Đi tìm kho báu
Tiếp chúng tôi trong phòng hội đồng của trường THCS Hoàng Văn Thụ (xã Cư A Mung, huyện Ea H’leo), giữa không gian se lạnh của núi rừng, thầy giáo Lê Văn Hoàng bồi hồi nhớ lại: Từ khi còn ngồi trên giảng đường Đại học Đà Lạt, tôi đã thấy Tây Nguyên là vùng đất đầy quyến rũ về các giá trị khảo cổ. Năm 2007, tốt nghiệp Khoa Sử tổng hợp, tôi được phân công về trường này dạy môn lịch sử. Từ đó, tôi bắt đầu sưu tầm các hiện vật cổ để làm công cụ minh họa cho công tác giảng dạy, thỏa dần ước mơ giải mã thế giới người tiền sử mà tôi đã ấp ủ từ lâu.
Để có thêm thông tin về vị trí tìm hiện vật, thầy Hoàng trò chuyện cùng các học sinh trên lớp. Qua đó, thầy được biết người dân nơi đây quan niệm loại đá đặc biệt mang tên “búa trời” vương vãi trên đất là do trời đánh sét xuống. Sau giờ đứng lớp, thầy Hoàng lặn lội đến các buôn, bản, khe suối hoặc trên đồi, nương rẫy, trong túi luôn có các mẫu “búa trời” để tiện hỏi người dân. “Thấy mình vào rẫy tìm, nhặt “búa trời”, bà con mừng vì với họ, thứ “búa trời” này toàn làm sứt mẻ cuốc, xẻng mỗi khi va phải khiến họ bực mình. Khi nghe giải thích về ý nghĩa của chúng, người dân dần hiểu và để ý, gom nhặt lại cho mình”, thầy Hoàng chia sẻ.
Không chỉ một mình đi tìm, thầy Hoàng còn phát động phong trào “Học sinh làm khảo cổ học”. Theo đó, học sinh nào mang cho thầy một chiếc “búa trời” hoặc các hiện vật khác sẽ được phần thưởng là…10 viên kẹo. Phong trào nhận được sự hưởng ứng tích cực của học sinh toàn trường. Nhiều em còn xung phong làm người dẫn đường đưa thầy đến nhiều điểm xa tìm hiện vật quý. Một trong những chuyến đi đáng nhớ nhất vào năm 2013, thầy chở một cậu học trò vào con suối trong xã Cư A Mung. Đang chớm mùa khô, đường đi ngoằn ngoèo đầy sỏi đá, cỏ dại um tùm che cả lối đi khiến thầy tông phải tảng đá lớn, xe lật, ống pô đè lên chân tạo thành vết sẹo dài để đời. Dù bị đau nhức, bỏng rát nhưng thầy trò vẫn quyết tâm tiếp tục hành trình.
Thầy Hoàng cho biết: thời điểm thích hợp để đi tìm hiện vật là vào mùa khô. Khi mùa mưa qua, đất đai bị bào mòn, hiện vật phát lộ trên mặt đất rất dễ tìm. Còn cách để nhận biết hiện vật tìm được có phải là vật dụng, công cụ lao động của người tiền sử hay không, thì cần dùng nhiều phương pháp khác nhau như quan sát, thăm dò, khai quật, kiểm nghiệm sau khai quật. Với khả năng của mình, thầy chỉ dừng lại ở việc tìm kiếm các mẫu hiện vật lộ thiên, đánh dấu vị trí tìm được và phân loại chúng dựa vào các loại hình những kiến thức sơ khai ban đầu.
Hiện vật sau khi sưu tầm được thầy và trò cùng sắp xếp, phân loại, lưu giữ cẩn thận thành từng hộp. Nhờ có những “hiện vật sống” này mà môn học Lịch sử trở nên sinh động, hấp dẫn hơn. Giáo viên có thêm công cụ giảng dạy, các em học sinh được cầm nắm, quan sát trực tiếp để hiểu hơn về đời sống của người xưa, cách đây vài nghìn năm. Thông qua quá trình dẫn dắt học trò cùng sưu tập, phân loại… thầy Hoàng đã thổi vào đó niềm đam mê khảo cổ học và lòng tự hào về quê hương.
Vùng đất chứa nhiều di chỉ tiền sử
Sau 10 năm theo đuổi công việc tìm kiếm, sưu tầm, thầy Hoàng cùng các học trò đã được Bảo tàng Đắk Lắk trao Giấy xác nhận về bộ sưu tập hiện vật khảo cổ học vào 2/12/2016. Bộ sưu tập gồm 579 đơn vị hiện vật đá, gần 500 mảnh gốm và 700 mảnh tước. Trong đó có rìu, đục, mảnh tước, cuốc, mũi nhọn, bàn mài, mảnh gốm, chày nghiền, phác vật rìu đá… đa phần là những công cụ lao động và đồ dùng sinh hoạt của người nguyên thủy, thuộc niên đại Hậu kỳ Đá mới - Sơ kỳ Kim khí, cách ngày nay khoảng 3.000 - 4.000 năm.
Kỹ thuật chế tác thời kỳ này đã đạt đến trình độ cao, hầu hết công cụ lao động đã được mài nhẵn toàn thân. Đây là niềm vui khó tả, là sự ghi nhận quá trình sưu tầm, nỗ lực bảo tồn không mệt mỏi đối với niềm yêu thích Khảo cổ học của thầy và trò vùng đất Cư A Mung. Thầy Hoàng chia sẻ: “Giá trị của các hiện vật này không phải ở số lượng ít hay nhiều, mà nằm ở sự đa dạng phong phú về loại hình, hình dáng, chất liệu đá. Đây là một trong những cơ sở quan trọng để các nhà nghiên cứu tìm hiểu về dấu tích của người nguyên thủy ở vùng đất Cư A Mung. Trong bộ sưu tập, rìu là loại hình được tìm thấy nhiều nhất với hơn 100 hiện vật, điều này chứng tỏ cư dân ở vùng này trước đây sống bằng nghề nông nghiệp. Tuy nhiên đây mới là những nhận định sơ khai ban đầu, còn chuyên sâu hơn cần các nhà nghiên cứu tiến hành khảo sát, khai quật dưới lòng đất để giải mã thêm.
Thầy Hoàng cho biết thêm, năm 2008, thầy từng gửi một vài mẫu rìu đá kèm hình ảnh đánh dấu vị trí tìm được cho PGS-TS Nguyễn Khắc Sử xem và được khẳng định đây là những hiện vật của thời tiền sử. Sau đó, đoàn khảo sát của Viện Khảo cổ học do PGS-TS Nguyễn Khắc Sử dẫn đầu phối hợp Bảo tàng Đắk Lắk thực hiện khảo sát, đã xác nhận những địa điểm này từ xa xưa có người nguyên thủy cư trú. Cuối năm 2016, Bảo tàng Đắk Lắk tiếp tục thành lập đoàn khảo sát tiến hành thăm dò, khảo sát khảo cổ học tại buôn Tơ Roa, điểm Chảng Hai, điểm Sình Mây (xã Cư A Mung) và thu lượm trên bề mặt được nhiều hiện vật như lưỡi rìu đá vai ngang, mảnh gốm thô... Trung tuần tháng 10/2017, Bảo tàng tỉnh cũng lập đoàn về vùng đất Cư A Mung khảo sát. Hy vọng, với những chứng tích tìm được sẽ phục vụ cho công cuộc nghiên cứu chuyên sâu về loài người cổ ở vùng đất này.
Thời gian tới, thầy và trò trong trường sẽ tiếp tục công việc tìm kiếm, sưu tầm hiện vật. Thầy sẽ phục dựng, gắn các hiện vật vào tre, nứa để cho học sinh có cái nhìn toàn cảnh về công cụ, cách thức lao động của người tiền sử. Điều thầy Hoàng trăn trở là các hiện vật lộ thiên ở khu vực xã Cư A Mung có nhiều nhưng người dân không biết cũng như chưa hiểu hết giá trị của nó. Họ chỉ thấy đẹp nên nhặt về chơi, chán rồi vứt… Nếu không tìm kiếm và lưu giữ kịp thời, những hiện vật này sẽ dần mất và gây khó khăn cho công tác nghiên cứu của các cơ quan chuyên môn. Thầy mong muốn có nhiều nhà nghiên cứu khảo cổ học đến khảo sát, khai quật… để có những công trình nghiên cứu chuyên sâu, giải mã những bí ẩn của lịch sử về vùng đất Cư A Mung cho công chúng biết.