Bệnh nhân là Nguyễn Văn P. 17 tuổi, quê quán ở Nghi Lộc, Nghệ An bị bỏng lửa do thuốc pháo mới nhập viện ngày 10/1/2019. Theo gia đình P cho biết, trước đó P. có trộn bột lưu huỳnh và KClO3 sau đó cho vào máy xay sinh tố để nghiền và trộn. Thuốc nổ bùng lên gây bỏng. Tại Bệnh viện Bỏng Quốc gia ngày 10/1 với chẩn đoán: Bỏng lửa thuốc pháo 12% độ II, III mặt, hai tay.
Một bệnh nhân khác là Trịnh Minh H. 17 tuổi, quê quán ở Vĩnh Lộc, Thanh Hóa cũng bị bỏng do pháo. Theo người nhà của bệnh nhân H. ngày 4/1/2019 sau khi trộn bột lưu huỳnh và KClO3 , bệnh nhân H. đã dùng muôi để nghiền bột hóa chất. Chất nổ bùng lên gây bỏng. Bệnh nhân được người nhà đưa vào viện và nhập Bệnh viện Bỏng ngày 5/1/2019 với chẩn đoán Bỏng lửa thuốc pháo 50%(10%) độ II, III, IV mặt, cổ, hai tay, hai chân.
Còn bệnh nhân Phan Anh T. 17 tuổi, quê quán ở Hương Sơn, Hà Tĩnh bỏng lửa cũng do pháo và do thử sản phẩm sau khi chế tạo. Theo lời kể của bệnh nhân T. ngày 7/1/2019 sau khi trộn lưu huỳnh và KClO3 theo hướng dẫn trên mạng internet, T dùng lửa để thử sản phẩm sau khi chế tạo. Vị trí thuốc để thử và sản phẩm sau chế tạo cách nhau hơn 1 mét (theo nạn nhân kể). Thuốc nổ bùng lên ở cả hai vị trí gây bỏng. Bệnh nhân được cấp cứu Bệnh viện Bỏng ngày 8/1/2019 với chẩn đoán Bỏng lửa thuốc pháo 42% độ II, III mặt, cổ, ngực, hai tay.
Theo BS Hưng, tổn thương do bỏng thuốc pháo đều ở mặt, cổ, hai tay. Tổn thương ở các vùng này có thể gây phù nề tiến triển nhanh, cản trở hô hấp gây suy hô hấp. Bỏng vùng mặt cổ khi khỏi có thể để lại di chứng về thẩm mỹ, ảnh hưởng đến khả năng tái hòa nhập cộng đồng sau bỏng. Trong khi, các cháu đều đang ở độ tuổi học đường. Tuy nhiên, bỏng ở hai tay và bàn tay có thể để lại di chứng sẹo co kéo ảnh hưởng đến khả năng sinh hoạt và lao động sản xuất. BS Hưng nhấn mạnh.
Theo các bác sĩ, tai nạn do pháo nổ rất nguy hiểm bởi ngoài sức công phá gây các vết thương nó còn gây bỏng do tỏa ra nhiệt lượng lớn. Hơn nữa, trong pháo có những hóa chất (như phốt pho, lưu huỳnh) và người đốt thường phải tiếp xúc rất gần nên dễ bị các tổn thương nặng ở mặt, mắt, tay... mà muốn khắc phục rất khó.
Không chỉ pháo nổ, đối với pháo sáng, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh,nguyên cán bộ Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm (Đại học Bách khoa Hà Nội) cho biết, ngoài hệ luỵ về cháy nổ, gây mất an toàn, việc đốt pháo sáng cũng có nguy cơ gây tác động xấu đối với sức khỏe của con người. Chẳng hạn, trong trường hợp pháo được đốt trong không gian lớn như ngoài trời, khi pháo phát nổ, khói, bụi sẽ nhanh chóng được phát tán ra ngoài không khí nên mức độ nguy hiểm không đáng ngại.
Tuy nhiên, nếu đốt pháo trong không gian hẹp như ở trong nhà, trong phòng kín sẽ gây ra những tác hại nhất định đối với sức khỏe, nhất là hệ hô hấp. Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, tùy theo từng loại pháo mà có thành phần hóa học khác nhau. Có loại trộn hợp chất nitrat với cacbon và phốt pho, khi đốt cháy sẽ sinh ra một hợp chất gây khó thở cho người hít phải.
Nguy hiểm hơn là khi pháo được bào chế từ các loại thuốc súng, mức độ gây hại sẽ cao hơn gấp nhiều lần. Chính vì những lý do trên, nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam đã cấm sử dụng pháo để đảm bảo an toàn và tránh gây hại đối với sức khỏe về sau.