Khi nhà khoa học khoác áo doanh nhân

TS Đỗ Tuấn Đạt (bên trái) trao đổi cùng đối tác nước ngoài
TS Đỗ Tuấn Đạt (bên trái) trao đổi cùng đối tác nước ngoài
TP - Đứng đầu một doanh nghiệp đặc biệt, với TS. Đỗ Tuấn Đạt, Chủ tịch Công ty TNHH một thành viên Vắc-xin và Sinh phẩm Y tế số 1 (Vabiotech) không chỉ là việc kinh doanh đơn thuần mà còn những trăn trở làm cách nào để cuộc sống dần ít đi những những đứa trẻ tật nguyền vì di chứng bệnh tật, không còn nữa những cái chết oan uổng vì thiếu vắc-xin.  

Trăn trở

Nói về công việc kinh doanh, TS.Đạt không giấu được nét trầm tư, bởi lẽ hơn ai hết ông hiểu con đường mà ông và các đồng nghiệp lựa chọn không chỉ là tìm mọi cách kiếm được nhiều lợi nhuận như phần lớn các doanh nghiệp khác. Khó khăn và lớn lao hơn nhiều khi lĩnh vực kinh doanh của công ty chính là sức khỏe của thế hệ tương lai. Là kinh doanh nhưng việc cạnh tranh không phải ưu tiên hàng đầu, không bằng mọi giá.

Với Vabiotech mục tiêu lớn nhất mà những người điều hành hướng tới chính là cuộc chạy đua với những bước chân nước rút thần tốc để các công trình nghiên cứu khoa học của Việt Nam bắt kịp với nền y học tiên tiến trên thế giới. Dù là sản phẩm dành chủ yếu cho chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR), người dân coi đây là miễn phí nhưng với các nhà khoa học của công ty thì họ không bao giờ cho phép sự dễ dãi khi miễn phí. Ở đó còn là thể diện, là minh chứng cho sự sáng tạo và khát vọng vươn xa trên hành trình chinh phục những đỉnh cao y học.

Khi nhà khoa học khoác áo doanh nhân ảnh 1 Lãnh đạo Nhà nước thăm cơ sở sản xuất vắc-xin của Vabiotech

Công ty Vabiotech thành lập từ năm 2000, ban đầu là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước trực thuộc Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, sau được chuyển sang trực thuộc Bộ Y tế từ năm 2007. Đến nay Vabiotech đã có 4 sản phẩm chính là vắc- xin Viêm gan B, vắc- xin Viêm não nhật Bản (VNNB), vắc- xin Tả uống và vắc- xin Viêm gan A cho Chương trình TCMR Quốc gia cũng như nhu cầu phòng bệnh của người dân. Đến năm 2017 vắc- xin tả uống không sử dụng cho chương trình TCMR nữa vì dịch tả cơ bản đã được khống chế tại Việt Nam. Đó chính là niềm vui của các nhà khoa học khi họ thành công trong việc ngăn chặn căn bệnh có mức lây lan khủng khiếp này.

Nhắc đến vắc-xin Viêm não Nhật Bản (VNNB), TS. Đạt không giấu được niềm tự hào bởi đây là thành quả to lớn nhất mà thế hệ những nhà khoa học tiên phong của Vabiotech làm nên. Trong trí nhớ của những người làm công tác dịch tễ lâu năm, trước năm 1997, hình ảnh những đứa trẻ chịu cảnh di chứng do bệnh viêm não để lại khiến bao người không khỏi xót xa. Hồi đó khi chưa có vắc-xin, cứ đến mùa dịch, đặc biệt ở phía Bắc, trẻ VNNB rất nhiều.

Hệ quả để lại là những em bé sống trong cảnh ngơ ngẩn vì thần kinh bị ảnh hưởng. Những năm gần đây chỉ còn một số ít ca chịu di chứng khi không được tiêm phòng. VNNB gần như đã được khống chế ở Việt Nam. Có lẽ đó là thành công lớn nhất trong chương trình TCMR mà vắc-xin VNNB đạt được.

Một vắc-xin nữa làm nên thương hiệu của Vabiotech chính là vắc-xin Viêm gan B. Từ khi triển khai trong chương trình TCMR 1995 đến nay nó đã giúp giảm tỷ lệ mắc ở trẻ nhỏ từ khoảng 10 - 25%, hiện nay chỉ còn dưới 2%. TS. Đạt hy vọng những năm tới giảm xuống dưới 1% và đạt được mục tiêu đề ra là khống chế được virus viêm gan B và các hậu quả nặng nề do nó gây ra như viêm gan mạn tính, xơ gan và ung thư gan.

Bên cạnh sản xuất mang tính chất công ích, Vabiotech phát triển hợp tác với các nhà sản xuất có uy tín và thương hiệu lớn trên thế giới để sản xuất và kinh doanh các loại vắc-xin và chế phẩm sinh học khác như: sinh phẩm chẩn đoán (HBsAg, anti-HBs, anti-HCV, HIV), sinh phẩm điều trị (Erythropoietin, Insulin, Albumin, Globulin), các loại vắc-xin (quai bị, rubella, viêm màng não do não mô cầu, thủy đậu, Hib).

Sự khác biệt của những nhà khoa học làm kinh doanh so với những doanh nhân khác được TS. Đạt nhìn nhận, người làm khoa học làm bằng công nghệ, phát triển công nghệ, khi một công nghệ ra đời nó sẽ cho ra sản phẩm mang hàm lượng chất xám rất lớn, giá trị của nó gấp nhiều lần giá trị của kinh doanh đơn thuần. “Ở đây, đối với vắc-xin, nó không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn mang lại lợi ích xã hội”, TS. Đạt chia sẻ.

Trong suốt cuộc trò chuyện, TS. Đỗ Tuấn Đạt luôn “né” nhắc về bản thân mình. Ông dành sự biết ơn và trân trọng cho những thế hệ đi trước đã gây dựng và phát triển công ty dù ông đang là người chèo lái “con thuyền” Vabiotech tiếp tục đạt được những thành quả đáng tự hào. Trong hành trình 14 năm nghiên cứu và làm chủ công nghệ sản xuất vắc-xin của Vabiotech, mỗi sản phẩm gốc mà công ty đang cung ứng cho Chương trình TCMRQG đều gắn với tên tuổi một nhà khoa học lớn. TS. Đạt nhắc về những vị tiền bối như cố GS.TSKH. Hoàng Thủy Nguyên, cố GS. TSKH. Đặng Đức Trạch, GS.TS Huỳnh Phương Liên, GS.TSKH. Nguyễn Thu Vân với sự ngưỡng mộ tuyệt đối.

Tự chủ để phát triển

Nhớ về những ngày đầu chập chững “đứng mũi chịu sào” để tiếp tục đưa Vabiotech phát triển, TS. Đạt chia sẻ: “Khi tôi tiếp quản công ty tôi hiểu mọi người muốn một mô hình là các sản phẩm ở một cơ quan hành chính sự nghiệp, đưa ra kinh doanh phải mang tính chất độc lập, phải tách khỏi hoạt động sự nghiệp. Hơn nữa, khát khao của chúng tôi là tiếp tục theo đuổi con đường mà thế hệ đi trước đã sáng suốt lựa chọn, đó là đưa nền khoa học vắc-xin nước nhà vươn tới những thành tựu mới. Điều đó đồng nghĩa với việc chúng tôi phải tự chủ được nguồn vắc-xin nội để phòng chống dịch bệnh”.

Khi nhà khoa học khoác áo doanh nhân ảnh 2 Cơ sở sản xuất vắc-xin của Vabiotech

Để rút ngắn các giai đoạn nghiên cứu phát triển sản phẩm nhằm bắt kịp với xu thế phát triển của khoa học công nghệ thế giới, Vabiotech chủ động hợp tác nghiên cứu, đào tạo và chuyển giao công nghệ với các tổ chức, các viện nghiên cứu, các nhà sản xuất hàng đầu trên thế giới. 

Trong thời gian qua, Công ty đã xuất khẩu được hơn 3 triệu liều vắc-xin VNNB vào bang Hydrabad, Ấn Độ, trong khi Ấn Độ cũng là một đất nước có ngành công nghiệp sản xuất vắc-xin phát triển; vắc-xin này cũng bắt đầu được xuất khẩu vào thị trường Đông-Timo; 32.000 liều vắc-xin viêm gan A đã được xuất khẩu sang Hàn Quốc và 115.000 liều vắc-xin Tả uống được xuất khẩu đến Srilanka, Philippine, Ấn Độ. Riêng việc sản xuất và cung ứng hàng chục triệu liều vắc-xin các loại phục vụ nhu cầu phòng bệnh của người dân trong nước đã tiết kiệm cho nhà nước hàng nghìn tỷ đồng.

Dẫu đạt được nhiều thành công trên con đường chinh phục những loại virus nguy hiểm nhưng vẫn đau đáu trong tâm tư của vị “thuyền trưởng” Vabiotech về sứ mệnh phụng sự sức khỏe cộng đồng. Ông bảo: “Những lúc có loại vắc-xin mới chuẩn bị đưa ra thử nghiệm trên người, chúng tôi luôn mất ăn mất ngủ, nín thở theo dõi. Dù những người nhận thử nghiệm đã ký cam kết nhưng chúng tôi vẫn sợ có tai biến, trục trặc gì thì bao nhiêu công sức của mình sẽ đổ sông đổ biển. Để có được một vắc-xin thành công, đôi khi chúng tôi phải mất 10-20 năm”. Vẫn còn muôn vàn khó khăn chờ phía trước, nhưng những nhà khoa học khoác áo doanh nhân không nản lòng, bởi sức khỏe cho con người, vì con người là sứ mệnh của họ.

Dự án “Nghiên cứu phát triển sản phẩm vắc-xin VNNB trên tế bào Vero” do Vabiotech đang triển khai thực hiện, dự kiến hoàn thành vào năm 2019. Đến thời điểm hiện tại, vắc-xin đã thử nghiệm lâm sàng ở giai đoạn 3 và được đánh giá đạt tính an toàn trên người tình nguyện. Hiện doanh nghiệp đang chuẩn bị hồ sơ xin đăng ký lưu hành vắc-xin Viêm não Nhật Bản trên tế bào Vero (JECEVAC) tại Việt Nam.

MỚI - NÓNG
Tước hơn 3.400 giấy phép lái xe trong ngày 30/4
Tước hơn 3.400 giấy phép lái xe trong ngày 30/4
TPO - Chiều 30/4, Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia cho biết, trong ngày 30/4, toàn quốc xảy ra 61 vụ tai nạn giao thông, làm chết 27 người, bị thương 45 người. Lực lượng chức năng tước hơn 3.400 giấy phép lái xe các loại do vi phạm an toàn giao thông.