Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều:Nghe phóng viên chiến trường kể chuyện

Phóng viên Hamid của đài Fuji TV, Nhật Bản. Ảnh: Lan Anh
Phóng viên Hamid của đài Fuji TV, Nhật Bản. Ảnh: Lan Anh
TP - Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều thu hút sự quan tâm rất lớn và không có gì ngạc nhiên khi các báo, đài thế giới cử sang Việt Nam lần này dàn phóng viên hùng hậu, có cả những người từng là phóng viên chiến trường.

Quay phim của đài truyền hình FujiTV (Nhật Bản) là một phóng viên chiến trường kỳ cựu. Hamid, người Malaysia, đã làm việc cho hãng truyền hình Nhật Bản hơn 20 năm.

Khi được hỏi, năm ngoái anh có tới đưa tin thượng đỉnh Mỹ- Triều ở Singapore không, anh trả lời ngay: “Có sự kiện nóng nào mà tôi không có mặt”.

Anh cho biết thêm, không chỉ là các sự kiện nóng như động đất, sóng thần Aceh, Indonesia, anh còn có mặt tại chiến trường Afghanistan năm 2001, cuộc chiến Iraq năm 2004, cuộc chiến Kuwait...

Anh cho biết, đợt đi đưa tin về cuộc chiến Iraq là lâu nhất, anh đi một mạch 6 tháng. Cũng chính vì đam mê công việc, nên cuộc sống hôn nhân của anh khá lận đận. Anh lấy vợ muộn, nhưng cũng chẳng cô vợ nào chịu đựng được những đợt đi công tác triền miên của anh. Anh cười nói: “Giờ tôi độc thân, thế mới có nhiều thời gian săn tin chứ”.

Điều Hamid thích thú là giá cả sinh hoạt tại Việt Nam dễ chịu, đồ ăn ngon. Năm ngoái, anh “trực chiến” ở Singapore 18 ngày, mà thuê khách sạn mất 250 USD/ ngày. Trong khi đó, đợt này anh tới Hà Nội, thuê một phòng khách sạn khá đẹp ở phố Hàng Chuối mà giá chỉ 60USD/ ngày.

Kể về 12 giờ ngồi chờ đợi ở một nhà khách để ghi hình đặc phái viên Triều Tiên ra vào nơi đây, anh bảo: “Chúng tôi chờ từ sáng, đến trưa mới thấy ông ấy ra, rồi ông ấy đi mất hút đến tối mới về. Dù chỉ ghi được vài hình ảnh nhưng đều là những tư liệu quí và chúng tôi đã truyền ngay về hãng. Người Nhật rất quan tâm tới sự kiện này”.

Hamid hy vọng sẽ được chạy đi chạy lại nhiều hơn, được thăm thú Hà Nội nhiều hơn, công việc cũng thú vị hơn khi hai nhân vật chính là  Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump tới Hà Nội và hội đàm chính thức.

Làm việc chuyên nghiệp

Trong những ngày săn tin dịp thượng đỉnh, giới phóng viên trong nước tỏ ra rất thán phục các phóng viên nước ngoài về phong cách làm việc chuyên nghiệp và “lỳ”. Chỉ để ghi lại một bức ảnh hoặc một đoạn clip về một yếu nhân, hơn 20 phóng viên từ các hãng thông tấn Hàn Quốc, Nhật Bản chầu chực trước cổng một nhà khách từ  6 giờ sáng đến 8-9 giờ tối.

Thoạt nhìn, họ có vẻ rất nghiêm túc, chăm chú nhìn vào nhà khách và ống kính máy quay. Ấy thế nhưng, khi gợi chuyện một lát, họ lại tỏ ra khá thân thiện. Choi Jin-young quay phim của đài truyền hình KBS (Hàn Quốc) nói nhóm của anh có khoảng 30 người tới tác nghiệp. Bản thân anh đã tới Việt Nam từ ngày 11/2 và sẽ ở lại cho tới khi kết thúc hội nghị.

Anh kể, người Hàn Quốc rất quan tâm tới sự kiện này, nên hãng đã huy động những người có kinh nghiệm tới Việt Nam. Mọi hình ảnh liên quan tới các hoạt động chuẩn bị tại hội nghị thượng đỉnh tại Hà Nội đều được chuyển về nước và được sử dụng hết.

Choi đã từng tác nghiệp tại hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ nhất năm ngoái tại Singapore. Choi nói anh nhận thấy sự thân thiện, cởi mở của nước chủ nhà Việt Nam và hy vọng những ngày sắp tới an ninh không quá gắt gao để nhóm của anh thực hiện được nhiều phóng sự hơn, ghi được nhiều hình ảnh hơn về hội nghị.

 “Tôi cũng như nhiều người Hàn Quốc tất nhiên đều mong muốn hội nghị lần này thành công tốt đẹp, mở ra cơ hội hòa bình, chấm dứt chiến tranh cho hai miền Triều Tiên”, anh nói.

Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều:Nghe phóng viên chiến trường kể chuyện ảnh 1 Phóng viên Hamid của đài Fuji TV, Nhật Bản. Ảnh: Lan Anh
MỚI - NÓNG