Kết thúc đợt 1 tuyển sinh: Các trường đều tuyển thiếu vì ảo

Thí sinh nộp giấy chứng nhận thi THPT Quốc gia tại TPHCM. Ảnh : N.Dũng
Thí sinh nộp giấy chứng nhận thi THPT Quốc gia tại TPHCM. Ảnh : N.Dũng
TP - Hôm qua, 19/8, chính thức kết thúc đợt 1 xét tuyển  sinh ĐH. Ghi nhận cho thấy, hầu hết các trường đều thiếu chỉ tiêu vì ảo. Đặc biệt, trường top đỉnh như ĐH Y Hà Nội năm nay cũng bị thiếu mà “không hiểu vì sao?”.

Tình cảnh 10 năm chưa gặp

Các trường khối Y dược luôn được đánh giá là các trường tốp cao và dễ tuyển sinh nhất trong khối các trường ĐH hiện nay. Nhưng năm nay, mọi chuyện không như mong đợi.

ĐH Dược Hà Nội cho biết, kết thúc đợt 1 trường tuyển được 420/600 chỉ tiêu. Tuy nhiên, trường quyết định sẽ không tuyển bổ sung. Còn tại ĐH Y Hà Nội, ông Nguyễn Đức Hinh, hiệu trưởng nhà trường cho biết, kết thúc đợt 1, trường tuyển sinh đạt 71% so với chỉ tiêu đề ra. Trong đó ngành Y đa khoa còn thiếu 50 chỉ tiêu. “Trong suốt 10 năm nay làm tuyển sinh, đây là lần đầu tiên tôi chứng kiến hiện tượng này” - ông Hinh cho hay.

“Phương thức tuyển sinh năm 2015 vẫn là khả thi hơn cả dù có một chút sự xáo trộn trong những ngày cuối. Nhưng phải chấp nhận điều đó để thí sinh cuối cùng vẫn chọn được “ô” của mình. Còn các trường, không lo ảo”.         

Hiệu trưởng ĐH Y Hà Nội               Nguyễn Đức Hinh

Theo ông Hinh, khi nhận hồ sơ, riêng ngành Y đa khoa, trường “cắt” từ mức điểm 27 có 485 hồ sơ. Nhưng khi nhận hồ sơ, trường nhận được 439 xác nhận đến học. Nếu tính cả số thí sinh tuyển thẳng thì ngành này vẫn thiếu 50 chỉ tiêu. “Trường đang xin ý kiến Bộ GD&ĐT để xem xét có tuyển bổ sung đợt tiếp theo hay không” – ông Hinh khẳng định. Tương tự, ĐH Y Thái Bình, đại diện nhà trường cho biết cũng thiếu vài trăm chỉ tiêu.

Trong khi đó, các trường khác cũng đều phải tuyển bổ sung đợt tiếp theo. ĐH Thương mại Hà Nội có tới trên 11.000 thí sinh đăng ký trong khi chỉ tiêu là 3.800. Nhưng kết thúc đợt 1, trường vẫn phải tuyển bổ sung 1.450 chỉ tiêu và mức điểm nhận hồ sơ từ 17 điểm trở lên với mỗi tổ hợp xét tuyển. ĐH Bách khoa Hà Nội cũng tuyển bổ sung hàng trăm chỉ tiêu với mức điểm ngành thấp nhất là 19.5 điểm. Chỉ một số ít trường không phải tuyển bổ sung như ĐH Ngoại thương hay ĐH Kinh tế quốc dân.

Lấy đâu ra nguồn tuyển?

Kết thúc đợt 1 xét tuyển, điều các trường top trên lo lắng nhất đó là lấy đâu thí sinh để tuyển bổ sung. Ông Nguyễn Đức Hinh, hiệu trưởng ĐH Y Hà Nội phân tích, với mức điểm chuẩn đợt 1 trường công bố, những thí sinh thấp điểm hơn một chút đã nộp và trúng tuyển vào các trường khác. Đợt bổ sung tiếp theo, trường có hạ điểm chuẩn vẫn sợ không còn thí sinh.

“Vì vậy, với các trường tuyển bổ sung, hạ điểm chuẩn đến mức nào để tuyển được thí sinh mà vẫn đảm bảo được chất lượng đào tạo là bài toán không đơn giản” – ông Hinh cho hay.

Mặt khác, theo ông Hinh, ông cũng không lý giải được thí sinh “đã đi đâu”. Vì hồ sơ đã nộp vào trường nhưng lại không lựa chọn nhập học.

Còn theo một lãnh đạo của Bộ GD&ĐT, việc ĐH Y Hà Nội không tuyển đủ chỉ tiêu, nhất là ngành Y đa khoa trong đợt xét tuyển đầu tiên là một bất ngờ. “Các trường khác có thể có lý do nhưng riêng ngành y đa khoa của ĐH Y Hà Nội thì không thể giải thích được” – vị lãnh đạo này cho biết.

Trong khi đó, theo ý kiến của ông Nguyễn Đức Hinh thì chính việc Bộ GD&ĐT không cho công bố danh sách thí sinh đã dẫn đến tình trạng mọi người đều “nín thở” chờ đợi. Thí sinh không biết tình trạng hồ sơ của mình, các trường không chủ động được lượng hồ sơ. Theo ông Hinh, đây là một bất cập trong mùa tuyển sinh ĐH năm nay so với năm 2015. “Phương thức tuyển sinh năm 2015 vẫn là khả thi hơn cả dù có một chút sự xáo trộn trong những ngày cuối. Nhưng phải chấp nhận điều đó để thí sinh cuối cùng vẫn chọn được “ô” của mình. Còn các trường, không lo ảo” – ông Hinh cho hay.

Nhiều trường hạ điểm xét tuyển đợt 2

Kết thúc đợt 1 xét tuyển đại học- cao đẳng (ĐH- CĐ), nhiều trường đại học tại TPHCM  đang dở khóc, dở cười vì lượng thí sinh đến nộp giấy chứng nhận kết quả thi và nhập học ở mức lưng chừng.

Tính đến hết ngày 19/8, trường Đại học Sài Gòn nhận được 85% thí sinh đến xác nhận trúng tuyển so với chỉ tiêu. Số lượng trên chưa tính hồ sơ bưu điện nên trường này  phải đợi khi có đầy đủ các dữ liệu mới ra quyết định có tuyển tiếp đợt 2 hay không. Thí sinh đến nhập học hiện đạt 83% là tổng kết của trường Đại học Mở TPHCM hôm qua. Tuy nhiên, trường này xác định sẽ phải tuyển thêm nhiều ngành như Khoa học máy tính, Hệ thống thông tin máy tính, Công nghiệp sinh học, Công tác xã hội… do hiện đang thiếu nhiều chỉ tiêu.

Tương tự, các trường khác như Đại học Nông Lâm TPHCM, Đại học Bách khoa TPHCM, Đại học Công Nghiệp Thực phẩm TPHCM…cũng đang rơi vào thế “tiến thoái lưỡng nan”, không biết có nên tuyển tiếp hay không bởi, lượng thí sinh đến xác nhận trúng tuyển cũng chỉ dao động từ 80- 85% so với chỉ tiêu.

Trường Đại học Tôn Đức Thắng ở đợt 1 cũng mới chỉ mới tuyển được 75% so với chỉ tiêu và cũng ra thông báo tuyển nguyện vọng bổ sung.

MỚI - NÓNG
Becamex IDC thế chấp 19 lô đất
Becamex IDC thế chấp 19 lô đất
TPO - Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp (Becamex IDC - mã chứng khoán: BCM) vừa duyệt phương án phát hành trái phiếu riêng lẻ năm nay với tổng giá trị tối đa theo mệnh giá là 1.080 tỷ đồng nhằm cơ cấu lại nợ, tài sản bảo đảm cho lô trái phiếu là 19 thửa đất tại Bình Dương.