Trước hết, theo ông Được, cơ sở dữ liệu người hưởng BHXH, BH thất nghiệp và phần mềm quản lý chi trả các chế độ BHXH hằng tháng đã triển khai áp dụng trong cả nước, nhiều lần nâng cấp để đáp ứng yêu cầu quản lý. Tuy nhiên, thông tin cá nhân người hưởng trên danh sách chi trả (tức trong cơ sở dữ liệu) với hồ sơ hưởng BHXH đang lưu trữ tại BHXH Việt Nam, BHXH tỉnh, thành phố chưa trùng khớp.
Tình trạng có tên trong danh sách chi trả nhưng thiếu hoặc không có hồ sơ lưu trữ chỉ đến khi chuyển đi nơi khác mới phát hiện không đủ hoặc không có hồ sơ hưởng BHXH vẫn còn xảy ra. Phần mềm còn thiếu một số tính năng hỗ trợ quản lý tăng, giảm.
Bất cập thứ hai được ông Được chỉ ra là một số người nhận lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng nhận lương hưu qua thẻ ATM nhưng không có đầy đủ thông tin cá nhân cần thiết hoặc chưa cung cấp thông tin cá nhân cần thiết cho cơ quan chi trả BHXH. Cơ quan chi trả BHXH gặp khó khăn trong công tác nắm bắt tình hình người hưởng, đặc biệt người hưởng ở nước ngoài hay là người ủy quyền cho người khác nhận lương hưu, trợ cấp BHXH trong khi thời hạn ủy quyền không có thời hạn.
Ngoài ra, còn một bất cập khác được nguyên Trưởng ban Thực hiện chính sách BHXH chỉ ra là tình trạng người có quyết định hưởng lương hưu nhưng không nhận lương hưu vẫn còn xảy ra. Cá biệt, có trường hợp 25 năm chưa nhận lương hưu. Cùng với đó rất nhiều trường hợp chậm lĩnh lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng hoặc chưa đến nhận khoản trợ cấp BHXH một lần sau điều chỉnh chỉ số giá tiêu dùng (CPI) hằng năm.
Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng nêu trên, theo ông Điều Bá Được là bởi các quy định của pháp luật liên quan đến quản lý chi trả, quản lý người hưởng các chế độ BHXH hằng tháng chưa phù hợp với yêu cầu quản lý, còn nghiêng về tạo sự thuận lợi tối đa đối với người hưởng các chế độ BHXH.
Bên cạnh đó, cơ sở dữ liệu người hưởng BHXH nói chung và người hưởng các chế độ BHXH hằng tháng nói riêng, mặc dù đã hình thành nhưng chưa hoàn thiện, chưa đồng bộ, liên thông với các cơ sở dữ liệu khác của ngành cũng như cơ sở dữ liệu dân cư và các cơ sở dữ liệu quốc gia khác, chưa đảm bảo tính định danh duy nhất.
Vấn đề thứ ba, theo ông Được là phần mềm quản lý và chi trả BHXH, tuy đã nâng cấp nhưng chưa có đầy đủ các tính năng hỗ trợ, đáp ứng yêu cầu quản lý chi trả và quản lý người hưởng các chế độ BHXH, cũng như giải pháp ngăn ngừa việc lạm dụng của người được giao nhiệm vụ khi sử dụng phần mềm này.
Để khắc phục những hạn chế nêu trên, nguyên Trưởng ban Thực hiện chính sách BHXH cho rằng, cần triển khai đồng bộ, quyết liệt hàng loạt giải pháp. Trước hết, các cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu để có quy định phù hợp, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho người hưởng và cơ quan quản lý chi trả BHXH.
Thứ hai, cần rà soát, điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung các quy định, quy trình nghiệp vụ cũng như chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam, các phòng/bộ phận thuộc BHXH tỉnh/huyện liên quan đến công tác quản lý chi trả, quản lý người hưởng các chế độ BHXH phù hợp với các quy định, quy trình nghiệp vụ có liên quan bảo đảm liên thông, đồng bộ. Đặc biệt cần có giải pháp xử lý phù hợp đối với người không nhận lương hưu hoặc tồn đọng, chậm lĩnh lương hưu, trợ cấp BHXH kéo dài.
Bên cạnh đó, theo ông Được cần nâng cấp phần mềm quản lý và chi trả các chế độ BHXH, đặc biệt các cảnh báo hỗ trợ đáp ứng các yêu cầu quản lý khắc phục các bất cập đã nêu trên. Ngoài ra, cần tăng cường công tác tuyên truyền, kiểm tra xử lý các trường hợp vi phạm.
“Tình trạng người có quyết định hưởng lương hưu nhưng không nhận lương hưu vẫn còn xảy ra. Cá biệt, có trường hợp 25 năm chưa nhận lương hưu. Cùng với đó rất nhiều trường hợp chậm lĩnh lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng hoặc chưa đến nhận khoản trợ cấp BHXH một lần sau điều chỉnh chỉ số giá tiêu dùng (CPI) hằng năm”- ông Điều Bá Được, nguyên Trưởng ban Thực hiện chính sách BHXH (BHXH Việt Nam).