Khi người trẻ... lười yêu

0:00 / 0:00
0:00
TP - Nhiều bạn trẻ ngày nay chọn tạm gác chuyện yêu để tập trung cho sự nghiệp, trải nghiệm thêm nhiều điều mới mẻ, học các kỹ năng mới để hoàn thiện bản thân.

Tập trung nâng cấp bản thân

“Chạy trốn” tình yêu vài năm nay, Duy Đức (23 tuổi, ở Hà Nội) dành 80% năng lượng cho công việc và 20% cho sự trải nghiệm. Hiện Đức làm trưởng phòng đối ngoại của một agency ở Hà Nội (công ty chuyên cung cấp các dịch vụ truyền thông, quảng cáo). Cậu tự hào đã rút ngắn quá trình cố gắng lao động của một người trẻ bình thường được 2 năm. “Mẫu số chung của người trẻ là mất một năm thực tập, 2 năm đi làm để ổn định, vài năm sau thăng tiến lên các vị trí cao hơn”, Đức nói.

Khi người trẻ... lười yêu ảnh 1

Bạn Duy Đức (ngồi) cùng đồng nghiệp thảo luận về dự án sắp tới. Ảnh: PV

Phần lớn quỹ thời gian của Đức dành cho việc học kỹ năng quản lý doanh nghiệp, kỹ năng tài chính, kỹ năng quản lý sự kiện... Đức cho rằng, khi không có những mối bận tâm về cảm xúc thì rất dễ học thêm những kỹ năng mới và kiếm được cơ hội thực hành nó. Cậu nhận thấy thế hệ của mình có sự cạnh tranh cao trong công việc nên nếu bị ràng buộc bởi một mối quan hệ tình cảm sẽ khiến bản thân mất tập trung, bỏ qua các cơ hội phát triển.

“Mình sẽ tập trung vào học và làm, dành nhiều thời gian để xây dựng mối quan hệ với cộng đồng người làm sáng tạo, truyền thông. Khi tập trung tâm trí cho việc nâng cấp bản thân sẽ giúp mình có thêm tự tin để bắt đầu một mối quan hệ ở tuổi trưởng thành”, Đức bày tỏ.

Tuy nhiên, Đức cho rằng, nếu không quản lý thời gian và sự tập trung của mình một cách hợp lý, rất dễ bị “sa lầy” vào những hoạt động vô nghĩa và không thực sự có ích, hoặc cảm thấy cô đơn và thiếu hụt tình cảm. Vì thế, cậu đã chọn tham gia một câu lạc bộ tennis chơi cuối tuần để được giao lưu với những người bạn mới.

Yêu trễ để… đợi người phù hợp

Với nữ thi sĩ tự do Nguyễn Thị Thùy Linh (24 tuổi, quê Thái Nguyên), cô dành phần lớn thời gian để sáng tác, tả về người trẻ và những câu chuyện thú vị trong thế hệ Gen Z trên fanpage “Tâm sự của Dưa”, có hơn 60 nghìn người theo dõi.

Linh thừa nhận, khi nhìn thấy những cặp đôi quấn quýt bên nhau, cô cũng tủi thân và buồn. “Mỗi lần như vậy, mình lại tự động viên bản thân bằng cách nghĩ rằng đây cũng chỉ là khoảnh khắc thoáng qua. Nếu như mình có sự nghiệp tốt, cố gắng trở thành một người giỏi thì chắc chắn đối phương trong tương lai sẽ là một người như vậy”, cô nói.

Trong quá trình sáng tác thơ, Linh cũng nhận được nhiều lời đề nghị của độc giả viết về việc làm sao “chạy trốn” tình yêu một cách lành mạnh, không bị ảnh hưởng bởi tư tưởng sống một mình đến già. Theo Linh, “chạy trốn” tình yêu một cách lành mạnh là chỉ nên trong một giai đoạn khi bản thân cần thời gian để hoàn thiện hay thực hiện một kế hoạch quan trọng.

Linh không thấy áp lực về chuyện tuổi tác trong tình yêu. Cô cho rằng, để có mối quan hệ lâu dài, cả hai phải có đủ niềm tin vào chính mình và đối phương. “Khi tin vào chính mình, bạn sẽ cảm thấy tự tin, không phụ thuộc vào người khác quá mức. Điều này sẽ giúp tránh được những tình huống bị lừa dối, bị kiểm soát hoặc bị tổn thương”, Linh chia sẻ.

Cùng quan điểm với Linh, bạn Nguyễn Hương Trà (27 tuổi, làm tuyển dụng nhân sự tại Hà Nội) không vội vã đi tìm ý trung nhân. Ngược lại, Trà mong người đàn ông của mình sẽ đến trễ một chút để cả hai có đủ chín chắn, kinh tế vững làm nền tảng phát triển một tình yêu đẹp.

Thời gian rảnh, Trà cùng đồng nghiệp thường đi du lịch bụi, đến các nơi chưa đến. “Không phải cứ độc thân là cô đơn, là không dung hòa giữa công việc và đời sống tinh thần. Mình chọn trải nghiệm thêm nhiều vùng đất mới, sở thích mới để nạp thêm năng lượng cho bản thân”, Trà bày tỏ.

Cân bằng cách nào?

Chuyên viên tâm lý Đào Lê Tâm An (Nghiên cứu sinh tiến sĩ ngành Tâm lý học, Trường Đại học Sư phạm TP HCM) nhận định, trong một xã hội vận động ngày càng nhanh, giá trị mà bạn trẻ theo đuổi là sự thành công trong công việc, kiếm nhiều tiền hơn để hướng đến một cuộc sống thoải mái. Họ không nhất thiết phải trong một mối quan hệ mới hạnh phúc, mà họ hướng đến sự hạnh phúc tự tại, với chính bản thân họ.

Với sự quan tâm ngày càng nhiều về lĩnh vực tâm lý, người trẻ dần hiểu rằng không thể mong cầu một mối quan hệ nhằm giải quyết các vấn đề cá nhân, mà chính họ nên trở thành phiên bản tốt nhất trước khi quyết định đồng hành, nghiêm túc với một ai đó.

Khi người trẻ... lười yêu ảnh 2

Anh Đào Lê Tâm An

“Người trẻ cần dành ra một khoảng thời gian đủ lâu để suy nghĩ sâu về mức độ ưu tiên, về những điều mình có thể bỏ lỡ để lường trước những khó khăn trên con đường mình chọn, giảm cảm giác tiếc nuối vì đứng núi này, trông núi nọ”.

Anh Đào Lê Tâm An (Nghiên cứu sinh tiến sĩ ngành Tâm lý học, Trường Đại học Sư phạm TP HCM)

Theo chuyên gia tâm lý, sẽ không có gì đáng phải bàn nếu bạn trẻ thật sự hiểu và tận hưởng cuộc sống độc thân. Tuy nhiên, đủ tỉnh táo phân tách điều mình cần và việc bị động trong dòng xoáy của xã hội là điều không dễ dàng. Như ảnh hưởng của mạng xã hội với thói quen hóng “phốt” các câu chuyện ít kiểm chứng nhưng đạt lượt tương tác khủng vì các tình tiết giật gân như: ngoại tình, bạo hành, tính toán... khiến góc nhìn về tình yêu không còn màu hồng trong mắt nhiều người. Giá trị của đồng tiền bỗng phình to ra, vô tình khiến các giá trị tinh thần như bị xem nhẹ, hạ thấp, phụ thuộc vào vật chất.

Tuy nhiên, mỗi người đều có nhiều hơn hai giá trị là công việc và tình cảm, do đó bài toán không chỉ là cân bằng giữa hai điều này, mà còn là sức khoẻ, sự phát triển bản thân, bạn bè, gia đình... Cần hiểu rằng, chúng ta không thể chu toàn ở mọi mặt, mà từng giai đoạn sẽ ưu tiên những giá trị để phát triển, đồng thời đánh đổi những giá trị còn lại.

Đặc biệt, một số bạn trẻ muốn ngưng chuyện tình cảm để phát triển sự nghiệp cần đưa ra những định lượng phù hợp với bản thân, không nhất thiết áp đặt tiêu chuẩn xã hội để rồi cảm thấy ngột ngạt. Bởi trong quá trình làm việc, chúng ta dễ bị cuốn theo yêu cầu của cơ quan, tiêu chuẩn của sếp, theo tiến độ hằng đêm nên quên đi điều gì khiến mình thật sự hạnh phúc.

“Có những người có nhu cầu được yêu thương, nhu cầu thuộc về rất mạnh mẽ nhưng vì các tác động khách quan khiến họ phủ nhận giá trị của tình yêu. Điều này góp phần khiến họ luôn thấy bồn chồn, khó chịu, dù vẫn luôn nhắc nhở bản thân rằng “mình không phù hợp với yêu đương”. Sự mâu thuẫn này khiến chất lượng đời sống tinh thần bị giảm sút, lây lan sang các mặt khác của cuộc sống, thậm chí làm giảm hiệu quả công việc, giảm thu nhập - thứ mà họ đang cho rằng quan trọng nhất với mình”, anh Tâm An khuyến cáo.

Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê cho thấy, tỉ lệ người độc thân tại Việt Nam đang có xu hướng tăng, từ 6,23% năm 2004 lên 10,1% vào năm 2019.

MỚI - NÓNG