Mỹ hoàn tất rút quân khỏi Afghanistan trong hỗn loạn

0:00 / 0:00
0:00
Phát ngôn viên Taliban Zabihullah phát biểu trước một nhóm tay súng tại sân bay Kabul ngày 31/8 Ảnh: Al Jazeera
Phát ngôn viên Taliban Zabihullah phát biểu trước một nhóm tay súng tại sân bay Kabul ngày 31/8 Ảnh: Al Jazeera
TP - Mỹ đã hoàn tất việc rút quân khỏi Afghanistan, chấm dứt 20 năm chiến tranh với đỉnh điểm là sự trở lại của lực lượng Taliban.

Buộc phải rút lui trong vội vã, Washington và các đồng minh NATO tiến hành chiến dịch không vận quy mô lớn nhưng hỗn loạn trong 2 tuần qua, dù vẫn còn hàng chục ngàn người Afghanistan đã hỗ trợ phương Tây bị bỏ lại.

Tiếng súng ăn mừng vang lên ở Kabul. Phát ngôn viên Taliban Qari Yusuf phát biểu: “Lính Mỹ cuối cùng đã rời khỏi Kabul và đất nước chúng ta giành được độc lập hoàn toàn”, truyền hình Al Jazeera đưa tin.

Trong phát biểu nhân sự kiện này, Tổng thống Mỹ Joe Biden bảo vệ quyết định thực hiện đúng theo thời hạn chót 31/8, và nhấn mạnh rằng thế giới sẽ buộc Taliban phải thực hiện cam kết về việc cho phép những người muốn rời đi có thể ra đi an toàn. “Giờ đây, sự hiện diện quân sự 20 năm ở Afghanistan đã chấm dứt”, ông Biden nói, và cảm ơn quân đội Mỹ đã thực hiện chiến dịch sơ tán nguy hiểm.

Ông Biden vấp phải chỉ trích nặng nề từ phe Cộng hoà và một số người trong đảng Dân chủ vì cách xử lý tình hình ở Afghanistan kể từ khi Taliban giành quyền kiểm soát cả nước từ đầu tháng này. Thượng nghị sĩ Cộng hoà Ben Sassa, thành viên Uỷ ban Tình báo Thượng viện, gọi việc Mỹ rút quân là “nỗi ô nhục quốc gia” và là “kết quả trực tiếp từ sự hèn nhát và bất tài của tổng thống”.

Nhưng Thượng nghị sĩ Dân chủ Sheldon Whitehouse viết trên Twitter: “Hoan nghênh các nhà ngoại giao, các cơ quan tình báo và quân sự của chúng ta. Một chiến dịch không vận 120.000 người trong tình huống nguy hiểm và hỗn loạn như vậy không phải điều ai cũng có thể làm”.

Ông Biden nói Mỹ từ lâu đã đạt được mục tiêu đặt ra từ đầu là lật đổ Taliban vì đã dung túng cho lực lượng khủng bố al-Qaeda, những kẻ thực hiện cuộc tấn công khủng bố Mỹ vào ngày 11/9/2001.

Còn lại gì?

Khi 5 chiếc máy bay vận tải quân sự Mỹ cuối cùng rời khỏi Afghanistan hôm 30/8, có đến 200 người Mỹ và hàng ngàn người Afghanistan bị bỏ lại và giờ họ phải dựa vào Taliban để được phép ra đi.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken khẳng định Mỹ sẽ tiếp tục đưa những người Mỹ và Afghanistan rời đi, đồng thời làm việc với các nước láng giềng của Afghanistan để bảo đảm những người còn lại có thể ra đi bằng đường bộ hoặc chuyến bay thuê bao sau khi sân bay Kabul mở cửa lại. “Chúng tôi không ảo tưởng rằng việc này sẽ dễ dàng và nhanh chóng”, ông Blinken nói.

Phát biểu không lâu sau khi Lầu Năm Góc thông báo hoàn tất việc rút quân, ông Blinken nói rằng Đại sứ quán Mỹ ở Kabul vẫn đóng cửa và để trống trong tương lai gần trong khi các nhà ngoại giao Mỹ sẽ làm việc tại Doha, Qatar.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục nỗ lực giúp các công dân Mỹ, công dân nước ngoài và người Afghanistan ra đi nếu họ lựa chọn như vậy. Cam kết của chúng tôi đối với họ không có thời hạn chót”, ông Blinken phát biểu tại Bộ Ngoại giao.

Tướng thủy quân lục chiến Frank McKenzie, tư lệnh Bộ chỉ huy trung tâm Mỹ, nói với báo giới rằng quân đội Mỹ đã đón được 1.500 người Afghanistan trong những giờ phút cuối cùng của sứ mệnh sơ tán. Nhưng giờ Bộ Ngoại giao có nhiệm vụ làm việc với Taliban để giúp đỡ những người còn lại.

“Có rất nhiều việc đau lòng trong quá trình ra đi này. Chúng tôi không thể đón tất cả mọi người như chúng tôi mong muốn. Nhưng tôi nghĩ nếu ở lại thêm 10 ngày, chúng tôi cũng không thể đón tất cả mọi người như mong muốn được”, ông McKenzie nói.

Hơn 114.000 người đã được Mỹ đưa đi từ sân bay Kabul trong 2 tuần qua. Nhưng kết thúc của giai đoạn hiện diện quân sự của Mỹ ở Afghanistan đang đặt ra nhiều câu hỏi mới cho chính quyền Biden.

Một số ít người Mỹ chọn cách tiếp tục ở lại Afghanistan để được ở bên gia đình. Chính quyền Biden nói họ hy vọng Taliban sẽ tiếp tục để người Mỹ và những người Afghanistan rời đi sau khi Mỹ hoàn tất rút quân. Nhưng đang có lo ngại rằng những người đó sẽ ra đi như thế nào nếu không còn sân bay nào hoạt động.

Bên cạnh đó còn có lo ngại rằng Taliban có thể trả đũa hàng chục ngàn người Afghanistan, trong đó có những phiên dịch viên làm việc cho quân đội Mỹ, các nhà báo và nhà hoạt động vì nữ quyền.

Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thông qua nghị quyết yêu cầu Taliban tôn trọng cam kết để người dân ra đi tự do, nhưng không nói đến “vùng an toàn” như đề xuất của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Nghị quyết do Mỹ, Anh và Pháp đệ trình đã được thông qua với 13 phiếu, vì Trung Quốc và Nga bỏ phiếu trắng. Các chuyên gia nói rằng lời lẽ trong nghị quyết đã được giảm tông để bảo đảm Nga và Trung Quốc không sử dụng quyền phủ quyết, Reuters đưa tin.

Hiện có những dấu hỏi về cách Washington và Taliban có thể hợp tác và chia sẻ thông tin về những mối đe doạ từ IS. ISIS-K, một chi nhánh của IS, đã nhận trách nhiệm thực hiện vụ tấn công vào sân bay Kabul ngày 26/8, khiến 13 lính Mỹ và nhiều người Afghanistan thiệt mạng.

Mỹ triển khai ít nhất 2 cuộc không kích bằng máy bay không người lái nhằm vào nhóm này để trả đũa, và ông Biden nói Mỹ sẽ tiếp tục trả đũa. ISIS-K là kẻ thù của Taliban, nhưng giới tình báo Mỹ tin rằng lực lượng này đang lợi dụng tình hình bất ổn ở Afghanistan hiện nay để củng cố vị trí và tuyển mộ những thành viên muốn rời khỏi Taliban.

Theo Biden
MỚI - NÓNG