Tỷ lệ học sinh bị bắt nạt cao
Trình bày tại hội thảo khoa học “Chương trình phòng ngừa và can thiệp bắt nạt trực tuyến đưa vào trường học” vừa được tổ chức tại Hà Nội, PGS.TS Trần Thành Nam, ĐHQG Hà Nội cho biết, qua nghiên cứu về bắt nạt trực tuyến học sinh tại Việt Nam từ năm 2015-2018 tại các trường THCS và THPT cho thấy, có 30,6% học sinh bị bắt nạt theo hình thức này. Và 26,7% học sinh có hành vi bắt nạt người khác. Các hành vi học sinh bắt nạt thường thấy như: đe dọa người khác trong các nhóm diễn đàn trên mạng, gửi các bình luận đe dọa, gây tổn thương qua email, tin nhắn; chế nhạo các bình luận trong nhóm, diễn đàn; đăng tải công khai những bức ảnh gây xấu hổ mà không được phép; chia sẻ những cuộc hội thoại riêng tư…
Theo PGS Nam, học sinh càng dành nhiều thời gian để sử dụng internet càng đi bắt nạt hoặc bị bắt nạt nhiều hơn. Xét theo độ tuổi, học sinh THPT có mức độ đi bắt nạt và bị bắt nạt nhiều hơn học sinh THCS. Điều đáng nói, khi bị bắt nạt học sinh có xu hướng giấu nhẹm chuyện bị bắt nạt, ít chia sẻ với thầy cô, gia đình để tìm cách xử lý. Trong khi đó, bản thân các em bị bắt nạt thừa nhận cảm thấy rất áp lực, xấu hổ.
TS Nam cảnh báo, đôi khi việc bắt nạt từ những việc rất đơn giản như trêu đùa, bình phẩm về hình thể nhưng người bị bắt nạt đó bắt đầu có suy nghĩ đến việc mình chết bằng cách nào? Cũng có em đã rạch tay cho mình mất máu đến khi kiệt sức, ảnh hưởng không nhỏ đến học tập.
TS Trần Văn Công, ĐH Giáo dục cho biết, học sinh tham gia bắt nạt đôi khi chỉ vì lý do như: ngoại hình cao, thấp, đen, học giỏi, học kém quá, bố mẹ là dân tộc, bố mẹ là tôn giáo đều là nạn nhân. Các em có sự khác biệt rất dễ là nạn nhân. Có em học sinh tự nhiên bạn hàng xóm ghép ảnh hở hang, dẫn đến uất ức nghĩ tới chuyện đi tự sát. Việc bắt nạt đối với học sinh đôi khi chỉ cho vui nhưng học sinh không ý thức được hậu quả.
Theo TS Công, những học sinh bị bắt nạt thường xuyên đối mặt với nhiều nguy cơ, thậm chí sợ hãi, ngại gặp các bạn. “Ví dụ, học sinh bị ghép ảnh hở hang sẽ không dám gặp ai nữa, học tập bị ảnh hưởng, không tập trung học hành, có cảm xúc lo lắng, sợ hãi, ảnh hưởng đến cuộc sống các em. Có một số em đi tự sát thật”, ông nói.
Phụ huynh nên hiểu để biết cách dạy con
Từ nghiên cứu của mình, TS Công khuyên phụ huynh nên biết sử dụng internet, hiểu các mạng xã hội và cách hoạt động của nó. Lưu ý, giáo dục con sử dụng mạng xã hội một cách thông minh ngay từ bé. Cấm thì không cấm được nhưng nên dạy con, với ai thì nên kết bạn, trên mạng nên đăng cái gì, không đăng cái gì. Cần dạy con nếu trên mạng có thông tin, hình ảnh nhạy cảm thì nên ứng xử với điều đó như thế nào, điều này sẽ hay hơn là cấm hoàn toàn hoặc để con tự do sẽ rất nguy hiểm. “Tôi không tin môi trường học đường quá bạo lực hay bạo lực hơn ngày xưa. Giờ thông tin được chú ý nhiều hơn và lan tỏa nhanh và lại bị biến dạng theo cách không có lợi”, ông nói.
Thạc sỹ Vũ Thu Hà, cán bộ tham vấn học đường Trường THCS Ngô Sĩ Liên (Hà Nội) chia sẻ thêm, những học sinh bị bắt nạt thường không nhận được sự tin tưởng thầy cô và bố mẹ. Trong khi các học sinh đi bắt nạt là vì các bạn đó muốn có quyền lực. Những học sinh đó, thiếu kỹ năng xã hội là không biết giải quyết thế nào, vì thế khi muốn có quyền lực hơn với bạn đã chọn cách đi bắt nạt. Bà Hà cho rằng, cả hai đối tượng đó đều cần sự hỗ trợ về tâm lý. Vì thế, giải pháp hiệu quả là tiếp cận vào nhóm lãnh đạo trẻ trong trường, thông qua phòng Đoàn Đội, đều đặn hàng tuần, hàng tháng… để học sinh hiểu và thận trọng hơn.
Bà Nguyễn Hồng Kiên, ĐH Giáo dục (ĐHQG Hà Nội) cho rằng, khi đi thực tế bắt gặp những trường hợp như: Đăng status giật tít câu like, gây sự chú ý của nhiều người. Thậm chí có học sinh viết “đủ 1.000 like thì đốt trường”. Sau đó đủ 1.000 like thật, học sinh này bị ép dồn đến chân tường, buộc phải thực hiện hành vi đốt trường vì sợ hãi mà không dám nói với bố mẹ, thầy cô.
Với thực trạng trên, các chuyên gia cho biết rất cần một phòng tư vấn học đường và có cách nào đó theo dõi việc sử dụng mạng trực tuyến của học sinh. Làm sao để giáo viên chủ nhiệm biết học sinh đang đăng gì, diễn biến như thế nào là việc rất khó. Bởi thực tế, nhiều học sinh không thích kết bạn với bố mẹ và cô giáo.
PGS Trần Thành Nam cho rằng, từ bậc THCS bố mẹ nên tìm hiểu, có kiến thức để đồng hành với con. Chương trình phổ thông mới cần có giờ sinh hoạt ngoại khóa, có thời lượng cho các hoạt động này. Các nhà trường nên đưa chương trình dạy học, phát triển con người cũng như các hoạt động phòng chống bạo lực học đường. Cần phải có các hoạt động với quy mô khác nhau áp dụng vào trong nhà trường. Ở cấp độ toàn trường, giống như hoạt động tham vấn học đường. Riêng đối với những em có dấu hiệu hay có nguy cơ bị bắt nạt hoặc bắt nạt nhiều hơn thì cần được tham vấn trực tiếp, một thầy một trò.
PGS.TS Trần Thành Nam, ĐHQG Hà Nội, học sinh càng dành nhiều thời gian để sử dụng internet càng đi bắt nạt hoặc bị bắt nạt nhiều hơn. Xét theo độ tuổi, học sinh THPT có mức độ đi bắt nạt và bị bắt nạt nhiều hơn học sinh THCS.