Học hay làm tiến sĩ - Bài 1: Nhân bản

0:00 / 0:00
0:00
TP - Trong cuộc làm việc với Bộ Khoa học và Công nghệ về Chiến lược Quốc gia phát triển đội ngũ trí thức giai đoạn 2021-2030, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có phát biểu rất đáng chú ý rằng, nên làm tiến sĩ hay học tiến sĩ. Chất lượng và độ liêm chính của các luận án tiến sĩ nước ta ra sao? Nội hàm của ‘học” và “làm” tiến sĩ được hiểu thế nào? Tiền Phong sẽ đăng tải tuyến bài tương tác ngõ hầu giúp bạn đọc có thêm dữ liệu để hiểu khái niệm ấy.

Chỉ cần nhắp chuột vào một từ khóa, hàng loạt các luận án tiến sĩ có tên giống hệt nhau đồng loạt xuất hiện. Điểm khác biệt duy nhất giữa các luận án này là thay đổi khu vực địa lý nghiên cứu, quãng thời gian lựa chọn nghiên cứu.

Với cụm từ “Đảng bộ”, sẽ có trên 30 kết quả hiện ra là luận án tiến sĩ được thực hiện ở các trường đại học (ĐH) hay học viện. Trong đó, có luận án “Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lãnh đạo xây dựng tổ chức cơ sở đảng ở xã, phường, thị trấn từ năm 2005 đến năm 2015” và luận án “Đảng bộ tỉnh Nghệ An lãnh đạo công tác xây dựng tổ chức cơ sở đảng ở xã, phường, thị trấn từ năm 2005 đến năm 2015”. Hai luận án này, chỉ khác nhau là nghiên cứu ở Nghệ An và Thanh Hóa.

Học hay làm tiến sĩ - Bài 1: Nhân bản ảnh 1

Tiến sĩ và các luận án tiến sĩ được nhân bản (Ảnh minh họa)

Hay như một loạt các luận án đều có “anh chị em” song sinh như “Đảng bộ thành phố Hà Nội lãnh đạo bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa từ năm 1998 đến năm 2014” và “Đảng bộ thành phố Hồ Chí Minh lãnh đạo công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa từ năm 1998 đến năm 2014”; “Đảng bộ tỉnh Nam Định lãnh đạo thực hiện an sinh xã hội từ năm 2005 đến năm 2015” và “Đảng bộ tỉnh Bắc Giang lãnh đạo thực hiện an sinh xã hội từ năm 2005 đến năm 2015”; “Đảng bộ tỉnh Hưng Yên lãnh đạo hoạt động của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh từ năm 1997 đến năm 2015” và “Đảng bộ tỉnh Hải Dương lãnh đạo Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh đổi mới nội dung, phương thức hoạt động từ năm 1997 đến năm 2012”… Những luận án với tên gọi bắt đầu bằng “Đảng bộ” này, theo GS.TS Phạm Tất Dong, nguyên Phó Chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam, phần lớn đều chưa đạt.

“Những đề tài nghiên cứu kiểu công nghiệp, sao chép, copy-paste cần được loại bỏ ngay lập tức”.

TS Hoàng Ngọc Vinh, Nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD&ĐT

Với một nhắp chuột khác tìm cụm từ “chuyển biến kinh tế”, lập tức cũng có trên 20 luận án tiến sĩ hiện ra. Các luận án tiến sĩ thay vì đặt theo thứ tự từ 1 đến hết thì được đổi tên từ địa phương này sang địa phương khác, từ thành phố đến các tỉnh miền núi xa xôi như “Chuyển biến kinh tế, xã hội của tỉnh Đắk Nông từ năm 2004 đến năm 2015”; “Chuyển biến kinh tế, xã hội của huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang từ năm 1986 đến năm 2010”, “Chuyển biến kinh tế, xã hội của thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng) từ năm 1975 đến 2010”; “Quá trình chuyển biến kinh tế, xã hội của tỉnh Hà Nam từ năm 1997 đến năm 2012”…

Theo TS Phạm Hiệp, Giám đốc nghiên cứu, Trung tâm Nghiên cứu và phát triển giáo dục Edlab Asia thì đây là sự nhân bản vô tính các luận án tiến sĩ và thường xảy ra đối với khối ngành Khoa học xã hội. TS Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Trường ĐH FPT cho rằng, đối tượng nghiên cứu có thể giống nhau nhưng điều quan trọng, mỗi luận án tiến sĩ phải chỉ ra được cái mới, luận án sau phải phân tích sâu hơn luận án trước. Nhưng theo TS Tùng, các luận án vẫn chỉ dừng lại ở mức liệt kê số liệu. Còn GS Phạm Tất Dong cho rằng, những đề tài có tên gọi và cách thức, nội dung na ná nhau không thể gọi là công trình khoa học mà chỉ như một báo cáo tổng kết của một ngành, một địa phương.

Nhan nhản giải pháp cho cầu lông, yoga, cờ vua

Học hay làm tiến sĩ - Bài 1: Nhân bản ảnh 2

Tiến sĩ và các luận án tiến sĩ được nhân bản (Ảnh minh họa)

Luận án tiến sĩ “Nghiên cứu giải pháp phát triển môn cầu lông cho công chức viên chức thành phố Sơn La” vừa qua đã đặt ra nhiều băn khoăn về vấn đề nghiên cứu khoa học cũng như đào tạo tiến sĩ tại Việt Nam hiện nay. GS.TS Phạm Tất Dong thẳng thắn cho rằng, đây là một đề tài ấm ớ. Theo tìm hiểu, ngoài luận án tiến sĩ cầu lông nói trên, tại chuyên trang Luận văn - Luận án của Bộ GD&ĐT có tới gần 10 nghiên cứu sinh bảo vệ thành công luận án tiến sĩ liên quan đến môn cầu lông ở các cơ sở đào tạo trên cả nước.

Ba năm qua, Viện Khoa học Thể dục thể thao, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nghiệm thu tổng số 22 luận án tiến sĩ, trong đó 21 đề tài thuộc chuyên ngành Giáo dục học, 1 đề tài thuộc lĩnh vực thể dục thể thao. Hầu hết các đề tài chỉ khảo sát một địa phương, một khía cạnh rất nhỏ trong các bộ môn thể thao như: “Nghiên cứu hiệu quả của bài tập Hatha Yoga đối với sức khỏe người cao tuổi nữ tại thành phố Hà Nội”, “Nghiên cứu phát triển thể chất cho trẻ mẫu giáo 5 - 6 tuổi tỉnh Đồng Tháp”, “Nghiên cứu ảnh hưởng của tập luyện cờ vua tới sự phát triển các thành phần của năng lực trí tuệ ở học sinh năng khiếu cờ vua lứa tuổi 8-9 thành phố Hà Nội”…

Theo các chuyên gia, mục đích của nghiên cứu là chỉ ra được thực trạng, hạn chế và đưa ra giải pháp cải tiến mang tính vi mô và vĩ mô, tác động lớn đến cộng đồng hoặc cả xã hội. Trong khi đó, các đề tài trên nói đến việc phát triển một góc độ, bài tập, động tác trong các môn thể thao là quá nhỏ, không có tính đóng góp mới cho xã hội hay cộng đồng khoa học vì rất nhiều người trước đó từng nghiên cứu. Xét cả về tính học thuật hay thực tiễn, nhiều đề tài trong giai đoạn từ 2020 đến nay chưa đạt yêu cầu. Không biết lý do vì sao mà người hướng dẫn nghiên cứu lại đồng ý và hội đồng thẩm định lại thông qua những đề tài này.

Trao đổi với báo chí, đại diện Trường ĐH Tây Bắc, nơi tác giả của luận án tiến sĩ “Nghiên cứu giải pháp phát triển môn cầu lông cho công chức viên chức thành phố Sơn La” cho biết, đề tài được hội đồng thẩm định qua nhiều vòng, có đầy đủ thủ tục và biên bản nghiệm thu đúng quy định. Về chất lượng luận án, Viện Khoa học Thể dục thể thao sẽ phải chịu trách nhiệm vì đây là nơi tác giả làm nghiên cứu. Tuy nhiên, thông qua sự việc lần này, nhà trường sẽ có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các cơ sở đào tạo trong cả nước, nhằm định hướng, xây dựng, triển khai các đề tài mang tính ứng dụng cao khi cán bộ của nhà trường tham gia đào tạo, nhất là việc đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao như thạc sĩ, tiến sĩ... hướng tới mục tiêu nâng cao hơn nữa chất lượng nguồn nhân lực của trường, nhằm đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Sơn La và vùng Tây Bắc. (Còn nữa)

MỚI - NÓNG
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
TPO - Cơ quan điều tra cáo buộc, bị can Dương Hoa Xô có trách nhiệm thực hiện đúng các quy định của pháp luật để triển khai mua sắm thiết bị, song quá trình thực hiện, ông chỉ đạo cấp dưới "thông đồng" với Công ty AIC để nâng khống giá gây thiệt hại cho Nhà nước. Đổi lại, bị can được phía AIC hối lộ 14,4 tỷ đồng.