Khi người mua ở thế yếu

Khi người mua ở thế yếu
TP - Cách nay 15-16 năm, Việt Nam bắt đầu có những chuyển động khai mào của phong trào xã hội hóa giáo dục. Đó là sự ra đời của một loạt trường đại học tư thục, dân lập ở cả ba miền Bắc, Trung, Nam. Bên cạnh đó, những trường công cũng dần xóa bỏ hầu hết những hình thức đào tạo có hỗ trợ kinh phí từ ngân sách nhà nước.

> Đại học tư thục đang bị buôn bán!
> Trường thuê, thầy tạm

Sự ra đời của các trường đại học ngoài công lập như một làn gió mới cho nền giáo dục nước nhà, làm thay đổi nhận thức của xã hội về việc đào tạo đại học. Từ chỗ đào tạo đại học thường chỉ dành cho một số ít cá nhân xuất sắc, đậu đại học là nghiễm nhiên cá nhân ấy chắc chắn có một tương lai tốt đẹp, chuyển qua thời nhà nhà đại học, người người cử nhân, miễn là không quá kém và… có đủ tiền đóng học phí.

Giáo dục, trong đó có giáo dục đại học dần trở thành ngành kinh doanh siêu lợi nhuận. Đó là lý do khắp nơi trên cả nước mọc ra đủ các loại hình đào tạo cử nhân, liên doanh, liên kết. Có những trường được lập ra vội vã với mục tiêu nhanh chóng thu lại lợi nhuận nên lớp học có thể chỉ là khuôn viên một làng nướng như ở Bình Thuận.

Tuy vậy, dù đào tạo đại học đã được xã hội hóa, được xem như một loại hình dịch vụ (dù tất nhiên có những đặc thù) thì chuyện thị trường hóa loại hình dịch vụ này vẫn có nhiều méo mó và đối tượng chịu thiệt chủ yếu không ai khác là sinh viên. Vì khi các trường đại học được tự chủ tài chính, chủ động trong việc xác lập mức học phí và về góc độ nào đó, tự chủ về ngành đào tạo, chủ đầu tư thành lập trường và cả đội ngũ giáo viên chính là những người cung cấp dịch vụ.

Họ gần như có đủ mọi quyền của nhà cung cấp sản phẩm (quyết định về loại sản phẩm, đối tượng khách hàng, giá cả, quyền từ chối tiếp tục cung cấp dịch vụ…) thì bên mua dịch vụ (người học) nghiễm nhiên bị tước bỏ rất nhiều quyền (khiếu nại khi sản phẩm lỗi, hỏng, kém chất lượng, bảo hành dịch vụ, bồi thường…).

Một người mua phải hàng lỗi, hỏng do sơ xuất hay yếu kém của nhà sản xuất (nhà cung cấp dịch vụ) thì có quyền đòi đổi sản phẩm, bồi hoàn tiền, thậm chí bồi thường. Nhưng mua phải những dịch vụ giáo dục kém chất lượng, phải nghe những giờ giảng mà giáo viên chỉ kể chuyện tào lao cho hết giờ, sinh viên biết đòi bồi thường ở đâu, như thế nào?

Nhiều chủ doanh nghiệp đã nhận xét, kỹ năng của 80% sinh viên mới ra trường hiện nay là chưa hình thành nếu không muốn nói là không có. Có thể chỉ ngay ra vài nguyên nhân đã được đề cập nhiều: sinh viên thiếu kỹ năng vì chất lượng đào tạo thấp, chưa sát với yêu cầu của thị trường, cung cách đào tạo còn nặng về lý thuyết…

Nhưng khi đã cho xã hội hóa giáo dục, đã thị trường hóa dịch vụ ấy thì nhà nước phải có biện pháp để nó phát triển đúng với quy luật của thị trường, nơi quyền lợi của cả bên cung cấp dịch vụ lẫn bên mua để thụ hưởng dịch vụ đều phải được tôn trọng và đảm bảo.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG