Con trai cố lãnh đạo Gadhafi tuyên bố tranh cử tổng thống Libya

0:00 / 0:00
0:00
Seif al-Islam (trái) là một trong những người con của cố lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi. (Ảnh: Uỷ ban bầu cử Libya)
Seif al-Islam (trái) là một trong những người con của cố lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi. (Ảnh: Uỷ ban bầu cử Libya)
TPO - Ngày 14/11, con trai cố lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi thông báo sẽ chạy đua vị trí tổng thống trong cuộc bầu cử vào tháng sau, cơ quan bầu cử Libya cho biết.

Seif al-Islam, người đang bị Toà án hình sự quốc tế (ICC) truy nã vì các tội danh chống lại nhân loại liên quan đến cuộc nổi dậy năm 2011, đã nộp hồ sơ ứng cử tại thị trấn Sabha, cách thủ đô Tripoli 650km về phía nam.

Seif al-Islam bị các tay súng bắt ở thị trấn Zintan vào cuối năm 2011, năm xảy ra phong trào nổi dậy rộng khắp. Năm đó, ông Gadhafi bị lật đổ, bị đánh đến chết sau hơn 40 năm cầm quyền.

Trong video được một quan chức bầu cử chia sẻ, Seif al-Islam phát biểu trước camera nói rằng "Chúa sẽ quyết định con đường đúng đắn cho tương lai của đất nước". Trong đoạn phim, người đàn ông 49 tuổi có bằng tiến sĩ tại Trường Kinh tế London mặc kiểu áo choàng truyền thống của người Libya, đội khăn turban và đeo kính. Đây là lần đầu tiên nhân vật này xuất hiện công khai.

Là con trai thứ hai của cố lãnh đạo Muammar Gaddafi nhưng Seif al-Islam từng được coi là nhân vật cải cách của chính quyền Gadhafi trước khi xảy ra phong trào nổi dậy 2011. Seif al-Islam được thả vào tháng 6/2017 sau hơn 5 năm bị giam. Tháng 7 năm nay, ông nói trong cuộc trả lời phỏng vấn báo The York Times rằng ông đang cân nhắc ứng cử vào vị trí cao nhất. Việc ông ứng cử có thể dẫn đến nhiều tranh cãi ở quốc gia đầy chia rẽ.

Seif al-Islam bị ICC truy nã vì các tội danh chống lại nhân loại vì những hành động đã thực hiện trong giai đoạn đầu của cuộc nổi dậy. Phát ngôn viên ICC từ chối bình luận về việc Seif al-Islam ứng cử vì đây là vấn đề chính trị.

Có quan hệ sâu rộng với các bộ tộc trên khắp Libya, Seif al-Islam là ứng viên nổi bật đầu tiên nộp đơn ứng cử vào vị trí lãnh đạo cao nhất. Một số gương mặt tiềm năng khác là Tư lệnh quân đội Khalifa Hifter, Chủ tịch Quốc hội Agila Saleh và cựu Bộ trưởng Nội vụ Fathi Bashaga.

Chiến dịch tranh cử của Seif al-Islam có thể tập trung vào thất bại của các chính đảng và nhóm vũ trang trong việc thành lập một chính phủ có khả năng ổn định và đoàn kết đất nước kể từ khi họ thực hiện cuộc nổi dậy và giết chết cha ông. Tuy nhiên, Seif al-Islam có thể đối mặt với sự phản đối của các nhóm vũ trang và dân quân, nhất là ở thủ đô Tripoli và thị trấn Misrata.

Abdel-Rahman el-Swahili, một luật sư ở Misrata, lên tiếng phản đối Seif al-Islam ứng cử vì cho rằng con trai của Gadhafi phải bị truy tố chứ không phải chạy đua trở thành tổng thống. Một nhóm cao niên và thủ lĩnh dân quân ở thị trấn Zawiya tuyên bố phản đối Seif al-Islam và Hifter ứng cử, cảnh báo nguy cơ nội chiến quay lại. Họ doạ sẽ đóng cửa các điểm bỏ phiếu nếu tên hai người này nằm trong danh sách ứng viên.

Cuộc bầu cử tổng thống của Libya dự kiến diễn ra vào ngày 24/12, sau nỗ lực nhiều năm do Liên Hợp Quốc dẫn dắt để kết thúc nội chiến và tạo ra một tương lai dân chủ ở quốc gia này. Sau khi Gadhafi bị lật đổ, quốc gia giàu tài nguyên dầu mỏ Libya bước sang thập kỷ nội chiến và chia rẽ giữa các chính quyền đối lập ở thủ đô Tripoli và các nơi khác.

Gadhafi có 8 người con, hầu hết nắm giữ vị trí cao trong chính quyền hồi ông đương nhiệm. Một người con trai của ông là Muatassim bị giết cùng lúc Gadhafi bị bắt, đánh đập và giết chết. Hai người con trai khác bị giết trước đó. Một người con trai khác là al-Saadi Gadhafi vừa được tha tù vào tháng 9 vừa qua, sau khi bị nước láng giềng Niger trục xuất và bị giam hơn 7 năm bị giam ở Tripoli.

Theo AP
MỚI - NÓNG
'Mốc son chói lọi trong sự nghiệp cách mạng hào hùng của Hà Nội và đất nước'
'Mốc son chói lọi trong sự nghiệp cách mạng hào hùng của Hà Nội và đất nước'
TPO - Theo ông Nguyễn Xuân Thắng - Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận T.Ư, ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954) đã đi vào lịch sử như một mốc son chói lọi trong sự nghiệp cách mạng hào hùng của Hà Nội và đất nước; trở thành biểu tượng của lòng yêu nước quả cảm, sức mạnh phi thường, mong muốn hoà bình và khát vọng cháy bỏng giành lại nền độc lập của nhân dân Việt Nam.