Khổ sở vì thoái hóa đốt sống cổ

Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet
Chị Nguyễn Thị Vy 52 tuổi ở 57/160 đường Giải Phóng, Hai Bà Trưng, Hà Nội thường xuyên bị đau khớp xương từ bả vai xuống dọc theo sống lưng. Mỗi lần thời tiết thay đổi là những cơn đau nhức lại hành hạ, khiến hai cánh tay chị ê ẩm không muốn cử động.

Nhiều lần, chị phải nhờ các con nâng nằm, nâng ngồi. Không nặng như chị Vy, nhưng chị Quyên 45 tuổi ở 12/54 Hàng Dầu, Hoàn Kiếm, Hà Nội cũng thường xuyên bị đau nhức vùng sống cổ, lưng. Nhiều khi chị còn bị đau lan sang cả đỉnh đầu và trán. Chị Quyên băn khoăn không biết mình mắc bệnh gì?

Đi tìm thủ phạm gây thoái hóa đốt sống cổ

Trả lời câu hỏi của chị Vy và chị Quyên, BS. Hoàng Văn Dũng, Khoa Cơ Xương Khớp, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội cho biết: Những dấu hiệu trên của chị Vy và chị Quyên là dấu hiệu các chị đã mắc bệnh thoái hóa đốt sống cổ, đây là căn bệnh thường gặp ở độ tuổi trung niên từ 40 trở lên.

Những người mắc bệnh này thường là do hồi trẻ làm các công việc nặng nhọc, tác động nhiều đến vùng vai, cổ, cơ tay. Bên cạnh đó, yếu tố di truyền cũng ảnh hưởng tới bệnh này, những người bố hoặc mẹ mắc bệnh này thì nguy cơ mắc bệnh nhiều hơn những người trong gia đình không có bố hoặc mẹ mắc bệnh.

Ngoài ra, còn các nguyên nhân khác như: Ngồi, nằm sai tư thế lâu ngày ảnh hưởng tới dây thần kinh đốt sống cổ. Bên cạnh đó, chế độ ăn uống không hợp lý thiếu chất cacil cũng dẫn đến tình trạng thoái hóa đốt sống.

Khi mắc bệnh, có thể một thời gian dài người bệnh không thấy những cảm giác khác thường, sau đó bệnh nhân sẽ thấy đau ở bả vai, xương đòn, đau các đốt sống từ cổ dọc xuống lưng (C3-C7). Khi vận động cổ họ thường bị đau, cơn đau kéo dài từ gáy lan ra tai, cổ, đau lan lên đầu, có thể nhức đầu ở vùng chẩm, vùng trán, đau từ gáy lan xuống vai, cánh tay ở một bên hay cả hai bên. Đối với những người bệnh nặng, họ sẽ gặp khó khăn trong những hoạt động bình thường.

Bệnh thường chia thành hai giai đoạn phát triển:

Giai đoạn đầu: Đau mức độ vừa phải và không thường xuyên.

Ở giai đoạn này, việc điều trị phụ thuộc vào tình trạng của bệnh nhân với mục đích làm giảm đau nhanh chóng. Để giảm đau, người bệnh chỉ nên sử dụng các thuốc giảm đau, thuốc chống viêm không có corticoid, thuốc giãn cơ với hoạt chất diacereine có tác dụng chống thoái hoá. Ngoài ra, việc xoa bóp vùng cơ cổ cũng có tác dụng nhất định và người bệnh nên tránh các động tác làm khởi phát cơn đau, nên nằm ngủ trên giường phẳng.

Giai đoạn nặng: Bệnh nhân thường có những cơn đau kéo dài, gặp khó khăn về cử động tay, lưng, cổ trong các sinh hoạt thường ngày.

Lúc này, người bệnh nên đến thăm khám ở các bệnh viện chuyên khoa xương khớp, trong trường hợp cần thiết nên nằm lại bệnh viện để có thể sử dụng liệu pháp corticoid tĩnh mạch, đeo đai cổ mềm. Bệnh nhân cần được nghỉ ngơi và kéo giãn đốt sống nhẹ nhàng tại giường kết hợp phương pháp xoa bóp vùng cơ cổ kết hợp tia hồng ngoại, chạy sóng ngắn. Ngoài ra người bệnh sẽ được bác sỹ chuyên khoa chỉ định cho dùng thuốc chống viêm có corticoid.

Đẩy lùi mầm họa thoái hóa đốt sống cổ

Để mọi người có thể phòng tránh bệnh thoái hóa đốt sống cổ, bác sỹ Hoàng Văn Dũng đưa ra những lời khuyên sau:

1. Chế độ dinh dưỡng

 Đối với những người ngày trẻ thường xuyên phải lao động chân tay, hoạt động cơ bắt nhiều thì càng cần phải chú ý bổ sung dinh dưỡng có nhiều calci để giúp quá trình thoái hóa xương chậm lại.

- Phương pháp phòng bệnh tốt nhất ở người trung niên là có chế độ dinh dưỡng giàu calci nên ăn nhiều tôm, cua, ngao, sò…

- Hạn chế ăn nhiều đường, ăn mặn và tinh bột. Nên ăn nhiều rau xanh, hoa quả tươi nhất là rau cải, rau mầm, rau muống.

- Trung bình uống từ 1-1,5 lít nước/ngày. Nên uống sữa có bổ sung calci dành cho người cao tuổi.

2. Chế độ luyện tập

Nên tập những môn thể thao nhẹ nhàng giúp tăng cường sức bền, độ dẻo dai như các môn: Dưỡng sinh, yoga, thiền, erobic… không nên tập những môn mất sức nhiều, cần độ căng cơ cao như: chạy bộ, đánh tennis, tập tạ…

- Khi đi ngủ tránh gối đầu quá cao hoặc để những vật nặng lên vai, đầu, máu sẽ khó lưu thông lên não, ảnh hưởng tới đốt sống gây đau cổ, đau lưng, đau đầu.

- Không làm việc ở tư thế cúi quá lâu, gây mỏi đốt sống cổ và ảnh hưởng tới thần kinh trung ương gây hoa mắt, chóng mặt, ù tai.

Tự làm thầy thuốc trị thoái hóa đốt sống cổ

Đây là các phương pháp bấm huyệt tại nhà được các chuyên gia khuyên người bị thoái hóa đốt sống cổ giai đoạn nhẹ áp dụng tại nhà:

Bấm huyệt trung tâm: Đây chính là cách “đau đâu bấm đó”, vị trí chỗ đau chính là huyệt trung tâm bạn cần bấm. Khi tìm huyệt cần dùng đầu ngón tay day hoặc bấm nhẹ nhàng để phát hiện điểm đau cho chính xác. Khi đã phát hiện được điểm đau thì bấm mỗi điểm 1-2 phút.

Bấm huyệt ức (nằm ở chỗ lõm giữa phần cơ và ức đằng sau lưng): Đặt 2 ngón tay bấm vào huyệt, 4 ngón kia ôm lấy đầu, dùng lực bấm vào huyệt từ 1-2 phút sao cho có cảm giác tức nóng là được.

Bấm huyệt đỉnh (nằm ở chỗ lõm đỉnh vai và gáy khi giang tay ra): Dùng ngón tay cái bấm huyệt từ 1-2 phút.

Mỗi ngày người bệnh nên lắc đầu xoay đi xoay lại vài lần để vận động cho vùng cổ khỏi bị nhức mỏi, lưu thông các dây thần kinh, giúp lưu thông máu. Ngoài ra người bệnh cũng nên phối hợp với biện pháp điều trị vật lý trị liệu như dùng nhiệt, chườm lá ngải cứu, chườm muối nóng, đắp bùn, bơi lội…

Khuyến cáo của chuyên gia về thoái hóa đốt sống cổ

BS. Hoàng Văn Dũng khuyến cáo: Việc điều trị thuốc dành cho bệnh nhân thoái hoá cột sống cổ nhất thiết phải do thầy thuốc chuyên khoa chỉ định. Nếu bệnh nhân tự ý dùng thuốc chống viêm, thuốc giảm đau bừa bãi lâu ngày sẽ sinh ra những biến chứng khôn lường mà bệnh tình lại ngày càng nặng thêm.

Ngoài ra, bệnh thoái hóa đốt sống cổ có thể sử dụng các bài thuốc đông y để chữa trị, nhưng thường chỉ ở giai đoạn đầu khi bệnh mới khởi phát, sẽ có hiệu quả nhất định. Còn khi bệnh đã chuyển sang giai đoạn nặng, bệnh nhân nên đến khám ở các bệnh viện chuyên khoa để được chữa trị kịp thời tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra về sau.

SOS:Người bị thoái hóa đốt sống cổ lâu ngày có lưu lượng máu vận hành lên não rất kém khiến hệ thần kinh trung ương dễ bị tổn thương. Những triệu chứng như: chóng mặt, hoa mắt, giảm tầm nhìn… thường xuyên chính là dấu hiệu người bệnh cần cảnh giác với nguy cơ đột quỵ dẫn đến bị liệt mỗi khi vận động nhiều.

Theo Theo SKGĐ
MỚI - NÓNG
Tước hơn 3.400 giấy phép lái xe trong ngày 30/4
Tước hơn 3.400 giấy phép lái xe trong ngày 30/4
TPO - Chiều 30/4, Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia cho biết, trong ngày 30/4, toàn quốc xảy ra 61 vụ tai nạn giao thông, làm chết 27 người, bị thương 45 người. Lực lượng chức năng tước hơn 3.400 giấy phép lái xe các loại do vi phạm an toàn giao thông.