Các nhà sinh vật biển đã ước tính trọng lượng của loài cá này dựa trên chu vi và kích thước của cá thái dương trước đó mà họ đã bắt được. Nhà sinh vật biển Enrique Ostale cho biết “Chúng tôi đã cố gắng đặt nó lên chiếc cân 1 tấn nhưng nó quá nặng và vượt cả trọng lượng tối đa của cân”.
Những người đánh cá ở Ceuta, một vùng lãnh thổ của Tây Ban Nha giáp với Maroc, đã phát hiện ra con cá này mắc vào lưới của họ hồi đầu tháng 10. Họ ngay lập tức gọi đến Ostale, người đứng đầu Phòng thí nghiệm Sinh học Biển của Đại học Seville ở Ceuta, để xác thực con cá thái dương khổng lồ. Sau nỗ lực cô lập nó, nhóm nghiên cứu đã nhanh chóng kéo con cá lên bằng cần cẩu.
Giống như các loài cá thái dương khác, sinh vật này thuôn dài với đôi mắt khổng lồ, lồi ra hai bên. Hai vây khổng lồ, giống như cánh, kéo dài phía cuối thân. Ở đại dương, cá thái dương vẫy những chiếc vây này qua lại để đẩy cơ thể khổng lồ của chúng lướt trên mặt nước.
Sau khi đưa con cá thái dương lên boong, nhóm nghiên cứu đã đo đạc và xác định nó dài 3,2 m và rộng 2,9 m. Sau khi cân đo, chụp ảnh và lấy mẫu DNA , thủy thủ đoàn đã thả nó trở lại biển khơi.
Dựa trên những đường rãnh đánh dấu hai bên thân cá và xương đòn gồ ghề của nó, Ostale và các đồng nghiệp của ông đã xác định loài vật này có tên là Mola alexandrini, còn được gọi là cá thái dương đầu gồ.
Cá thái dương trưởng thành được xếp hạng là loài cá có xương lớn nhất hành tinh. Những ấu trùng nhỏ bé khi trưởng thành phát triển gấp 600 lần kích thước ban đầu.