Sáng 16/1, tại xã Tây Phú (huyện Tây Sơn), tỉnh Bình Định tổ chức lễ khánh thành Đền thờ Đại Tư đồ Võ Văn Dũng.
Ông Tạ Xuân Chánh – Giám đốc Sở VH&TT tỉnh Bình Định cho hay sau gần 14 tháng thi công đến nay cơ bản hoàn thành các hạng mục theo thiết kế được duyệt.
Công trình Đền thờ Đại Tư đồ Võ Văn Dũng do Sở VH&TT tỉnh Bình Định làm chủ đầu tư, được khởi công xây dựng vào ngày 21/10/2021. Công trình tọa lại tại thôn Phú Lâm, xã Tây Phú, huyện Tây Sơn (Bình Định).
Theo ông Chánh, quá trình thi công gặp nhiều khó khăn do đặc thù về kiến trúc, mỹ thuật, khó khăn về mặt bằng thi công và giải phóng mặt bằng.
Cụ thể, điều chỉnh bố cục quy mô các hạng mục để đảm bảo hài hòa cảnh quan. Điều chỉnh mở rộng giữ lại toàn bộ cánh rừng keo, rừng tự nhiên phía sau và 2 bên đền thờ, nhằm tạo bình phong, cảnh quan tôn nghiêm cho đền thờ. Đặc biệt là chống sạt lở sườn núi có độ dốc rất lớn nằm phía sau đền thờ chính.
Công trình Đến thờ Đại tư đồ Võ Văn Dũng. Ảnh: Trương Định. |
Công trình xây dựng trên khu đất rộng hơn 12 hecta, gồm các hạng mục như sân đậu xe, tường rào, cổng tham quan, sân đón, nhà quản lý, nhà diễn võ, nhà bia, sân hành lễ, đền thờ, đường nội bộ… Nguồn kinh phí đầu tư hơn 15 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách và các nguồn xã hội hóa.
Lãnh đạo tỉnh Bình Định cắt băng khánh thành đền thờ Đại Tư đồ Võ Văn Dũng. Ảnh: Trương Định. |
Tại lễ khánh thành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Lâm Hải Giang đề nghị Sở VH&TT, các nhà thầu tiếp tục hoàn thiện một số công việc còn dở dang, tổ chức bàn giao về cho huyện Tây Sơn quản lý, khai thác và phục vụ người dân.
Ông Giang cũng yêu cầu UBND huyện Tây Sơn phối hợp tổ chức tiếp nhận, giao cho các đơn vị tập trung thực hiện tốt việc quản lý, giữ gìn và phát huy giá trị của công trình.
Đại Tư đồ Võ Văn Dũng sinh trưởng tại thôn Phú Lộc, huyện Tuy Viễn, phủ Quy Nhơn (nay là thôn Phú Mỹ, xã Tây Phú, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định). Ông là võ tướng kiệt xuất của Nhà Tây Sơn.
Sự nghiệp của Đại Tư đồ Võ Văn Dũng gắn liền với phong trào Tây Sơn. Năm 1771 - 1785, ông tham gia cùng quân Tây Sơn giải phóng Phủ thành Quy Nhơn, bốn lần vào Gia Định dẹp loạn chúa Nguyễn ở Đàng Trong và đánh tan hơn 5 vạn liên quân Xiêm trong trận Rạch Gầm - Xoài Mút. Năm 1786, ông cùng Nguyễn Huệ tiến quân ra Bắc lật đổ chúa Trịnh, xóa bỏ ranh giới sông Gianh chia cắt đất nước trên 200 năm.
Năm 1789, sau chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa, ông được Hoàng đế Quang Trung cử đi sứ, thiết lập bang giao hòa hiếu với nhà Thanh; năm 1791, giữ chức Chiêu viễn Đại Đô đốc, tước Võ Quốc công. Năm 1795, vua Cảnh Thịnh phong ông chức Đại Tư đồ. Năm 1800-1801, ông cùng với Thiếu phó Trần Quang Diệu chỉ huy quân Tây Sơn bao vây và đánh lấy lại thành Bình Định từ quân Nguyễn.
Võ Văn Dũng là một trong "Thất hổ tướng", "Tứ trụ đại thần" của triều Tây Sơn, ông được sự ngưỡng mộ và đầy lòng tôn kính của nhân dân. Sau khi ông mất, con cháu thờ phụng ông tại Từ đường họ Võ ở thôn Phú Mỹ, xã Tây Phú, huyện Tây Sơn. Hàng năm, cứ đến ngày mùng 8 tháng 2 âm lịch bà con họ Võ cùng chính quyền địa phương tề tựu tại Từ đường tổ chức lễ kỷ niệm ngày mất của ông.
Từ đường Võ Văn Dũng được Bộ Văn hóa (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia.