Khôn vặt, gian vặt...

Khôn vặt, gian vặt...
TP - Nặng nhất trong những thứ trên là “gian vặt”, thực ra tôi muốn chỉ thẳng ra là “ăn cắp vặt”. Điều này có dễ làm chúng ta bị tổn thương không? Nếu chúng ta không nhìn thẳng vào căn bệnh này thì hậu quả sẽ rất trầm trọng.

Thời gian gần đây truyền hình có phát đi những vụ việc thật đau lòng, mấy gia đình kia, đã từng bị đánh trộm cá dưới ao, mất vài cây mía trong vườn, liền chăng dây điện trần quanh ao và vườn.

Kết cục đã giết chết mấy đứa trẻ con hàng xóm, sự việc xảy ra thật là thê thảm. Trước kia còn có cả vài vụ ngộ độc dưa lê, chỉ vì bà con trồng dưa bôi phân đạm lên vỏ dưa để đề phòng hái trộm, rồi họ lại hái dưa đem bán, gây ngộ độc cho nhiều người, nạn lấy của người nhiều nơi nhiều chỗ nở rộ đến mức trong dân gian còn có câu “tích cực cầm nhầm hạn chế bỏ quên”.

Nhưng “ăn cắp vặt” là một việc thao tác cụ thể, còn “gian vặt” thì nhẹ hơn, nhưng cũng rộng hơn, và phổ biến hơn. Chúng ta hãy cùng nhìn nhận.

Khôn vặt: Điều này thì thể hiện muôn hình vạn trạng, trong từng cử chỉ, lời nói, việc làm, người Việt thường trực duy trì cách khôn vặt, chẳng hạn như “Ăn cỗ đi trước, lội nước đi sau”. Hay “Nằm giữa không mất phần chăn”, “Đục nước béo cò”, “Mượn gió bẻ măng”, “Giậu đổ bìm leo”…

Gian vặt: Tình trạng gian vặt khá đại trà, như trên đã trình bày, có khi gây ra những vụ án mạng rất thương tâm. Nhiều lần tôi đi đường gặp cảnh thế này, một cô gái nhà quê đèo mẹt cam đi bán, xe cô đổ, cam bắn tóe tung xuống đường, vậy mà những người đi qua chẳng giúp còn vừa đi xe đạp vừa cúi xuống lượm mấy quả cam, rồi phóng mất. Đáng tiếc thay, làm việc đó có cả những quý ông trông rất bảnh bao.

Hay nhiều lần khác, tôi thấy, người phóng xe máy phía trước chỉ cần bị bay mũ, người phóng xe máy phía sau sau đã thò chân kều cái mũ trên mặt đường và phóng đi như thể ta chỉ lượm một chiếc lá rơi.

Một lần, tôi gặp một đôi trai thanh gái lịch mặc rất lịch thiệp, chàng phóng xe bừa bãi, ngoặc phải một người chạy cùng chiều. Chàng liền quay đầu xe lại, tôi nghĩ “anh chàng thật tử tế, chạm vào người ta còn biết quay lại xin lỗi”.

Nhưng hóa ra không phải, vì chiếc ba lô của cô bạn anh ta ngoắc phải ghi đông của chiếc xe kia, nên anh chàng đành quay xe lại. Đấy cũng là một cách gian, bởi vì người ta định đánh bài lờ trước một bổn phận của mình.

Ở nhiều thành phố lớn giờ đây, người ta thường thấy cảnh những chú mèo bị buộc dây trói lên cổ, xích vào chân bàn, chân ghế, vì chỉ cần các chú bị xểnh ra một chốc thôi, sẽ bị câu ngay. Cả chó cũng vậy, chủ nhân phải xích các chú trong nhà, nếu để chúng ra ngoài sẽ bị câu làm món “cầy tơ bảy món” ngay.

Nạn gian vặt còn phát triển ngay trong giới chữ nghĩa. Có nhiều người có học, nhà văn, nhà thơ hẳn hoi, mà họ ngang nhiên nói thế này: “Có cuốn sách quý mà cho mượn đã ngu, còn ngu hơn mượn được cuốn sách quý còn đem trả lại”.

Thật là chẳng có chút cơ sở nào cho liêm sỉ. Cuốn sách dù quý đến bao nhiêu mặc lòng, làm sao quý bằng nhân cách của con người. Có mượn thì phải có trả. Tại sao lại đánh bài lờ, để hủy hoại bổn phận của nhân cách?

Tình trạng gian vặt còn lan tràn trong giới học thuật đến mức, các sinh viên thì đua nhau coi cóp bài thi, còn không ít giáo viên đánh lộ đề thi để kiếm chác. Sự việc này rất nghiêm trọng, trong những năm qua, nhiều lần đề thi bị lộ. Thử hỏi ở đâu lộ ra? Nếu không phải từ chính các thầy, các cô?

Có lần, vài nhà văn, mấy nhà thơ ngồi với nhau, một nhà văn kia liền khoe anh ta có rất nhiều bật lửa đẹp, vì đi đâu thấy bật lửa của người khác đẹp, anh liền bỏ túi…

Thật là hết chỗ nói! Nạn đạo văn cũng lây lan mạnh, thôi thì đếm kỹ ra không ít các nhà văn nhà thơ xứ ta, thuổng gần như y nguyên cả một truyện ngắn, một bài thơ của xứ người, cũng như thuổng lẫn của nhau.

Có nhà phê bình kia, ra được cuốn sách, liền bị tố giác, anh ta thuổng y nguyên cả một chương nói về một nhà thơ thời “thơ mới” của một tác giả khác. Nhiều bài báo đã “chỉ tận tay day tận trán” anh ta thuổng ở chỗ nào. Vậy mà khi tái bản cuốn sách của mình đến lần hai, lần ba, anh ta vẫn cứ để nguyên chương đó theo kiểu “đã rồi” – lâu quá của người – sẽ hóa của ta.

Tình trạng “gian có chủ đích” ở giới học thuật đã thế, còn trong dân gian thì khỏi phải bàn. Chúng ta đã từng nghe, có những vụ tháo cốp xe ngay trên đường phố, ngay cả khi chủ nhân của chiếc xe vẫn ngồi trên xe, chỉ mới hãm xe chạy chậm lại ở chỗ đông người.

Cách đây vài ngày, khi dừng xe trước một ngã tư, tôi cùng nhiều người đều thấy một thanh niên làm nghề thợ máy băng qua đường, và anh ta thản nhiên cúi xuống, tháo chiếc nắp xăng của một chiếc xe tải loại vừa. Thật là trơ tráo không chỉ ở hành động đó!

Mà tôi càng thấy mình trơ tráo cùng với mọi người xung quanh, chúng ta vừa nhát, vừa quen với hành động đó đến độ, giữa ban ngày ban mặt, người ta có thể lấy cắp trước mặt mọi người mà biết là mình sẽ chẳng việc gì!

Đã “gian” thì chẳng ai thích, vì nó hủy hoại sự trong lành của đời sống. Người Việt đã trào phúng cái gian khá tràn lan của mình bằng kiểu phân tích ký tự “dân gian” nghĩa là, đã là “dân” thì phải “gian”. Mong rằng đó chỉ là lối nói hóm hỉnh để cảnh tỉnh chúng ta tránh xa và loại bỏ cái gian.

MỚI - NÓNG