Khi Mỹ lạnh nhạt, Trung Đông chuyển sang tự thân vận động

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Sau nhiều năm trông ra nước ngoài để tìm câu trả lời, các quốc gia Trung Đông giờ đây có vẻ đã chuyển hướng sang đối thoại với nhau để tìm giải pháp sau 2 thập kỷ chiến tranh và rối loạn chính trị.
Khi Mỹ lạnh nhạt, Trung Đông chuyển sang tự thân vận động ảnh 1

Thư ký Hội đồng An ninh quốc gia tối cao Iran Ali Shamkhani (phải) tiếp Cố vấn An ninh quốc gia UAE Sheikh Tahnoon bin Zayed Al Nahyan ngày 6/12. (Ảnh: AP)

Việc Mỹ rút khỏi Afghanistan và Iraq góp phần dẫn đến sự thay đổi này. Những nhân vật từng bị tẩy chay như Tổng thống Bashar Assad ở Syria hay con trai của cố Tổng thống Moammar Gadhafi ở Libya đang lấy lại vị thế hoặc quay lại chính trường, trong bối cảnh vẫn còn tàn tích âm ỉ của các cuộc nổi dậy Mùa xuân Ả-rập năm 2011.

Nhiều vấn đề chưa được giải quyết và việc hướng vào bên trong có thể không mang lại câu trả lời mà hầu hết các quốc gia Trung Đông mong muốn. Không có giải pháp nhanh gọn nào cho đà rơi tự do chưa từng thấy của kinh tế Li-băng, số phận của những người dân Afghanistan không muốn sống dưới chính quyền Taliban, và quan điểm ngày càng cứng rắn của Iran đối với chương trình hạt nhân.

Tuy nhiên, nhiều động thái ngoại giao báo hiệu sự nhận thức ngày càng lớn ở khu vực, rằng lợi ích của Mỹ đang chuyển sang nơi khác, và giờ đã đến lúc đàm phán những vấn đề mà mới chỉ 1 năm trước vẫn là điều không thể nghĩ đến.

Mỹ vẫn duy trì hiện diện quân sự mạnh mẽ, bao gồm các căn cứ quân sự trên khắp Trung Đông. Washington vẫn để hàng chục ngàn binh lính Mỹ vẫn đồn trú ở Kuwait, điều tàu chiến qua eo biển Hormuz và máy bay tuần tra trên bán đảo Ả-rập.

Nhưng các đồng minh của Mỹ cũng nản lòng khi nhìn cảnh tượng những người tuyệt vọng bám càng máy bay quân sự Mỹ trong chiến dịch sơ tán hỗn loạn khỏi Afghanistan sau 20 năm chiến tranh và Taliban quay lại cầm quyền. Quyết định của hai chính quyền Trump và Biden dẫn đến kết cục đó, gây đảo lộn tư duy chiến lược được định hình bởi Chiến tranh Lạnh và đợt tấn công khủng bố 11/9.

Các nhà phân tích Mỹ giờ đây nói về cạnh tranh nước lớn, về sự tập hợp của binh lính Nga ở gần biên giới với Ukraine và những hành động của Trung Quốc đối với đảo Đài Loan. Họ nói rằng những điểm nóng mới cần nhân lực và trang thiết bị từ lâu đã để ở Trung Đông.

Trong khi đó, các cuộc đàm phán tại Vienna nhằm khôi phục thoả thuận hạt nhân Iran có vẻ đang lúng túng. Với việc Iran đã làm giàu urani lên mức chưa từng thấy trước đây và việc Israel đe doạ hành động quân sự đang làm gia tăng căng thẳng và gây lo ngại rằng những mâu thuẫn đó có thể leo thang thành xung đột quân sự.

Ngoại giao nhộn nhịp

Khi những biện pháp hạn chế biên giới để đối phó COVID-19 được nới lỏng, nhiều cuộc gặp trực tiếp giữa các lãnh đạo Trung Đông đang diễn ra để tìm giải pháp.

UAE vừa cử cố vấn an ninh quốc gia thực hiện chuyến đi hiếm hoi để gặp tổng thống Iran, với hy vọng ngăn chặn những cuộc tấn công xảy ra trên vùng biển của họ. Ả-rập Xê-út, dù đã cắt đứt quan hệ với Iran từ năm 2016 sau vụ hành hình một giáo sĩ Shiite nổi tiếng, gần đây cũng đã đối thoại với Tehran ở Baghdad (Iraq).

Không chỉ liên quan đến Iran, những mâu thuẫn ở Vùng Vịnh khiến Qatar bị 4 nước Ả-rập tẩy chay trong mấy năm đã kết thúc vào tháng 1 năm nay. Mâu thuẫn nhiều năm đã có sự thay đổi với hình ảnh tiểu vương cầm quyền Qatar, Thái tử Ả-rập Mohammed bin Salman và cố vấn an ninh quốc gia UAE cùng chụp ảnh tươi cười với nhau.

Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC), trong đó có Bahrain, Kuwait và Oman, dự kiến sẽ tổ chức cuộc họp đầu tiên sau vụ tẩy chay. Thái tử Mohammed đã bắt đầu chuyến công du các nước thuộc GCC trước thềm thượng đỉnh, với hy vọng lấy lại ảnh hưởng của mình sau khi bị các cơ quan tình báo Mỹ nói là người đã chấp thuận việc sát hại nhà báo Jamal Khashoggi của Washington Post năm 2018.

Mỗi quốc gia Ả-rập Vùng Vịnh đều đang triển khai chương trình ngoại giao riêng, và một GCC đoàn kết có thể đóng vai trò lớn nếu căng thẳng với Iran gia tăng. Ngoài ra còn có những tính toán khác. Vốn bị UAE và Ai Cập nghi ngờ chuyện chứa chấp các phần tử Hồi giáo cực đoan, Thổ Nhĩ Kỳ nay lại muốn hàn gắn quan hệ với hai nước này nhằm cứu vãn sự sụp đổ của đồng nội tệ lira.

Những chuyển động trong khu vực cũng khiến chính trị thực dụng quay lại, sau 1 thập kỷ diễn ra phong trào Mùa xuân Ả-rập nhằm lật đổ các nhà lãnh đạo chuyên quyền.

Tổng thống Assad của Syria đã tìm được đường thoát khỏi vách núi. Dù tỉnh Idlib ở vùng tây bắc Syria vẫn nằm trong tay lực lượng đối lập, nhưng ông Assad đã kiểm soát được phần còn lại của đất nước. Giờ đây, nhà lãnh đạo này đang dần trở lại với nhóm các nước Ả-rập từng kêu gọi lật đổ ông, dù Mỹ vẫn phản đối ông cầm quyền và duy trì một lực lượng nhỏ ở khu vực phía đông Syria, gần biên giới với Iraq.

Một diễn biến khác là sự tái xuất của Seif al-Islam Gadhafi, con trai cố lãnh đạo bị lật đổ của Libya. Dù vẫn bị Toà án hình sự quốc tế truy nã, Seif al-Islam gần đây đã đăng ký ứng cử cuộc bầu cử tổng thống tiếp theo của nước này.

Còn tại Tunisia, nơi đầu tiên nổ ra phong trào Mùa xuân Ả-rập, Tổng thống Kaïs Saied đóng băng quốc hội và chiếm quyền hành pháp từ tháng 7. Những người đối lập gọi đây là hành động đảo chính.

Theo AP
MỚI - NÓNG