Tại Hội nghị quốc tế “Tương lai châu Á” lần thứ 20 với chủ đề “Châu Á cất cánh - Thông điệp cho 20 năm tới” tổ chức tại Tokyo, Nhật Bản ngày 22/5, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã có bài phát biểu nhận định nhiều quốc gia châu Á đã đạt được bước tiến nhảy vọt về phát triển kinh tế-xã hội, tạo nên “sự thần kỳ châu Á”.
Phó Thủ tướng khẳng định: “Là một quốc gia đã phải chịu đựng nhiều đau thương mất mát do chiến tranh gây ra, khao khát hòa bình của chúng tôi luôn cháy bỏng. Việt Nam luôn mong muốn và nỗ lực hết sức để xây dựng và duy trì hoà bình”.
Báo điện tử Tiền Phong đăng toàn văn phát biểu của Phó Thủ tướng.
****
Thưa các Ngài Thủ tướng,
Thưa Quý vị đại biểu,
Trước hết xin cám ơn Ban Tổ chức đã mời tôi tham dự và phát biểu tại diễn đàn đối thoại chính sách uy tín của châu lục. Hội nghị lần này diễn ra trong bối cảnh hòa bình, hợp tác phát triển vẫn là xu thế chủ đạo trên thế giới nhưng an ninh chính trị ở nhiều nơi diễn biến phức tạp. Khu vực châu Á tiếp tục phát triển năng động nhưng còn nhiều khó khăn và tiềm ẩn rủi ro.
Thưa Quý vị,
Nhìn lại lịch sử phát triển hàng ngàn năm, Châu Á đã từng là cái nôi của văn minh nhân loại và đã trải qua nhiều chiến tranh, xung đột. Sự đa dạng về văn hoá, sắc tộc, tôn giáo, chính trị, trình độ phát triển của các nước Châu Á là cơ hội phát triển nhưng đồng thời cũng đặt ra không ít thách thức.
Từ cuối của thế kỷ XX, nhiều quốc gia Châu Á đã có bước nhảy vọt về phát triển kinh tế - xã hội, tạo nên “sự thần kỳ Châu Á”. Kinh nghiệm cho thấy đổi mới thể chế kinh tế là một động lực phát triển của nhiều quốc gia và tương lai của Châu Á đòi hỏi phải đổi mới để phát triển. Nhiều quốc gia Châu Á đang phải đối mặt với vấn đề phát triển bền vững, nhất là về chất lượng tăng trưởng, hài hòa giữa các vùng miền, khoảng cách giàu nghèo, sự phù hợp giữa phát triển kinh tế với văn hóa - xã hội, môi trường. Châu Á và thế giới vẫn phải tiếp tục đối mặt với thách thức trong giải quyết các vấn đề xuyên quốc gia, như bệnh dịch, thiên tai, đối phó với những vấn đề đe dọa tới môi trường hòa bình, hợp tác và phát triển.
Bên cạnh nỗ lực của mỗi quốc gia thì sự tăng cường gắn kết giữa các quốc gia có ý nghĩa hết sức quan trọng Tôi xin nhấn mạnh những điểm sau:
Thứ nhất, về gắn kết môi trường chính sách
Khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu vừa qua cho thấy tất cả các nền kinh tế đều phải tăng cường khả năng đề kháng và tính bền vững. Vấn đề là không thể thực hiện yêu cầu này bằng cách “đóng cửa” mà ngược lại phải “mở thêm”. Cần tiếp tục quá trình hội nhập, đi đôi với tăng cường gắn kết giữa các quốc gia để bảo đảm phân bổ và sử dụng nguồn lực hiệu quả hơn.
Việc gắn kết chính sách theo hướng mở hơn sẽ thúc đẩy đưa vốn, công nghệ tới các nước đang phát triển, đồng thời mở rộng thị trường và không gian phát triển cho các nước phát triển. Xu thế hình thành các hiệp định FTA khu vực và liên khu vực như Hiệp định TPP, RCEP, các hiệp định thương mại đầu tư giữa ASEAN và đối tác là hướng đi phù hợp, góp phần thúc đẩy hơn nữa quá trình liên kết kinh tế trong khu vực Châu Á của chúng ta và giữa Châu Á với toàn cầu. Với tinh thần này, Việt Nam đang tham gia tích cực vào đàm phán TPP và các FTA khác.
Thứ hai, về gắn kết hạ tầng giao thông
Đây là chủ đề quan trọng đã được thảo luận tại nhiều diễn đàn khu vực. Những nỗ lực hợp tác trong đó có Kế hoạch tổng thể về kết nối ASEAN và các dự án trong khuôn khổ Chương trình Hợp tác kinh tế khu vực Trung Á (CAREC) và Hợp tác tiểu vùng Nam Á (SAREC) đã đem lại kết quả tích cực.
Dù các quốc gia trong khu vực đã nỗ lực rất nhiều những đến nay vẫn tồn tại nhiều “nút thắt” cũng như những mắt xích còn thiếu ở cả giao thông đường bộ, đường sắt, đường biển cũng như đường hàng không. Để tăng cường gắn kết và phát huy vai trò của hệ thống kết cấu hạ tầng, các quốc gia cần tăng cường hợp tác, thực hiện các giải pháp nhằm tăng cường hợp tác công tư. Đồng thời, cần tăng cường phối hợp giải quyết những vấn đề liên quan đến chính sách, thủ tục nhằm mở rộng và phát huy hiệu quả các tuyến giao thông hiện có giữa các nước.
Thứ ba, về gắn kết phát triển, tăng cường chuyển giao khoa học công nghệ
Có thể nói đây là nhân tố mang tính quyết định.
Kinh nghiệm của nhiều nước cho thấy các nước đang phát triển cần phải tăng cường đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (R&D); tham gia sâu vào mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu; thúc đẩy đầu tư rủi ro cao (venture capital) cho công nghệ mới; và đặc biệt là phát huy cao độ sáng tạo cá nhân.
Tôi xin kể một câu chuyện: ở Việt Nam, hầu như mọi người đều biết Thần Đèn Hai Lũy, một người nông dân đã mày mò để di dời một ngôi nhà mới xây dựng khỏi phải phá dỡ khi làm đường. Nhờ quyết tâm và sáng tạo, việc di chuyển ít người trước đó đã thành công. Nhiều ngôi nhà, ngôi chùa thậm chí tòa nhà sau đó đã được di dời. Thần Đèn được coi như là ông tổ của nghề mới này.
Ở các nước phát triển, hầu hết các phát minh, sáng chế đều có thể nhanh chóng đưa vào ứng dụng sản xuất. Tuy nhiên, nhiều nước đang phát triển không có điều kiện thuận lợi như vậy.
Tôi xin kể một câu chuyện về một người nông dân khác ở Việt Nam, đã chế tạo ra được một chiếc trực thăng để phun thuốc cho cánh đồng của mình. Không có quy định nào cấm sử dụng, nhưng cũng không có gì đảm bảo độ an toàn nên chiếc trực thăng đó chưa được phép bay. Hai trong số những chiếc trực thăng do “Nhà sáng chế nông dân” này chế tạo được đặt ở Bảo tàng tại Mỹ và Hàn Quốc.
Tôi cũng muốn nhấn mạnh đến yêu cầu hợp tác khu vực trong chuyển giao khoa học công nghệ phục vụ cho chuyển đổi mô hình tăng trưởng xanh. Thực tế là các nước đang phát triển có tiềm lực tài chính yếu trong khi công nghệ xanh, sạch cần đầu tư lớn hơn. Vì vậy, chúng ta rất cần có sự phối hợp quốc tế nhằm tạo môi trường thuận lợi cho chuyển giao công nghệ, bảo đảm sự cân bằng lợi ích giữa bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và chia sẻ tri thức cho các nước nghèo, người nghèo.
Sẽ là sai lầm nếu không đề cập đến công nghệ thông tin và viễn thông (ICT) là nhân tố làm nên sự thay đổi kỳ diệu và mang lại những cơ hội to lớn cho phát triển kinh tế - xã hội. Internet đã giúp người dân ở các nước nghèo tiếp cận được với thế giới.
Với tôi, một trải nghiệm rất khó quên là được thấy những khuôn mặt trẻ thơ ngỡ ngàng và rạng rỡ trong các lớp học nhỏ ở miền núi lần đầu tiên khám phá thế giới rộng lớn qua Internet.
Vấn đề an ninh mạng càng ngày càng phức tạp với nguy cơ tấn công mạng ngày càng lớn đòi hỏi cần có sự hợp tác chặt chẽ hơn nữa giữa các quốc gia. Chúng ta cần có thái độ dứt khoát với mọi ý đồ, hành động sử dụng công cụ mạng như một vũ khí tấn công gây thiệt hại cho các cá nhân, tổ chức, nền kinh tế, và thậm chí là toàn xã hội.
Thứ tư, về tăng cường gắn kết phát triển nguồn nhân lực
Quá trình hội nhập quốc tế đã dẫn đến sự hình thành của các chuỗi giá trị toàn cầu, tạo ra cơ hội mới cho người lao động. Một người lao động tại một nước đang phát triển có thể tham gia vào quy trình sản xuất toàn cầu các thiết bị tối tân mà vẫn được sống trong ngôi nhà nhỏ tại làng mình. Để thực hiện được điều này, nhân tố quyết định là đào tạo người nông dân có thói quen sản xuất manh mún trở thành người công nhân có kỹ năng trong môi trường sản xuất công nghiệp. Các quốc gia cần tăng cường hợp tác và đầu tư trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, đặc biệt là đào tạo nghề.
Châu Á chiếm khoảng 60% dân số thế giới, có nguồn lao động dồi dào, trong đó khoảng 40% là ở khu vực nông thôn. Họ phải lao động vất vả, cuộc sống phụ thuộc nhiều vào điều kiện thời tiết, nếu được trang bị kỹ năng, nghề nghiệp mới sẽ mở ra cho họ cơ hội mới, góp phần cải thiện cuộc sống, đảm bảo công bằng và an toàn xã hội.
Chắc nhiều người trong số chúng ta có thể ưu thích món cá basa và biết rằng vùng đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam, xuất khẩu hàng trăm nghìn tấn cá basa ra nhiều nước,ở đó người nông dân “sống cùng cá”. Nhưng có lẽ không nhiều người biết rằng chỉ cần một quyết định về thuế hay phí ở một quốc gia xa xôi nào đó có thể khiến rất nhiều nông dân phá sản, trở lại cảnh nghèo đói.
Năm, tăng cường gắn kết trong bảo vệ môi trường
Mặc dù đã đạt được thành tích ấn tượng về tăng trưởng nhanh trong nhưng nhiều quốc gia Châu Á đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên. Dưới sức ép phát triển nhanh nên các nước đang phát triển dễ rơi vào vòng xoáy hy sinh môi trường cho tăng trưởng. Không chỉ riêng các nước này mà lâu dài cả khu vực và thế giới phải gánh chịu hậu quả. Như các châu lục khác, Châu Á cũng đang phải đối mặt với các thách thức do biến đổi khí hậu. Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nhất của nước biển dâng. Theo một số dự báo, sang thế kỷ sau, chúng tôi có thể mất 40% diện tích Đồng bằng sông Cửu Long nơi hiện cung cấp 1/5 tổng lượng gạo xuất khẩu của thế giới và cuộc sống của hàng chục triệu người dân sẽ bị ảnh hưởng.
Việc tìm hướng đi mới tiến đến cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển xã hội và bảo vệ môi trường là yêu cầu cấp thiết. Vấn đề là không một quốc gia nào có đủ sức để một mình giải quyết. Do vậy, chúng tôi mong muốn các quốc gia tích cực hơn nữa trong hợp tác tìm kiếm giải pháp lâu dài trên cơ sở bảo đảm hài hòa lợi ích. Tôi cũng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của hợp tác trong thực hiện các thoả thuận toàn cầu, khu vực và song phương về khí thải, khí nhà kính, bảo vệ nguồn nước các dòng sông v.v...
Để phát triển bền vững, trên hết Châu Á cần một môi trường hoà bình và ổn định. Sự vươn lên của nhiều nước Châu Á trong những thập kỷ qua gắn liền với một giai đoạn hoà bình và ổn định. Ngày nay, sự tùy thuộc và ảnh hưởng lẫn nhau giữa các quốc gia ngày càng lớn.
Chúng ta đều biết rằng Biển Đông có vị trí địa kinh tế chiến lược, nằm trên tuyến đường thương mại quan trọng hàng đầu của thế giới, với 25% tổng khối lượng hàng hoá, 1/3 lượng dầu thô và 1/2 khí hoá lỏng của thế giới đi qua khu vực này.
Gần đây, hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông bị đe dọa nghiêm trọng, gây quan ngại sâu sắc trong khu vực và thế giới. Từ đầu tháng 5 vừa qua, Trung Quốc đã ngang nhiên hạ đặt giàn khoan nước sâu được hộ tống bởi nhiều tàu vũ trang, tàu quân sự và máy bay sâu trong Thềm lục địa và vùng Đặc quyền Kinh tế của Việt Nam. Tôi xin nói rõ thêm rằng Hoàng Sa là thuộc chủ quyền của Việt Nam và Trung Quốc đã dùng vũ lực đánh chiếm vào năm 1974.
Đây là sự vi phạm đặc biệt nghiêm trọng Luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) và Tuyên bố về Ứng xử của các Bên trên Biển Đông (DOC) giữa các nước ASEAN và Trung Quốc.
Việt Nam tha thiết hòa bình. Chúng tôi đã hết sức kiềm chế, chân thành bày tỏ thiện chí, sử dụng mọi kênh đối thoại để yêu cầu Trung Quốc rút ngay giàn khoan và các tàu vũ trang, tàu quân sự hộ tống ra khỏi vùng biển của Việt Nam. Tuy nhiên, đến nay Trung Quốc không những không đáp ứng yêu cầu chính đáng của Việt Nam mà còn tiếp tục dùng sức mạnh một cách ngày càng nghiêm trọng và nguy hiểm hơn.
Việt Nam luôn rất coi trọng và làm hết sức mình để tăng cường quan hệ hữu nghị với Trung Quốc. Tuy nhiên, chúng tôi cực lực phản đối mọi hành vi xâm phạm chủ quyền lãnh thổ của mình. Chúng tôi kiên quyết thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo vệ chủ quyền quốc gia, lợi ích chính đáng của mình, phù hợp với luật pháp quốc tế. Việt Nam cũng luôn chân thành mong muốn giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình nhằm bảo vệ hòa bình, ổn định trong khu vực.
Cộng đồng quốc tế đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về hậu quả của những hành động mà Trung Quốc gây ra. Các Hội nghị Bộ trưởng ASEAN và Chủ tịch của Hội nghị Cấp cao ASEAN đã ra các Tuyên bố về tình hình nghiêm trọng ở Biển Đông. Điều này thể hiện rõ sự đoàn kết, vai trò và trách nhiệm của ASEAN đối với hòa bình, ổn định và an ninh của khu vực.
Nhân dịp này, tôi chân thành cám ơn các quốc gia, các tổ chức và cá nhân đã ủng hộ lập trường đúng đắn của Việt Nam. Chúng tôi kêu gọi các bạn tiếp tục ủng hộ chúng tôi nhằm bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải trên Biển Đông.
Vừa qua, nhân dân Việt Nam đã phản đối mạnh mẽ Trung Quốc đã có hành vi xâm phạm chủ quyền của Việt Nam tại Biển Đông. Ở một số địa phương của Việt Nam, một số người lợi dụng biểu tình hợp pháp để phá hoại tài sản của các doanh nghiệp trong đó có các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và có hành động chống lại người thi hành công vụ, vi phạm luật pháp của Việt Nam. Chính phủ Việt Nam đã tiến hành các biện pháp cần thiết nhằm ngăn chặn không để tái diễn và khởi tố các cá nhân liên quan. Chúng tôi cam kết hỗ trợ thích hợp cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nhằm khôi phục và tiếp tục hoạt động sản xuất kinh doanh. Hầu hết các doanh nghiệp đã trở lại hoạt động bình thường. Chúng tôi cam kết tiếp tục thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế và sử dụng các biện pháp cần thiết để bảo đảm an toàn và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các doanh nghiệp và cá nhân nước ngoài tại Việt Nam.
Thưa quý vị,
Mặc dù đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhưng nếu luật pháp, tập quán quốc tế và các cam kết khu vực được tôn trọng đầy đủ và trách nhiệm được chia sẻ, thì chắc chắn tương lai Châu Á tươi sáng.
ASEAN, từng một thời bị chia rẽ sâu sắc bởi chiến tranh, nay đã thành ngôi nhà chung cho tất cả các quốc gia Đông Nam Á. Chiến tranh luôn để lại những dấu ấn buồn đau trong quan hệ giữa các nước. Tuy nhiên, nhiều nước đến nay đã trở thành đối tác chiến lược và bạn tốt của nhau. Quan hệ Việt Nam- Nhật Bản là một ví dụ điển hình.
Tôi xin kể một câu chuyện tại một huyện miền núi ở Việt Nam, sau thảm họa động đất sóng thần tại Nhật Bản, một người phụ nữ chân đất đã đi bộ hàng chục km để đóng góp một khoản tương đương hơn 02 đô la Mỹ để ủng hộ cho người dân Nhật Bản. Khi được hỏi tại sao, người phụ nữ trả lời“Tôi không biết nước Nhật ở đâu, tôi chỉ biết Nhật Bản đã xây dựng ngôi trường cho con tôi học”.
Hợp tác giữa hai bên trong mọi lĩnh vực không chỉ đem lại lợi ích vật chất đối với hai nước mà còn củng cố tình hữu nghị thực sự gắn bó giữa nhân dân hai nước. Mối quan hệ tốt đẹp này không phải được xây dựng trên sự tương đồng nào đó mà là sự tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau, sự chân thành, lòng tin và hơn cả là sự tôn trọng chủ quyền quốc gia, luật pháp quốc tế và tập quán quốc tế.
Những làng quê Việt Nam, có nhà to, nhà nhỏ, có người nghèo, người khá hơn. Mỗi gia đình đều có những điểm riêng, cũng có khi có bất đồng, thậm chí tranh chấp nhưng khi cùng ngồi lại với nhau bàn bạc thì giải quyết được vấn đề. Trên hết là mọi người phải tuân thủ pháp luật Nhà nước cũng như hương ước của làng. Trường hợp xấu nhất, người ta có thể chuyển nhà đi nơi khác. Tuy nhiên, đối với các quốc gia thì điều này là không thể. Chính vì vậy, luật pháp quốc tế và tập quán quốc tế càng nhất thiết phải được tuyệt đối tuân thủ.
Một thế giới hoà bình, hợp tác và thịnh vượng là nguyện vọng của mọi quốc gia, mọi dân tộc. Tương lai sẽ phụ thuộc vào các quyết sách của hiện tại. Chúng tôi mong tất cả các quốc gia sẽ hành động với sự chân thành để thúc đẩy hợp tác trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau, với lòng tin và tuân thủ luật pháp quốc tế.
Là một quốc gia đã phải chịu đựng nhiều đau thương mất mát do chiến tranh gây ra, khao khát hòa bình của chúng tôi luôn cháy bỏng. Việt Nam luôn mong muốn và nỗ lực hết sức để xây dựng và duy trì hoà bình. Chúng tôi hoan nghênh và ủng hộ mọi nỗ lực, sáng kiến đóng góp chung cho hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển.
Chúc các Quý vị sức khoẻ và hạnh phúc,
Chúc Hội nghị thành công tốt đẹp!
Cảm ơn quý vị đã lắng nghe.