giai đoạn II; khu Quán âm Phật đài …)
Còn lại các công trình khác là nhằm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, giao thông, chống biến đổi khí hậu của tỉnh, nhu cầu hưởng thụ văn hoá – nghệ thuật, tập luyện thể thao, phục vụ lâu dài cho sự phát triển của tỉnh và góp phần xây dựng thành phố Bạc Liêu trở thành đô thị loại II, thành phố “xanh – sạch đẹp và văn minh” trước mắt và lâu dài như: Trung tâm Hội chợ - triển lãm; kè Nhà Mát; kè sông Bạc Liêu; đường Hùng Vương, Nguyễn Văn Linh, Võ Văn Kiệt, Bạch Đằng và Cao Văn Lầu, Nhà thi đấu đa năng, Quảng trường Hùng Vương (đã được triển khai thực hiện từ năm 2009). Vì vậy, các công trình đã được xác định là phục vụ phát triển KTXH, sản xuất, đời sống của nhân dân.
Riêng để phục vụ trực tiếp Festival Đờn ca tài tử chỉ có 2 công trình được xây dựng là Khu lưu niệm nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu đã tổ chức khánh thành, với tổng mức đầu tư 70 tỷ đồng;Trung tâm Triển lãm văn hoá – nghệ thuật và Nhà hát Cao Văn Lầu tổng mức đầu tư 222 tỷ đồng, đã triển khai các gói thầu xây lắp trị giá gần 90 tỷ đồng Các công trình này có ý nghĩa văn hoá xã hội và công năng sử dụng lâu dài chứ không chỉ trong Festival.