Kết luận chính thức vụ gạo đổi màu ở Đà Nẵng

Cả hai mẫu gạo đều cùng chung một hiện tượng đổi màu sau khi ngâm nước nhiều giờ.
Cả hai mẫu gạo đều cùng chung một hiện tượng đổi màu sau khi ngâm nước nhiều giờ.
TPO - Ngày 2/6, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thuỷ sản TP. Đà Nẵng cho hay đã có kết luận vụ gạo ngâm trong nước đã đổi màu xanh gây xôn xao dư luận thời gian qua.

Theo đó, nguyên nhân của hiện tượng này là do gạo bị ngâm nước, ẩm mốc, để lâu nên đổi màu sau nhiều giờ. Đây là hiện tượng bình thường trong tự nhiên do ẩm mốc và nấm gây ra.

Ông Nguyễn Tứ, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thuỷ sản TP. Đà Nẵng cho biết: sau khi báo chí thông tin về sự việc, Chi cục đã cử cán bộ lấy mẫu kiểm tra và làm thử nghiệm ngâm gạo trong nước để qua đêm, thì hiện tượng tương tự xảy ra.

Qua làm việc với những hộ dân phản ánh vụ việc cho thấy, tất cả những hộ dân này đều bỏ gạo vào ngâm trong nước và để quên gần 2 ngày. Trong đó, một hộ dân phát hiện gạo đổi màu sau khi đứa con trong nhà đổ nước vào gạo rồi bỏ quên từ 13 giờ ngày 8/5 cho đến 9 giờ ngày 10/5. Người còn lại cũng ngâm gạo trong chén rồi chắt nước ra và để quên từ 19 giờ ngày 17/5 cho đến 17 giờ ngày 19/5.

Sau khi nghiên cứu các tài liệu, cũng như tham khảo ý kiến các chuyên gia Chi cục kết luận, nguyên nhân gạo đổi màu xanh là do nấm mốc xâm nhập vào gạo, khi gạo có hàm lượng nước trên 12%.  Hiện tượng gạo đổi màu do bị ẩm mốc và có mùi hôi thối sau khi bị ngâm trong nước nhiều giờ là chuyện bình thường trong tự nhiên.

Kết luận chính thức vụ gạo đổi màu ở Đà Nẵng ảnh 1

Gạo đổi màu sau khi ngâm nước do ẩm và nấm mốc là hiện tượng bình thường trong tự nhiên. 

Kết luận chính thức vụ gạo đổi màu ở Đà Nẵng ảnh 2

Hai mẫu gạo được Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thuỷ sản TP. Đà Nẵng lấy về làm thí nghiệm.

Chi cục cũng khuyến cáo, để tránh hiện tượng gạo bị nấm mốc, đảm bảo an toàn thực phẩm, người dân cần bảo quản gạo ở nơi khô ráo, thông thoáng, vật dụng chứa gạo thường xuyên rửa sạch, lau chùi sau mỗi lần dùng hết gạo cũ, mua gạo mới đổ vào.

 

Nếu không thường xuyên vệ sinh, xung quanh thùng chứa gạo sẽ có một lớp cám mịn bám vào, lâu ngày lớp cám này sẽ bị ẩm, là môi trường thuận lợi cho các loại nấm mốc phát triển và sẽ nhiễm vào gạo. Khi phát hiện gạo có dấu hiệu nấm mốc thì không nên sử dụng vì một số loại nấm mốc như Aspergillus flavus sinh ra độc tố aflatoxin gây hại đến sức khỏe con người.

MỚI - NÓNG