Học phí chất lượng cao gấp 400 lần đại trà: Chất lượng có…cao?

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
TPO - Mức trần học phí trường chất lượng cao năm học 2016-2017 của Hà Nội dự kiến sẽ tăng lên 3,9 – 4,1 triệu đồng/học sinh/tháng. Như vậy mức trần học phí của trường chất lượng cao trên địa bàn Hà Nội được đề nghị cao hơn mức học phí đại trà hiện hành (10 nghìn đến 80 nghìn đồng/học sinh/tháng) từ 51,25 đến 410 lần, tùy theo vùng miền.

Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cùng Sở Tài chính Hà Nội vừa có tờ trình gửi UBND TP về việc đề xuất điều chỉnh Nghị quyết 15/2013/NQ-HĐND của HĐND TP về cơ chế tài chính đối với trường chất lượng cao.

Theo đó, mức thu học phí năm học 2016-2017 đối với trường công lập chất lượng cao, trường mầm non và trường Tiểu học mức trần học phí cao nhất là 3,9 triệu đồng. Với trường trung học cơ sở và trung học phổ thông mức trần học phí lên tới 4,1 triệu.

Ngoài ra, cũng theo tờ trình gửi UBND TP này cũng đưa ra mức trần học phí của cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao được áp dụng đến năm học 2019-2020 là ở mức 5,1 triệu đồng/ học sinh/tháng.

Mức trần học phí của cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao được áp dụng từ năm học 2016-2017 đến hết năm học 2019-2020, được điều chỉnh từ năm học 2020-2021 cùng với việc xây dưng định mức phân bổ ngân sách và thời kì ổn định ngân sách theo quy định.

Năm 2013, thực hiện Luật Thủ đô, UBND TP Hà Nội đã ban hành quyết định số 20/2013/QĐ-UBND (Quyết định 20) quy định một số tiêu chí về trường chất lượng cao.

Trong đó, mỗi cấp học từ mầm non đến THPT đều được quy định cụ thể các tiêu chí: Cơ sở vật chất; đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên; chương trình giảng dạy; phương pháp giảng dạy; các dịch vụ chất lượng cao.

Theo đó, đối với trường học mầm non chất lượng cao như: Phải bảo đảm cơ sở vật chất được xây kiên cố; có 70% giáo viên đạt trình độ chuyên ngành trên chuẩn và có chứng chỉ tiếng Anh trình độ A, 10% có trình độ B).

Đối với trường tiểu học chất lượng cao bảo đảm có số phòng học cho học sinh học hai buổi/ngày (mỗi lớp không quá 30 học sinh); 100% giáo viên đạt trình độ trên chuẩn theo quy định, ít nhất 80% giáo viên xếp loại xuất sắc theo chuẩn nghề nghiệp; 100% cán bộ quản lý, giáo viên có kiến thức và kỹ năng thực hiện phương pháp dạy học tích cực,..

Đối với trường trung học có 40% giáo viên dạy giỏi cấp thành phố, 80% cán bộ quản lý có bằng thạc sĩ trở lên đối với bậc THPT; bổ sung chương trình tiếng Anh nghe, nói với người nước ngoài; sử dụng các phương pháp dạy học mở để học sinh có khả năng trải nghiệm, khám phá và làm quen được với công tác nghiên cứu khoa hoc; có bán trú cho học sinh với các điều kiện sinh hoạt hiện đại, khoa học.

Chất lượng có cao?

Nhiều ý kiến cho rằng, quá trình triển khai mô hình trường chất lượng cao ở Hà Nội mới chỉ cao ở học phí.

Là một phụ huynh có con đang học tại một trường mầm non chất lượng cao của Hà Nội, chị Thu (Đống Đa, Hà Nội) thừa nhận trường của con mình được đầu tư tốt về điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, tuy nhiên tiền đóng cao nhưng con em họ không được hưởng theo tiêu chí được đưa ra.

“Tiền học phí một tháng là chạm 4 triệu đồng nhưng sĩ số lớp vẫn đông, hơn 30 cháu  (trong khi theo tiêu chí chỉ dưới 30 cháu/ lớp). Với số lượng học sinh đông như vậy thì việc học và chăm sóc được hơn gì so với các trường công lập khác không?”- chị Thu băn khoăn.

Cùng chung tâm trạng, một phụ huynh ở Mai Dịch quyết tâm cho con đi học trường chất lượng cao để tránh sĩ số đông thì nay vẫn cảnh chen chúc tới hơn 40 cháu/ lớp: “Thế này có khác gì lớp bình thường cơ chứ”- phụ huynh này thốt lên.

Đánh giá kết quả triển khai mô hình chất lượng cao và cơ chế tài chính các trường công lập chất lượng cao giai đoạn 2013-2016 của HĐND TP Hà Nội đã chỉ ra đề án phát triển chất lượng cao của một số trường còn hạn chế và gặp khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai.

Cụ thể, sau một năm được công nhận, nhiều trường vẫn chưa đủ thời gian để khẳng định chất lượng giáo dục, thương hiệu của trường để phụ huynh tin tưởng đóng mức học phí cao.

Thêm vào đó, tâm lý của cha mẹ học sinh vẫn quen được sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước khi cho con theo học ở các trường công lập. Vì vậy., mức học phí tăng nhanh sẽ gây bất an cho phụ huynh vừa khiến cho nhà trường khó phát triển ổn định.

MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.