Một bên là những doanh nghiệp, những thương gia muốn làm ăn lớn trong lĩnh vực nông nghiệp đang cần những cánh đồng mẫu lớn hàng trăm, hàng ngàn ha, song lại gặp khó khăn trong quá trình tích tụ ruộng đất. Và cả hai hiện tượng này đều rất đáng được quan tâm, phân tích và mổ xẻ kỹ lưỡng để tìm ra giải pháp, chính sách phù hợp nhằm thúc đẩy sự phát triển.
Nếu người nông dân vẫn cứ chỉ trồng lúa, vẫn cứ canh tác nhỏ lẻ, thủ công, không khác với truyền thống lúa nước ngàn đời là mấy, nếu họ vẫn mãi “thấp cổ bé họng” để thương lái bắt chẹt với điệp khúc muôn thủa “được mùa - mất giá”… thì chuyện nông dân ở nhiều địa phương trên cả nước bỏ ruộng, ly hương để mưu cầu cuộc sống cũng là điều dễ hiểu.
Ngược lại, xu thế tích tụ ruộng đất để đưa cơ giới hóa, tự động hóa và các công nghệ sinh học tiên tiến vào đồng đất Việt của các doanh nghiệp cũng là tất yếu trong quá trình hội nhập ngày càng sâu rộng hiện nay. Chỉ có điều có tới 70% các doanh nghiệp đang gặp khó, đang vướng mắc trong quá trình tích tụ ruộng đất vì hành lang pháp lý, vì chính sách trong lĩnh vực quản lý đất đai nông nghiệp vẫn còn không ít bất cập, cản trở sự đầu tư vào nông nghiệp.
Rõ ràng không thể để một đằng bỏ cứ bỏ, và một đằng tích tụ cũng không xong. Một lần nữa, dường như vấn đề quản lý không theo kịp sự phát triển lại bộc lộ rõ nét trong lĩnh vực đất đai nông nghiệp.
Còn nhớ khoán 10 đã giúp “cởi trói” nền nông nghiệp nước nhà, đưa Việt Nam từ một nước thiếu lương thực triền miền trở thành quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Nay đã đến lúc nền nông nghiệp Việt Nam tiếp tục cần một “cú hích” để chuyển biến mạnh về chất, với một nền sản xuất hàng hóa nông nghiệp theo đòi hỏi của thị trường toàn cầu. Không có cách nào khác là phải nhanh chóng “công nghiệp hóa, hiện đại hóa” đồng ruộng, thay vì “khoán 10” mỗi người một mảnh manh mún như hiện nay.
Thực tiễn đang đòi hỏi cần có một sự chuyển biến lớn trong nhận thức về quản lý đất đai, một “khoán 10” lần hai nhằm cải cách mạnh mẽ nền nông nghiệp nước nhà.