Bác sĩ Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Phó chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP.HCM, cho rằng: “Nhu cầu người dân trong nước sử dụng thịt chó là có thật, và thực tế chúng ta chưa cấm được việc sử dụng thịt chó như các nước phương Tây, vì thế cần có quy định về kiểm soát giết mổ, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm với loại hình thịt chó.
Quy định tạm thời cũng được, vì nếu không được kiểm soát sẽ không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho người sử dụng. Khi có sự kiểm soát giết mổ, nguồn gốc sản phẩm thịt chó như một số thịt gia súc, gia cầm khác thì chắc chắn sẽ giảm tình trạng trộm chó, bẫy chó, bởi chó không có nguồn gốc sẽ khó, hoặc không bán được”.
Nguy cơ ngộ độc
Theo bác sĩ Huỳnh Mai, lâu nay chúng ta để lỗ hổng về quản lý sản phẩm thịt chó. Bởi không có luật, không có quy định đối với loại hình thịt chó, nên buộc ngành y tế chỉ biết vận dụng vào Thông tư 30 của Bộ Y tế về quản lý các dịch vụ ăn uống, để kiểm tra về bảo quản, đảm bảo điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm…
Còn nguồn gốc thịt chó thì bỏ ngỏ. Việc chỉ quản lý khúc đuôi (từ ngành y tế), mà không quản lý khúc đầu - không kiểm dịch, kiểm tra nơi giết mổ thì chó bệnh, chó chết, chó bị bẫy thuốc không thể biết được.
Bác sĩ Trần Văn Ký, Hội Khoa học kỹ thuật an toàn thực phẩm VN, phân tích: “Việc giết mổ chó, buôn bán sản phẩm thịt chó không được kiểm soát, nên người tiêu dùng mua sản phẩm chó đã qua giết mổ không thể nào biết được đó là chó bệnh, chó chết, hay chó bị đánh thuốc.
Mặc dù lâu nay chưa ghi nhận ca ngộ độc cấp tính sau ăn thịt chó, nhưng việc con chó bị bẫy thuốc lăn đùng ra bất tỉnh ngay - chứng tỏ bọn trộm dùng chất cực độc để bẫy chó. Người dùng phải thịt từ chó bị bẫy thuốc lâu ngày, chất độc sẽ tích tụ trong cơ thể gây nguy hại sức khỏe.
Ngoài ra, nếu không kiểm soát giết mổ, mua bán thịt chó dễ dẫn đến tình trạng những điểm giết mổ, mua bán dùng nguồn chó bệnh, chó bẫy rẻ tiền để kiếm thêm lợi nhuận, người tiêu dùng lãnh hậu quả”.
Ông Trần Quang Trung, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), lưu ý nếu sử dụng thịt từ chó bị đánh bả độc chết sẽ có nguy cơ ngộ độc thứ cấp; chó bị bệnh dại, vi rút có thể xâm nhập qua vết trầy xước trên bề mặt da của người giết mổ chó.
Cần ngăn chặn mầm bệnh
GS-TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho rằng: “Cần kiểm dịch chó để ngăn chặn mầm bệnh. Vì năm 2007, dịch tả xảy ra tại nhiều địa phương, sau khi điều tra, chúng tôi phát hiện nguồn bệnh xuất phát từ một điểm chuyên giết mổ chó tại ngoại thành Hà Nội, nguồn thịt chó do lò mổ này cung cấp được nhập khẩu từ Lào.
Ngoài ra, tại Thanh Hóa cũng có một điểm tập kết chó nhập về từ một số nước gần với chúng ta, sau đó phân phối đi nhiều tỉnh phía bắc. Chó nhập khẩu nhiễm vi khuẩn tả vào nội địa đã được phân phối đi nhiều nơi, trở thành nguyên nhân gây nên vụ dịch tả rộng khắp tại nhiều tỉnh thành phía bắc với khoảng 7.000 ca mắc bệnh tả năm 2007”.
Việc kiểm dịch, theo GS-TS Nguyễn Trần Hiển, nên thực hiện ở cửa khẩu nơi chó được đưa vào từ bên ngoài qua biên giới; kiểm dịch tại các lò mổ trong nước. “Không chỉ là nguồn mang mầm dịch tả, chó còn là nguồn mang vi rút bệnh dại”, ông Hiển nói.
Tương tự, bác sĩ Trần Văn Ký cho rằng khi VN chưa cấm dùng thịt chó được như nhiều nước thì việc quan trọng bây giờ là phải đưa giết mổ, mua bán sản phẩm thịt chó vào quản lý.
“Cơ quan chịu trách nhiệm chính là Bộ NN-PTNT cần ngồi lại với các cơ quan, các địa phương để đưa ra biện pháp quản lý, nhằm đem lại sự an toàn về sức khỏe cho người tiêu dùng”, ông Ký nói.
Ông Nguyễn Văn Lãng (Phó chủ tịch Hiệp hội Chó giống Việt Nam): Không thể định giá con chó bằng cách đơn giản
Đất nước chúng ta ngày càng phát triển, trình độ văn minh cũng đang dần tiệm cận với thế giới, nhưng suy nghĩ về vật nuôi vẫn chưa chuyển biến nhiều, cơ quan ban hành và thực thi pháp luật vẫn xem chó là loài vật bình thường và có thể giết thịt, đây là điều chưa hợp lý.Tôi từng viết hàng chục bài về những trường hợp chó chết vì chủ, trung thành cứu chủ, thậm chí nếu chủ làm thịt nó thì nó cũng không cắn lại nữa.
Thế thì phải thay đổi quan niệm về loài chó và quy định lại cách xử phạt đối với tội trộm chó. Tôi đã từng đi định giá nhiều trường hợp và thấy rằng nếu chỉ định giá con chó bằng cách đơn giản quy về trọng lượng số thịt thì tôi cho là chưa công bằng.
Tôi từng mất một con chó và ra giá đến 10 triệu cho ai tìm lại được. Nhiều người yêu chó và rất quý thú nuôi, mất ăn mất ngủ nếu bị mất chó. Như vậy, tội trộm chó phải phạt nặng hơn mới đủ sức răn đe.