Khi “chàng” đã… 55 tuổi

Khi “chàng” đã… 55 tuổi
TPO - Người bạn đi chiến trường miền Nam kể rằng khi hành quân dưới bom đạn, đương đầu với cái chết bất kỳ lúc nào nhưng anh vẫn cắt vài bài báo trên Tiền phong cất vào ba lô và coi đó là niềm tin vào chiến thắng và ngày mai sum họp.

Không phải tờ báo nào cũng có được chỗ đứng trong lòng bạn đọc giữa ranh giới sống và chết như thế.

Ai từng đi du học ở Liên Xô hay Đông Âu những năm 1970 sẽ hiểu tờ Tiền phong có vai trò lớn trong sinh hoạt của tuổi trẻ thời đó như thế nào. Báo ra tháng 10 ở Hà nội thì tới tháng 11 mới đến được nước bạn.

Khu ký túc xá gần 100 thanh niên được Sứ quán phân cho một tờ Tiền phong. Anh trưởng đoàn được duyệt trước, sau đó truyền tay nhau. Đến người cuối cùng tờ báo đã rách. Họp đoàn lưu học sinh bao giờ cũng có mục đọc báo tập thể. Đám sinh viên lấy báo Pravda để làm “mâm cơm” nhưng không ai dám dùng tờ Tiền phong. Đó là báu vật và niềm tin của đám sinh viên trẻ du học xa nhà.

Tiền phong đã có thương hiệu với hàng triệu độc giả trung thành và tiếp tục giữ được “tiền phong” không phải dễ dàng. 

Đất nước thống nhất, bạn trẻ cả nước có thêm tờ Tuổi trẻ và sau đó là Thanh Niên. Bây giờ đứng trước quầy báo có ba tờ Tiền Phong, Tuổi trẻ và Thanh niên mà số tiền chỉ đủ mua một tờ, bạn đọc chọn ai đây? Bookmark tờ nào trong trang internet hàng ngày? Tờ online nào được giới trẻ giữ làm “trang nhà – home page” trên máy tính?

Đó chính là bài toán hóc búa trong thời internet và hội nhập.

Sống trong thế giới phẳng, mảnh đất thông tin vô cùng phong phú. Độc giả trẻ tuổi vốn ít kiên nhẫn sẵn sàng bỏ tin này nhảy cóc sang tin khác. Để độc khán giả đừng nhấp chuột bỏ qua hay chuyển kênh tivi là thách thức lớn của truyền thông hiện đại.

Gần đây, bạn Nguyễn Ngọc Hà, cao học báo chí tại Ohio University, trao đổi với VietnamNet đã nói rất thú vị “Mỗi tờ báo phải lấp một chỗ trống”. Nhiều tờ báo đang cùng lấp một hố, ai nhiều “đất” (nhiều lượng tin hơn) sẽ thắng. Chỉ trích dẫn tin của nhau, bạn đọc mua một tờ là đủ. Ai mang lại sự khác biệt sẽ là người đi đầu trong cuộc chơi. 

Mấy chục năm trước, một vị cao niên (cụ Nguyễn Khắc Viện thì phải) góp ý, Bí thư Trung ương Đoàn nên đi xe máy đến dự đại hội đoàn thay vì đi xe Volga bóng loáng. Đại loại, anh ta phải trẻ khỏe mới nên lãnh đạo thanh niên. Ngoài trẻ khỏe cần có bản lĩnh chính trị và tri thức cập nhật của thời đại.

Ý tưởng Tiền phong nên “đi xe máy” trong thời đại internet vẫn còn nguyên giá trị. Thậm chí, tờ báo phải dùng công nghệ “tên lửa” may ra mới lôi kéo được lớp độc giả trẻ mê xe hơi hay máy tính. 

Bài báo nào được bạn đọc save a copy (lưu lại một bản) nghĩa là tờ báo có chỗ đứng như nó đã từng nằm trong ba lô của người lính xung trận năm xưa. Đó chính là thách thức của “chàng” Tiền Phong 55 tuổi.

Với kinh nghiệm nửa thập kỷ và lòng tin yêu sẵn có của hàng triệu bạn đọc, tôi tin Tiền Phong sẽ tiếp tục xứng đáng như chính tên tờ báo.

MỚI - NÓNG