Hứa, xin lỗi

Hứa, xin lỗi
TP - Thường khi làm một việc gì đó sai phạm, người ta thường tỏ thái độ ăn năn bằng một câu, bắt đầu từ: “Xin lỗi...”. Mới nghe sao cũng thấy dễ thương.

Nhưng việc xin lỗi chỉ nên diễn ra một hai lần, cho đúng với câu: “Sự bất quá tam”, để người nhận được lời xin lỗi đó cảm thấy nó còn chút giá trị mà thông cảm bỏ qua, không nên lặp đi lặp lại: “Xin lỗi” và cùng một việc khiến người nghe cảm thấy nhàm chán và thậm chí là không thể chấp nhận.

Cơ quan tôi họp kiểm điểm về tình trạng đi trễ về sớm của nhân viên, những anh chị ấy cứ đưa ra những lý do này lý do nọ mà nghe qua người ta ai cũng phải “khâm phục” rằng nó hợp lý! Hợp lý quá đi nên sau khi kiểm điểm chán rồi đâu lại vào đấy, có nói đến thì cũng chỉ: “Xin lỗi, tôi có chuyện đột xuất mới như vậy!”. Đúng là công chuyện đột xuất nhưng hầu như ngày nào cũng có thì quả là chuyện khác lạ.

Báo chí, nhân dân lên án cũng vì những lời xin lỗi nghe quá nhàm, có lẽ chỉ ở ta mới có nhiều lời xin lỗi đến vậy. Tại sao chúng ta lại chấp nhận và người nói ra lại không biết ngượng đến như vậy? Lâu thành quen, quen thành nhàm, người tiếp nhận câu nói xin lỗi ấy “chất” đầy tai, không còn chỗ nào để “điền vào chỗ trống” nữa.

Ông bà ta thường có câu: “Nói lời phải giữ lấy lời, đừng như con bướm đậu rồi lại bay”, hứa, xin lỗi và cuối cùng “quên” mất.

Xin trích một đoạn trong bài Không xin lỗi suông của tác giả Phùng Kim Lân, đăng trên báo Quân đội nhân dân: “... Đây không phải là lần đầu tiên cấp ủy, chính quyền, các cơ quan chức năng của ta nhận lỗi trước dân.

Thực tế cho thấy những tập thể, cá nhân biết đặt lợi ích của tập thể, của nhân dân lên trên hết thì khi mắc sai lầm bao giờ họ cũng dễ nhìn ra, công khai, dũng cảm nhận khuyết điểm và quyết tâm khắc phục, sửa sai.

Thế nhưng cũng không ít trường hợp xin lỗi xong rồi bỏ đấy, khuyết điểm chẳng những không khắc phục mà lại tái diễn nghiêm trọng hơn. Những biểu hiện như thế sẽ làm giảm sút lòng tin của quần chúng vào cán bộ, đảng viên, các cơ quan công chức Nhà nước...”.

Nghe xót xa và chua chát làm sao! Rõ ràng chúng ta cần suy ngẫm và phải loại bỏ thói xấu này. Có lỗi nhưng không biết sửa là không thể chấp nhận được!

Tôi không thể kể hết chuyện bên Tây, bên Tàu... những chuyện mà khi đọc nó các quan chức nhà ta có thể xem nó là “viễn tưởng”... Nào là bên Hàn, một anh lính bắn chết 8 người, ông Bộ trưởng Quốc phòng từ chức vì nghĩ mình phải chịu trách nhiệm! Bộ trưởng Bộ Môi trường Trung Quốc xin từ chức vì để một nhà máy hóa chất làm ô nhiễm sông...

Đứa cháu tôi ở nhà, ham chơi hơn học, bị điểm kém. Ba nó tay cầm cây roi bắt nằm sấp trên giường đánh mà hỏi: “Có học không hay chỉ thích đi chơi?” – “Dạ, con xin lỗi, con từ nay trở đi sẽ học đàng hoàng!” – “Nếu tái phạm sẽ bị gì?” – “Dạ, bị đòn 10 roi!” – Nó khẳng định là 10 roi, ba nó cầm tờ giấy cây viết bắt viết lên rồi kí tên bên dưới.

Sau trận đòn đó nó không còn ham chơi mà chú tâm vào việc học, không còn tái phạm nữa. Nó đang chịu trách nhiệm về hành động và lời hứa của nó mặc dù nó chỉ là đứa bé học lớp 5.

Đừng để những lời xin lỗi, hứa trở nên vô nghĩa. Phải chịu trách nhiệm bằng chính hành động của mình để mọi người có niềm tin vào nhau, hẳn là điều cần thiết trong mọi lĩnh vực và trong đời sống của chúng ta...

Cấn Thị Phương
Nha Trang, Khánh Hòa

MỚI - NÓNG