Liên quan đến việc thực hiện Luật BHYT 2014, có hiệu lực từ 1/1/2015, một số ý kiến lo ngại rằng, khi triển khai Luật BHYT 2014, Quỹ BHYT sẽ không thanh toán chi phí khám chữa bệnh (KCB) ngoại trú khi người có thẻ KCB không đúng tuyến chuyên môn kỹ thuật. Về vấn đề này, ông Sơn cho biết, theo Luật BHYT 2008, khi đi KCB vượt tuyến, trái tuyến, tùy từng hạng bệnh viện (BV) mà người bệnh được Quỹ BHYT chi trả 30%, 50%, 70% chi phí. Tuy nhiên, KCB vượt tuyến, trái tuyến không được khuyến khích trong tổ chức thực hiện BHYT, đặc biệt là đối với BHYT xã hội.
Với điều kiện kinh tế xã hội thực tế ở Việt Nam, việc phân tuyến chuyên môn kỹ thuật nhằm đảm bảo thực hiện những dịch vụ kỹ thuật phù hợp với năng lực trình độ của các tuyến, của các cơ sở KCB; đồng thời, để tránh tình trạng quá tải tại các cơ sở KCB một cách vô lý. Một nghiên cứu của Viện Chiến lược và Chính sách Y tế (Bộ Y tế) cho thấy, tại nhiều BV hạng 1, BV tuyến Trung ương có tới 40% số trường hợp đến KCB là các bệnh lý thông thường mà tuyến dưới có thể điều trị được. Vì thế, Luật BHYT 2014 đã đưa ra quy định những trường hợp KCB ngoại trú vượt tuyến lên tuyến tỉnh và tuyến Trung ương, sẽ không được Quỹ BHYT chi trả. Tuy nhiên, Luật cũng lại mở rộng phạm vi chi trả, mở rộng tỉ lệ được hưởng của người KCB BHYT nội trú vượt lên tuyến Trung ương từ 30% lên 40% và vượt lên tuyến tỉnh từ 50% lên 60%.
Về việc thuốc tân dược được Quỹ BHYT chi trả đã bỏ một số loại thuốc đang sử dụng trong điều trị ung thư có thể sẽ gây ảnh hưởng đến người bệnh, ông Sơn nói: Quá trình xây dựng danh mục thuốc BHYT được tiến hành rất khách quan, thận trọng. Bất cứ loại thuốc nào để đưa vào danh mục thuốc phải thỏa mãn 3 nhóm điều kiện (thuốc đó phải được lưu hành tại thị trường Việt Nam; phải đảm bảo được chất lượng, hiệu quả và đáp ứng được nhu cầu điều trị; điều kiện thứ ba là chi phí).
Ông Sơn khẳng định, để đưa ra được danh mục thuốc BHYT, rất nhiều chuyên gia đầu ngành đã được mời tham gia Hội đồng tư vấn. Ý kiến của chuyên gia (ung thư, tim mạch, tiêu hóa, thuốc kháng sinh...) đều cho rằng, thuốc đưa vào danh mục phải đáp ứng đủ cho nhu cầu điều trị và đảm bảo chất lượng. Danh mục thuốc BHYT lần này tưởng là tổng số lượng thuốc ít hơn vì loại bỏ một số loại thuốc, nhưng thực tế có đến 44 loại thuốc mới được đưa vào.
Ông Sơn lưu ý, chỉ có 9/25 loại thuốc đã được thanh toán 100% thì nay giảm còn 50%, gồm 4 thuốc điều trị ung thư và 5 thuốc điều trị bệnh khớp, viêm gan C, giải độc, điều trị thiếu hụt hormon tăng trưởng. “Đó là những thuốc chi phí rất cao mà hiệu quả điều trị chưa thực sự được chứng minh rõ ràng. Tuy nhiên, trước mắt, trong giai đoạn chuyển tiếp, những bệnh nhân đang được chỉ định điều trị ung thư với những phác đồ có sử dụng các thuốc như trên vẫn tiếp tục được Quỹ BHYT chi trả”, ông Sơn cho biết.