Thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao, Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam đang hoàn thiện Đề án: Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính (TTHC), thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, xây dựng cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về BHXH, bảo đảm tính kết nối, chia sẻ dữ liệu với các CSDL quốc gia có liên quan. Theo BHXH Việt Nam, trong 10 năm qua (2009-2019), ngành đã thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa 90% TTHC (giảm từ 263 thủ tục còn 28 thủ tục); giảm 60% thời gian thực hiện thủ tục (từ 335 giờ còn 147 giờ); giao dịch điện tử với các đơn vị tham gia BHXH đạt trên 90%; thực hiện kết nối hệ thống phần mềm tới gần 100% cơ sở khám chữa bệnh BHYT trên toàn quốc; thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3 - 4 cho 19/28 TTHC. Đồng thời, BHXH Việt Nam đã phát triển hệ thống phần mềm nghiệp vụ của Ngành làm cơ sở để xây dựng CSDL quốc gia về Bảo hiểm và đang thực hiện kết nối, chia sẻ với các bộ ngành, địa phương. Với những nỗ lực trên, BHXH Việt Nam hai năm liền giữ vị trí thứ 2 trong bảng xếp hạng Chỉ số sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin (Việt Nam ICT Index) dành cho các bộ ngành. BHXH Việt Nam cũng được đánh giá là “một trong những đơn vị đi đầu trong cải cách TTHC, ứng dụng công nghệ thông tin và xây dựng CSDL quốc gia BHXH”. Theo xếp hạng về môi trường kinh doanh năm 2018 của Việt Nam, chỉ số nộp thuế và BHXH tăng 36 bậc nhờ các cải cách mạnh mẽ trong lĩnh vực BHXH. Thực hiện thanh toán điện tử
Thời gian tới, BHXH Việt Nam xác định mục tiêu tiếp tục đẩy mạnh cải cách TTHC, thông qua đơn giản hóa các hồ sơ, quy trình, thủ tục gắn với ứng dụng công nghệ thông tin, chia sẻ dữ liệu. Theo đó, sẽ giảm tối thiểu 25% số TTHC với BHYT và chi trả BHXH so với năm 2018; Cắt giảm tối thiểu 20% thành phần hồ sơ; giảm hơn 20% số biểu mẫu; tiếp tục rút ngắn thời gian thực hiện TTHC lĩnh vực BHXH so với năm 2018. Các thủ tục được công bố công khai tại các điểm giao dịch BHXH, cổng thông tin điện tử, CSDL quốc gia…
Trên cơ sở đó, BHXH Việt Nam sẽ đề xuất các hành lang pháp lý cần thiết và tiến hành liên thông dữ liệu với các bộ ngành, địa phương và doanh nghiệp. Riêng với mỗi người dân, dữ liệu bảo hiểm sẽ có đầy đủ thông tin về BHXH, BHYT, BHTN. BHXH Việt Nam phấn đấu đến năm 2020 hoàn thành việc xây dựng và vận hành cơ sở dữ liệu điện tử về quản lý BHXH liên thông, hiện đại. Điều này hứa hẹn mang lại diện mạo mới cho ngành BHXH trong việc quản lý, cung cấp dịch vụ theo hướng tập trung, nhanh chóng, chính xác; hướng tới sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp, thực hiện mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội bền vững.
Theo Nghị quyết 125/NQ-CP ngày 8/10/2018 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW, Thủ tướng giao BHXH Việt Nam xây dựng trình Thủ tướng Đề án: “Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, đẩy mạnh xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về BHXH, bảo đảm tính kết nối, chia sẻ dữ liệu với các cơ sở dữ liệu quốc gia có liên quan”.