Khan vắc-xin dịch vụ: Doanh nghiệp 'đục nước béo cò'?

Tiêm vắc-xin phòng bệnh cho trẻ tại trung tâm y tế dự phòng số 70 Nguyễn Chí Thanh - Hà Nội. Ảnh: Ngọc Châu.
Tiêm vắc-xin phòng bệnh cho trẻ tại trung tâm y tế dự phòng số 70 Nguyễn Chí Thanh - Hà Nội. Ảnh: Ngọc Châu.
TP - Một số đơn vị nhập khẩu và thực hiện tiêm vắc-xin dịch vụ cũng như đưa người ra nước ngoài tiêm vắc-xin này yêu sách về giá để đẩy giá vắc-xin dịch vụ lên cao.

Vắc-xin phối hợp “5 trong 1” và “6 trong 1” có tỷ lệ tai biến thấp, được không ít phụ huynh có tiền lựa chọn tiêm cho con em mình. Tuy nhiên, hầu như lúc nào vắc-xin dịch vụ “5 trong 1” Pantaxim và “6 trong 1” Infanrix Hexa cũng trong tình trạng khan hàng. Cơ quan quản lý y tế đưa ra lý do là nhà sản xuất ngừng cung cấp hoặc doanh nghiệp nhập về không tiêu thụ được nên họ quay lưng.

Thực chất của vấn đề khan hàng

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của Tiền Phong, Việt Nam hiện có 18 doanh nghiệp kinh doanh, nhập khẩu vắc-xin dịch vụ, nhưng hai năm, một số đơn vị này viện lý do giá nhập về bị kiểm soát nên nhập nhỏ giọt để “găm hàng” đẩy giá.

Giám đốc một doanh nghiệp nhập khẩu vắc-xin ở Hà Nội nói rằng, ở thời điểm hiện tại nếu một liều vắc-xin dịch vụ bán ra ở mức 950.000 đồng, tức là sau khi trừ hết chi phí, phía doanh nghiệp được lợi 10% là chấp nhận được. “Nếu với mức lợi nhuận như vậy, chúng tôi sẵn sàng nhập về hàng trăm ngàn liều thì làm sao khan vắc-xin dịch vụ được”, người này nói. Lý do mà giám đốc công ty này đưa ra là hiện tại, giá nhập khẩu vắc-xin dịch vụ “5 trong 1” bao gồm cả thuế về Việt Nam đã lên 602.963 đồng/liều.

“Vắc-xin là ngành hàng kinh doanh đặc biệt, đòi hỏi các chi phí cho công tác bảo quản, vận chuyển với nhiều thiết bị chuyên dùng... Tuy nhiên, cơ quan quản lý chỉ cho phép bán theo giá đăng ký là 620.000 đồng/liều khiến cho các doanh nghiệp nhập khẩu vắc-xin không mấy mặn mà”, người này nói và cho rằng “đó là nguyên nhân dẫn đến khan hàng, chứ không phải nhà sản xuất ngưng cung cấp”.

Theo tìm hiểu của Tiền Phong, các đơn vị này lấy lý do khan hàng để phân phối lại vắc-xin dịch vụ này cho hệ thống phòng khám, bệnh viện tư tiêm chủng dịch vụ với giá lên tới hàng triệu đồng/liều. Vào thời điểm có vắc-xin dịch vụ, tại TPHCM, nhiều phòng khám trong nước và quốc tế đã đẩy giá vắc-xin này lên 2-3 triệu đồng/liều. Họ lấy lý do “không có hàng” hoặc “nhà phân phối cung cấp vắc-xin giá cao” để “chặt chém” người dân.

Được biết giá tiêm dịch vụ vắc-xin “5 trong 1” Pentaxim tại Hong Kong và Singapore, Malaysia, Thái Lan chỉ dao động ở mức 100 USD bao gồm cả tiền khám, tư vấn cũng như thuốc tiêm. Với giá này, giá tiêm vắc-xin dịch vụ ở các nước còn rẻ hơn cả tại Việt Nam.

Một số trang Facebook nói vắc-xin tiêm chủng mở rộng Quinvaxem là “thủ phạm gây tử vong cho trẻ” gây hoang mang dư luận. Bắt nguồn từ thông tin này, các doanh nghiệp làm dịch vụ đưa người ra nước ngoài để tiêm vắc-xin dịch vụ.

Giám đốc một công ty chuyên đưa người ra nước ngoài chữa bệnh và tiêm vắc-xin tại TPHCM nói: “Từ đầu năm đến nay đã đưa ít nhất vài nghìn người qua Campuchia và Singapore chích ngừa vắc-xin “5 trong 1” và “6 trong 1” sau khi trong nước nói chưa biết khi nào vắc-xin này được nhập về”. Thậm chí, một số cơ sở có phòng tiêm vắc-xin tại TPHCM còn sang Campuchia mở phòng tiêm để nhập về hàng trăm nghìn liều vắc-xin từ Singapore và Hong Kong tiêm cho người Việt. “Đa số phòng tiêm đều nằm ở khu vực giáp ranh với Tây Ninh nên thu hút khá nhiều người dân sang đây tiêm dịch vụ”, ông Nguyễn Văn Lang, một người chuyên làm dịch vụ đưa người sang đây tiêm ngừa, nói.

Ông Nguyễn Văn Kính, chuyên gia về kinh tế y tế ở TPHCM, nói việc người dân bỏ tiền tiêm vắc-xin dịch vụ là nhu cầu cần thiết của họ. Tuy nhiên, nếu Nhà nước không quản lý về giá, không kiểm tra hệ thống lưu thông phân phối cũng như cơ sở phòng tiêm đủ điều kiện, xác định về xuất xứ vắc-xin tiêu chuẩn và chất lượng thì nguy cơ người dân tiêm vắc-xin “xách tay” là rất lớn. “Đây cũng là mối lo ngại cho người dân”, ông Kính nói. 

Khan vắc-xin dịch vụ: Doanh nghiệp 'đục nước béo cò'? ảnh 1

Trẻ đến tiêm vắc-xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng tại Viện Pasteur TPHCM. Ảnh: Quốc Ngọc.

Giải oan cho Quinvaxem

Trao đổi với Tiền Phong, bác sĩ Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa nhiễm thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM, cho rằng, về nguyên tắc, dù sử dụng vắc-xin gì, đắt rẻ cỡ nào, ở bất kỳ đâu trên thế giới, nước giàu hay nghèo, vấn đề sốc phản vệ là không thể tránh khỏi. “Tuy nhiên, trong cả triệu liều vắc-xin mới có trường hợp sốc phản vệ. Nhưng trong y khoa, nếu chỉ sốc phản vệ đơn thuần thôi thì rất khó gây tử vong. Vì nếu được phát hiện sốc phản vệ kịp thời, xử lý đúng, bệnh nhân sẽ phục hồi hoàn toàn”, bác sĩ Khanh nói. Phần lớn các ca tử vong sau tiêm vắc-xin là do sốc phản vệ trùng hợp ngẫu nhiên trên một người mang bệnh lý nền nào đó, nhất là tim bẩm sinh hoặc nhiễm trùng huyết…

Theo Bộ Y tế, sau 5 năm triển khai, đến nay đã có 24,9 triệu liều vắc-xin Quinvaxem được sử dụng với khoảng hơn 60 ca tử vong. Cũng theo bộ này, tỷ lệ ca phản ứng nặng sau tiêm vắc-xin Quinvaxem ở Việt Nam thấp, chỉ 4,5 ca/triệu liều so với tỷ lệ cho phép của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) là 20 ca/triệu liều.

Trong khi đó, thông tin từ chuyên gia Tô Xuân Vinh - nghiên cứu tại Viện khoa học y sinh (Singapore), loại vắc-xin dịch vụ mà nhiều người Việt Nam ưu chuộng là Infanrix Hexa “6 trong 1” do Anh sản xuất, có tác dụng ngừa 5 loại bệnh (bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm màng não/viêm phổi do vi khuẩn Hib gây ra) giống như Quinvaxem, cộng thêm ngừa bại liệt, có tỷ lệ tử vong sau tiêm còn cao hơn. Số liệu do hãng sản xuất công bố năm 2014 cho thấy, có 15 triệu mũi Infanrix Hexa đã được tiêm sau 12 năm sử dụng ở Ý, với 63 ca tử vong đột ngột trong vòng 20 ngày sau khi tiêm.

Sẽ có thêm 160.000 liều vắc-xin dịch vụ

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nói: “Việc người dân đi ra nước ngoài tiêm chủng cho trẻ là nhu cầu chính đáng trong phòng chống bệnh tật cho trẻ. Còn việc tiêm vắc-xin xách tay là tuyệt đối không được phép vì điều này vô cùng nguy hiểm”. Bộ Y tế cho biết, hiện chưa có lô vắc-xin nào chưa được kiểm định mà đã được đưa ra thị trường. Tùy từng cơ sở sẽ có cách tính giá khác nhau, nhưng về cơ bản giữa các doanh nghiệp sẽ không có sự chênh lệch lớn. Ông Long khẳng định, nếu ở đâu đó có tình trạng giá bán vắc-xin cao hơn giá trần nhiều lần thì Bộ Y tế sẽ kiểm tra và xử lý nghiêm sai phạm.

Bộ Y tế đang đàm phán với các đối tác liên quan để lô vắc-xin với khoảng 160.000 liều vắc-xin dịch vụ tổng hợp được nhập khẩu về Việt Nam trong thời gian sớm nhất. Cùng với đó là hơn 40.000 liều vắc-xin dịch vụ đang được kiểm định và dự kiến đưa vào tiêm chủng vào cuối tháng 12 này.         

 Thái Hà

MỚI - NÓNG
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
TPO - Theo ông Nguyễn Minh Tấn - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, nồng độ bụi PM10 và bụi PM2.5 trung bình ngày và năm ở Hà Nội vượt nhiều lần khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới, đồng thời ghi nhận ô nhiễm cục bộ khí NO2 và O3.