Khóc cười nghề 'đi đêm' ở xã nghèo biên giới

Khóc cười nghề 'đi đêm' ở xã nghèo biên giới
TP - Hàng đêm trên tuyến quốc lộ 14C dọc biên giới Campuchia, hàng trăm chiếc xe máy không giấy tờ, không BKS, phóng bạt mạng. Mỗi chiếc xe cõng trên dưới… nửa tấn gỗ. Nếu chỉ cần lạc tay lái hoặc sụp ổ gà, người lái xe chắc chắn sẽ bị gỗ đè...

Trên chiếc bàn thờ nhỏ nghi ngút khói nhang trong căn nhà gỗ ọp ẹp của chị Mai Thị Hòa ở thôn 8A xã biên giới Đăk Lao (huyện Đăk Mil tỉnh Đăk Nông), chúng tôi sững sờ  khi nhận ra trong di ảnh là gương mặt quen của một học sinh giỏi môn Vật lý cấp tỉnh.

Không ngờ cậu học sinh giỏi có thân hình nhỏ nhắn, đôi má bầu bĩnh, đôi mắt to đen và nụ cười rất hồn nhiên cũng đã bị cuốn vào nghề “đi đêm” đang rất nóng ở vùng biên ải này để rồi nhận lấy một kết cục bi thảm như nhiều người “đi đêm” không may mắn khác.

Những cuốc “đi đêm” tang tóc

Ông Ngô Văn Thanh, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Đăk Mil, cho chúng tôi biết:

Hàng đêm trên tuyến quốc lộ 14C dọc biên giới Campuchia, hàng trăm chiếc xe máy không giấy tờ, không biển kiểm soát, phóng bạt mạng.

Những chuyến xe buôn gỗ lậu này không chỉ ảnh hưởng đến an ninh vùng biên giới, mà còn rất nguy hiểm đến tính mạng người lái xe và những người làm nhiệm vụ chặn bắt những chiếc xe này.

Mỗi chiếc xe cõng trên dưới… nửa tấn gỗ. Nếu chỉ cần lạc tay lái hoặc sụp ổ gà, người lái xe chắc chắn sẽ bị gỗ đè, nhẹ là gãy xương, chấn thương đầu,  còn nặng hơn là tàn phế hoặc mất mạng.

Chúng tôi tìm đến nhà chị Phạm Thị Thuận ở thôn 9A xã Đăk Lao lúc trời nhá nhem tối. Căn nhà ván tuềnh toàng tối om vắng lặng. Đứa con đầu của chị Thuận mới 4 tuổi đang lững thững dẫn đứa em hai tuổi thơ thẩn ngoài đường chờ mẹ về.

Bố của chúng - anh Hoàng Văn Hoan, 28 tuổi – đã bị những khối gỗ đè chết trong đường rừng trong một chuyến đi đêm tang tóc vào tháng 5/2007 khi chiếc xe máy hiệu City của anh gãy phuộc nhún dưới sức nặng của hơn nửa tấn gỗ.

Khóc cười nghề 'đi đêm' ở xã nghèo biên giới ảnh 1 Khóc cười nghề 'đi đêm' ở xã nghèo biên giới ảnh 2
Những chiếc quái xa phục vụ nghề “đi đêm” ở xã Đăk Lao Cận cảnh một chiếc quái xa

Trời tối mịt chị Thuận mới từ rẫy về tới nhà, vứt vội đồ đạc ngoài thềm rồi vội vã bật đèn, nấu cơm. Hai đứa bé lục cà mèn của mẹ  vốc miếng cơm nguội còn thừa ở đáy chia nhau cho đỡ cơn đói.

Công việc bếp núc đã tạm xong, chị Thuận mới có thời gian chùi vội hai tay ướt vào ống quần để tiếp khách. Khi nhắc đến cái chết của chồng, chị Thuận vẫn không cầm được nước mắt: “Em đã hết lời khuyên can anh ấy, xung quanh đây đã bao nhiêu người bỏ mạng, tàn tật. Để có hàng mà đi thì cả ngày phải nằm ở trong rừng chờ mối lái, tối tới phóng nhanh lắm thì cũng tờ mờ sáng mới về được điểm giao gỗ.

Từ khi anh ấy “đi đêm”, vợ chồng con cái có mấy khi được gặp nhau đâu.  Khuyên chồng mãi không được, có nhiều lúc em đã đấu tranh bằng cách mặt nặng mày nhẹ, không nấu cơm để anh ấy mang đi. Nhưng anh ấy vẫn cương quyết theo cái nghề này để mong đổi đời”.

Sở dĩ, các lâm tặc lộng hành một phần cũng do đã được “nuông chiều” trong thời gian dài. Con đường hành nghề của các lâm tặc “đi đêm” thuộc địa bàn biên giới nên trước đây huyện giao việc ngăn chặn gỗ lậu cho lực lượng biên phòng.

Để đưa gỗ được về tới Đăk Mil, các lâm tặc phải vượt qua được ba chốt chặn, trong đó có chốt chặn của Đồn biên phòng 759 trên con đường độc đạo là quốc lộ 14C.

Nhưng hầu hết khi đến chốt chặn này, các quái xa đều có thể “tàng hình”. Theo lời kể của những “người trong cuộc” thì phương thuốc “tàng hình” được mua ngay tại trận với giá không quá 100 ngàn đồng cho mỗi chuyến xe tùy theo “hứng” của người “bán thuốc” và số lượng gỗ chở trên xe.

Gần đây, cơ quan điều tra đã phát hiện một doanh trại quân đội ở Đăk Mil bị biến thành điểm trung chuyển gỗ lậu và nguồn gỗ có được cũng có thể là từ những chuyến “đi đêm” qua chốt chặn này.

Cách nhà chị Thuận không xa, tại thôn 8 xã Đăk Lao, một học sinh giỏi môn Vật lý cấp tỉnh tên là Trần Văn Tuấn cũng bị cuốn vào nghề “đi đêm” để rồi giấc mơ vào Đại học Bách khoa của Tuấn đã vĩnh viễn không bao giờ còn nữa.

Chị Mai Thị Hòa nước mắt lưng tròng nói về cái chết của con: “Thấy bạn bè “đi đêm” kiếm được tiền để đóng học phí và mua sắm này nọ, thằng Tuấn cứ nằng nặc đòi bố nó cho nó mượn xe làm thử một vài chuyến.

Rồi tui cũng chỉ nghe bạn nó nói lại là nó đang chạy thì cái vành bị gãy, xe mới mua mà cái vành cũng không chịu nổi mấy chú ơi, cả mấy tạ gỗ đè hết lên người nó, tội quá đi…”.

Ông Nguyễn Đức Thuộc - Phó Chủ tịch kiêm Trưởng ban Lâm nghiệp xã Đăk Lao còn kể cho chúng tôi nghe nhiều trường hợp khác bỏ mạng vì nghề “đi đêm” này. Có người ở tận Nghệ An, Hà Tĩnh vào đây hành nghề “đi đêm” bị ngã xe gỗ đè chết trên đường 14C, vài  ngày sau vẫn không có người nhận xác.

Chính quyền địa phương phải cho quan tài, mang về để gần trụ sở UBND xã, cả tuần sau mới có thân nhân từ quê vào đưa về. Có kẻ tứ cố vô thân phải nằm lại đất khách vĩnh viễn.

Nhiều kẻ “đi đêm” khác thoát chết nhưng tàn phế suốt đời, trở thành gánh nặng cho người thân. Còn tai nạn gẫy chân, gãy tay, chấn thương sọ não là “chuyện nhỏ”. Mặc dù vậy, nghề “đi đêm” vẫn thôi miên được hàng trăm người ở xã biên giới Đăk Lao hàng ngày lao vào con đường nguy hiểm.

Lợi nhuận hấp dẫn

Khóc cười nghề 'đi đêm' ở xã nghèo biên giới ảnh 3
Những chiếc xe bị thu giữ tại hạt kiểm lâm Đăk Mil

Một ngày lân la các quán sửa xe ở trung tâm xã Đăk Lao, chúng tôi vỡ lẽ vì sao người dân xã vùng biên này lại lao vào cái nghề “đi đêm” nguy hiểm như con thiêu thân.

Hầu hết các quái xa sau một chuyến “đi đêm” đều phải ra nằm ở các tiệm sửa xe để tu bổ lại vì nó đã phải cõng khối lượng trên dưới nửa tấn vượt qua quảng đường biên giới gập ghềnh hơn 50km.

Gọi là quái xa bởi các chiếc xe máy phục vụ cho nghề này đều có hình dáng rất kỳ quái. Chiếc xe nào cũng phơi ra hết giàn khung được chắp vá thêm những thanh sắt bự tướng. Bánh sau và bánh trước đều phải độ chế thêm những phuộc nhún to đùng, mâm lốp đều là hàng “hầm hố” để có thể trở thành “chiếc xe tải nửa tấn hai bánh”.

Trên mỗi chiếc xe đều được độ chế thêm một bình xăng phụ, bởi nòng của máy đã được xoáy lên tới mức tối đa nên ngốn xăng kinh khủng. Ngoài ra, mỗi xe còn lủng lẳng một can nước và ống dẫn nước làm mát máy.

Nhưng ấn tượng hơn cả có lẽ là giàn đèn pha được độ chế thêm để các quái xa có thể luồn lách với tốc độ cao trong con đường rừng tối om bụi mù. Mỗi chiếc quái xa như vậy giá không quá 5 triệu đồng vì đều là hàng trôi nổi, không giấy tờ. Tuyệt nhiên, không có chiếc xe nào có biển số.

Sau khi sắm được một chiếc quái xa, những thanh niên ở Đăk Lao tìm đến các đầu nậu khét tiếng ở thị trấn Đăk Mil (huyện Đăk Mil, Đăk Nông) để xin nhập hội và bắt đầu “vận” danh hiệu “lâm tặc” vào người.

Các đầu nậu thu gom gỗ trên các vùng rừng dọc biên giới rồi giao cho các “lâm tặc” hàng đêm chở về đổ tại những điểm định trước thường là hàng trăm xưởng mộc có phép hoặc không phép ở Đăk Mil.

Mỗi chuyến “đi đêm” trót lọt, các “lâm tặc” được hưởng từ 1 triệu đến 2 triệu đồng tùy thuộc vào lượng gỗ chở được. Vì vậy, “lâm tặc” nào cũng cố chở thật nhiều gỗ để được hưởng hoa hồng cao. Nếu bị kiểm lâm bắt, thì đầu nậu chịu mất gỗ, “lâm tặc” chịu mất xe.

Sau một thời gian đã quen nghề, các “lâm tặc” có thể tự móc nối tìm hàng gỗ ở biên giới để chở về bỏ cho những mối riêng. Một mét khối gỗ hương ở biên giới giá không quá 4 triệu đồng, về tới thị trấn Đăk Mil có thể bán được giá từ 14 triệu đến trên 20 triệu đồng.

Món tiền lời kếch xù đó là nguyên nhân để các “lâm tặc” ở Đăk Lao bất chấp nguy hiểm lao vào nghề “đi đêm”.

Chính quyền bất lực?

Tại Hạt Kiểm lâm huyện Đăk Mil, chúng tôi thấy có danh sách dài dằng dặc gồm hàng trăm đầu nậu gỗ và “lâm tặc” chuyên nghề “đi đêm”, trong đó có những cái tên mà chúng tôi nhiều lần được nghe người dân Đăk Mil phong cho là “vua gỗ” như: Lê Xuân Trường, Lê Bá Trí , Trần Hữu Đức, Nguyễn Xuân Trí...

Tuy nhiên, cơ quan này vẫn chỉ có thể dừng lại ở mức lập danh sách để “nghiên cứu” chứ hầu như không xử lý được gì các đầu nậu này.

Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Đăk Mil Ngô Văn Thanh thở dài: “Thấy xe độ chế nghênh ngang chở xăng dầu, cưa máy đi lại ngoài đường nhưng chúng tôi không làm gì được. Vì trên xe không có gỗ thì chỉ có cảnh sát giao thông mới có quyền kiểm tra, xử lý.

Còn nếu bị phát hiện đang chở gỗ, bọn chúng sẵn sàng lao xe vào lực lượng chức năng. Thậm chí nếu thấy kiểm lâm truy đuổi phía sau, các lâm tặc sẽ chặt đứt dây để gỗ rơi xuống đường.

Nhiều vụ nếu không gặp may thì các kiểm lâm viên đã gặp họa lớn khi xe đang truy đuổi tốc độ cao mà va phải những khúc gỗ bất ngờ rơi xuống chắn ngang đường.

Có những lâm tặc sau khi bị bắt đã… đốt xe và tìm nhiều cách trả thù kiểm lâm. Để minh họa điều này, ông Thanh cho chúng tôi xem một số biên bản vừa lập trong tháng 12/2007, trong đó có vụ Phan Quang Thanh ở thôn 8 xã  Đăk Lao mang hung khí đến Hạt Kiểm lâm quậy phá vì bị tịch thu xe chở gỗ.

Trước đó, người chở thuê tang vật cho Hạt cũng bị Thanh đánh đập khiến anh này sợ hãi không dám cộng tác với Hạt nữa. Sau Quang là Trần Anh Hoài ở thôn 1 xã  Đăk Lao và một số đối tượng khác đến Hạt đuổi đánh những cán bộ đã bắt gỗ của hắn làm cả Hạt náo loạn.

Ông Nguyễn Đức Thuộc - Phó Chủ tịch kiêm Trưởng ban Lâm nghiệp xã Đăk Lao cũng thừa nhận hầu hết những người làm nghề “đi đêm” là đối tượng nghèo. Nên khi bắt được, xã cũng thả ra vì … tội nghiệp.

Tại sân bãi của Hạt Kiểm lâm huyện Đăk Mil, có gần 50 chiếc quái xa chở gỗ bị bắt, nhưng tuyệt nhiên trong các  hồ sơ không có một dòng ghi chép gì về chủ của những chiếc xe này.

Đã có nhiều cuộc họp ở huyện Đăk Mil để bàn về những vấn đề xung quanh nghề “đi đêm” ở xã nghèo Đăk Lao. Tuy nhiên, hàng đêm, những chiếc quái xa vẫn rầm rập vượt qua các chốt chặn chở gỗ từ biên giới về.

Phía sau những chuyến “đi đêm” này là bao nhiêu cảnh đời bi thương, và bao nhiêu cánh rừng dần trơ trọi …

MỚI - NÓNG