Theo Tổng Cty đường sắt Việt Nam, sau tai nạn, 13 cặp tàu khách và 7 cặp tàu hàng trên toàn tuyến đã bị ảnh hưởng trầm trọng. Ngành đường sắt và địa phương phải thực hiện trung chuyển hành khách và hàng hóa từ các ga Trảng Bom, Biên Hòa về ga Sóng Thần, Sài Gòn và ngược lại. Tính đến ngày 22/3, đơn vị đã thực hiện trung chuyển đối với 21 chuyến tàu với tổng số hơn 7 nghìn hành khách. Để đảm bảo vận tải liên tục tránh được ách tắc giao thông ở cửa ngõ TPHCM Cty CP vận tải đường sắt Sài Gòn sẽ tổ chức chuyển tải hành khách bằng ô tô từ ga Biên Hòa đến ga Sóng Thần (và ngược lại). Từ ga Sóng Thần đến ga Sài Gòn hành khách sẽ được chuyển tiếp bằng tàu hỏa.
Ông Đào Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Cty CP vận tải đường sắt Sài Gòn cho biết, căn cứ vào số lượng hành khách đi tàu thực tế trên các đoàn tàu và giờ tàu đến ga Biên Hòa, Cty sẽ hợp đồng số lượng ô tô phục vụ vận chuyển hành khách. “Đối với hàng hóa, Cty sẽ tổ chức vận chuyển, xếp dỡ hàng hóa tại các ga Hố Nai, Trảng Bom, Long Khánh để vận chuyển đi các ga phía Bắc và ngược lại”- ông Tuấn thông tin.
Chiều 22/3, ông Đỗ Quang Văn, Giám đốc Chi nhánh vận tải đường sắt Sài Gòn cho biết, ga Sài Gòn sẽ khôi phục lại hoạt động chạy tàu từ ga Sài Gòn đến ga Sóng Thần (và ngược lại) vào sáng 23/3 sau gần ba ngày bị tê liệt do sự cố sập cầu Ghềnh. Theo ông Văn, việc khôi phục hoạt động chạy tàu tại ga Sài Gòn nhằm hạn chế tình trạng nhiều ô tô tập trung tại nhà ga chuyển tải khách có thể gây ùn ứ giao thông khu vực nội đô TPHCM. Ngoài ra, việc khôi phục nói trên còn giảm phiền hà cho hành khách. Nếu lên tàu từ ga Sài Gòn, hành khách chỉ cần có mặt tại nhà ga trước giờ tàu chạy khoảng 30 phút, thay vì phải đến trước giờ tàu chạy hơn một giờ để kịp lên xe buýt về ga Biên Hòa.
Ông Văn cho biết, lượng hành khách đến ga trả vé giảm dần. Nếu như trong ngày đầu có hơn 300 người trả vé thì trong ngày thứ hai chỉ còn 115 người và trong ngày 22/3 chỉ còn vài chục trường hợp. Đặc biệt, chuyến tàu TPHCM – Vinh từ sáng đến 11 ngày 22/3 đã bán được 190 vé, tăng 50 vé so với ngày thường. Theo ghi nhận của Tiền Phong chiều 22/3, ga Sóng Thần còn tồn đọng khoảng 300 tấn (trên 10 toa xe). Toàn bộ xe tải đã được di chuyển sang địa điểm khác, mặt bằng nhà ga trở nên thông thoáng hơn. Toàn bộ công nhân được huy động dọn dẹp, tổng vệ sinh, lắp đặt hệ thống âm thanh, ánh sáng… để nhà ga sẵn sàng đón khách vào sáng 23/3. Riêng tại ga Sài Gòn, đến chiều 22/3 đã giải phóng xong khoảng 200 toa hàng bị ùn ứ.
Tàu kéo chết máy khiến sà lan đâm vào cầu.
Sau khi di lý chủ tàu Phan Thế Thượng, (62 tuổi, ngụ quận Phú Nhuận, TPHCM) cùng với 2 tài công, Trần Văn Giang (35 tuổi, tỉnh Sóc Trăng) và Nguyễn Văn Lẹ, (28 tuổi, tỉnh Bạc Liêu) về Đồng Nai hôm qua, Công an Đồng Nai đã lấy lời khai. Chủ tàu Phan Thế Thượng cho biết, thuê Giang và Lẹ vào làm việc vào ngày 18/2 vừa qua. Giang chưa có bằng lái tàu, nên chỉ cho theo phụ việc. Ngày 20/3, ông Thượng giao tàu cho Giang điều khiển, Lẹ là lái phụ. Giang khai nhận khi đến gần chân cầu Ghềnh gặp phải dòng nước xoáy, máy không hoạt động nên không điều khiển được tàu để cho sà lan đâm vào trụ cầu gây tai nạn. Khi cầu bị sập, đầu kéo, sà lan bị chao đảo, Giang và Lẹ đã nhảy xuống sông kêu cứu.
Đức Minh