Học giỏi thôi, chưa đủ...

Hà Thị Thanh Thủy tham gia chương trình trao đổi sinh viên giữa ĐH Giáo dục và Đại học Chiba, Nhật Bản. Ảnh: NVCC
Hà Thị Thanh Thủy tham gia chương trình trao đổi sinh viên giữa ĐH Giáo dục và Đại học Chiba, Nhật Bản. Ảnh: NVCC
TP - Cả 2 thủ khoa tốt nghiệp đại học xuất sắc năm 2018 (Hà Thị Thanh Thủy, trường ĐH Giáo dục - ĐHQG Hà Nội và Mã Hồng Anh, ĐH Sư phạm Hà Nội) đều cho rằng học giỏi thôi chưa đủ, sinh viên cần năng động tham gia hoạt động xã hội, trải nghiệm thực tế, làm thêm để rèn luyện kỹ năng.

Thủ khoa có tuổi thơ chăn trâu, cắt cỏ

Thanh Thủy hiện là cô giáo dạy văn tại trường THPT FPT.Dù là sinh viên mới ra trường, nhưng nữ thủ khoa đã được Ban giám hiệu nhà trường tin tưởng giao nhiệm vụ chủ nhiệm lớp.

Có được công việc đúng mơ ước của mình, đó là một hành trình phấn đấu không biết mệt mỏi của Thanh Thủy. Từ năm thứ 3 đại học, Thủy đã xin thực tập tại trường THPT Đào Duy Từ. Sau 5 tháng thực tập, Thủy đã được trường mời ở lại làm việc. Sau hơn một năm vừa học, vừa làm, tốt nghiệp, cầm tấm bằng đỏ đại học trên tay, Thủy thử sức làm hồ sơ thi vào trường FPT. “Hôm đó em ở quê Nghệ An với mẹ, tầm 3 giờ chiều nhận được điện thoại mời sáng hôm sau thi dạy thử tại trường FPT. Hai mẹ con vội vàng mua sách về tìm bài dạy. Tối đó bắt xe tức tốc ra Hà Nội. Sáng hôm sau, trời Hà Nội mưa tầm tã, ngập nhiều nơi. Đi được đến trường, người ướt như chuột lột nhưng vì muộn giờ nên phải vào dạy luôn”, Thủy nhớ lại.

Hôm thi đó, có nhiều ứng viên đã có kinh nghiệm nhiều năm đi dạy, riêng Thủy là sinh viên mới ra trường, nhưng kết quả chỉ có mỗi Thủy được lựa chọn.Thủy vượt qua một loạt các ứng viên nặng ký nhờ phương pháp giảng dạy hiện đại.

Suốt 4 năm học, Thủy liên tục nhận được các suất học bổng từ trường học, từ Nhật Bản, Hàn Quốc và các tập đoàn kinh tế, nhờ thành tích học tập xuất sắc, cùng vốn tiếng Anh tốt. “Từ năm thứ nhất đại học, bố mẹ đã không phải chu cấp cho em ăn học, nhờ các nguồn học bổng và công việc làm thêm gia sư của em”, Thủy chia sẻ. Với Thủy, học bổng là một trong những động lực lớn giúp em phấn đấu nỗ lực không ngừng nghỉ để có thêm nguồn kinh phí hỗ trợ học tập, đỡ gánh nặng cha mẹ.

Thanh Thủy có tuổi thơ khá vất vả so với bạn bè đồng trang lứa. Thủy sinh ra lớn lên ở Nam Đàn (Nghệ An), là con cả trong gia đình có 2 chị em. Mẹ đi làm xa nhà, cuối tuần mới được về thăm gia đình. Vì thế, từ nhỏ Thủy đã được bố dạy làm tất cả các việc vặt trong gia đình thay mẹ, từ nấu ăn, giặt giũ, đến làm việc đồng áng. “Dấu ấn tuổi thơ của em là từ 6, 7 tuổi đã đi chăn trâu, cắt cỏ, làm đồng và lên rừng đốn củi. Nhớ nhất là vào mùa gặt, dưới trời nắng chói chang, phải gặt lúa cả buổi, mồ hôi ướt đầm đìa. Giờ nghĩ lại vẫn thấy mình còn may mắn hơn nhiều bạn”, nữ thủ khoa ĐHQG Hà Nội ôn lại kỷ niệm tuổi thơ.

Nữ thủ khoa kép tài năng

Học giỏi thôi, chưa đủ... ảnh 1 Mã Hồng Anh (thứ 2, từ trái qua) cùng bạn bè nhận bằng tốt nghiệp đại học.

Nữ thủ khoa kép (vừa thủ khoa đầu vào, vừa thủ khoa tốt nghiệp) trường ĐH Sư phạm Hà Nội gây ấn tượng bởi cái tên khá đặc biệt- Mã Hồng Anh. Hồng Anh chia sẻ, tên của mình bắt nguồn từ truyền thống nhà ngoại, mẹ, các cậu và con cháu đều có chung tên Anh, chỉ khác nhau mỗi tên đệm. Từ ngày nhỏ đi học, tên Mã Hồng Anh luôn được thầy cô, bạn bè ghi nhớ đầu tiên.

“Bản thân em cũng đi làm thêm, chủ yếu là gia sư. Nếu được quay lại thời sinh viên, em sẽ đi làm thêm nhiều hơn, nhiều công việc khác nhau để trải nghiệm, thử sức. Thực tế, sinh viên tốt nghiệp khi cầm hồ sơ xin việc, nhà tuyển dụng không quá coi trọng thành tích thủ khoa mà họ chú trọng hơn đến kỹ năng, kết quả công việc mà bạn đạt được. Đi làm thêm thời sinh viên là quãng thời gian rất quý giá”.

Nữ thủ khoa kép ĐH Sư phạm Hà Nội Mã Hồng Anh

Điểm thủ khoa tuyển sinh khối D của Hồng Anh đạt 26/30 điểm; điểm tốt nghiệp sau 4 năm đại học cũng cao ngất ngưởng: 3.93/4. Chia sẻ bí quyết học tập, Hồng Anh cho rằng, điều may mắn cô luôn được ở trong môi trường học tập tốt nên có nhiều cơ hội để phấn đấu, khẳng định bản thân. Cấp III, học trường THPT Chuyên ĐH Sư phạm với phương pháp học hiện đại, thầy cô giáo thường đưa ra vấn đề mở để học sinh tự nghiên cứu, tìm cách giải quyết. “Chính phương pháp học này tạo cho học sinh cách tự học và sự hứng thú, sáng tạo trong mỗi giờ học. Vì thế, khi lên học đại học, em nhanh chóng làm quen với môi trường, phương pháp học mới”, Hồng Anh chia sẻ.

Nữ thủ khoa kép ĐH Sư phạm kể, đạt thủ khoa đầu vào, ngày khai giảng, cô được vinh dự đại diện cho sinh viên lên đọc lời phát biểu trước toàn khoa. “Thành tích thủ khoa, cùng tên riêng khó nhầm lẫn nên bạn bè, thầy cô giáo nhanh chóng nhớ mặt đặt tên. Vì thế, từ những ngày đầu ở giảng đường đại học, em đã được bạn bè chú ý. Đặc biệt, trong lớp, mỗi khi gặp bài khó, hầu hết các bạn đều quay sang em hỏi. Điều đó, vừa là áp lực nhưng cũng là động lực để em phấn đấu mỗi ngày, không phụ lòng tin của mọi người”, Hồng Anh chia sẻ.

Hồng Anh không đặt mục tiêu để gây áp lực bản thân, nhưng trước mỗi kỳ học luôn tự nhủ bản thân, phải cố gắng hết sức mình để sau này không phải hối hận, không phải tự vấn bản thân “sao hồi trước mình không cố gắng lên một chút”.

Hồng Anh cho rằng, chỉ học trên lớp thôi chưa đủ, muốn có kết quả học tập tốt, mỗi sinh viên phải tự học thêm ở nhà, tự nghiên cứu thêm tài liệu khác, tự tạo động lực phấn đấu cho mình với các kế hoạch rõ ràng. Các bạn sinh viên cần chú trọng trau dồi kỹ năng, tham gia các hoạt động xã hội, đặc biệt nên đi làm thêm.

Vinh danh 88 thủ khoa xuất sắc

Tối 8/10, tại Trung tâm Văn hóa Khoa học Văn Miếu Quốc Tử Giám, diễn ra lễ tuyên dương 88 thủ khoa xuất sắc tốt nghiệp các trường đại học, học viện trên địa bàn Thủ đô. Trong 88 thủ khoa có 50 thủ khoa có kết quả học tập đạt loại xuất sắc; 23 thủ khoa xuất sắc là cán bộ đoàn, hội; 5 thủ khoa kép (vừa là thủ khoa tuyển sinh, vừa là thủ khoa tốt nghiệp). Nhiều thủ khoa xuất sắc là đảng viên, là những tấm gương vượt khó vươn lên, có công trình nghiên cứu khoa học, có những đề tài sáng kiến, giải pháp thiết thực, hiệu quả được giải trong nước và quốc tế. Đây là năm thứ 16 liên tiếp Hà Nội tổ chức tuyên dương các thủ khoa xuất sắc tốt nghiệp các trường đại học, học viện trên địa bàn. Sau 16 năm (tính cả năm 2018), đã có 1.705 thủ khoa được vinh danh.

L.T

MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.