Thưa ông, một trong những tư tưởng rất lớn của Hồ Chí Minh chính là việc xây dựng Nhà nước pháp quyền để tất cả quyền lực thuộc về nhân dân. Tư tưởng đó có ý nghĩa như thế nào trong tình hình đất nước hiện nay.
Một trong những nhiệm vụ quan trọng của đất nước sau khi giành được độc lập (2/9/1945) là tiến hành tổng tuyển cử trong cả nước. Hồ Chí Minh xác định việc thực hiện phổ thông đầu phiếu là chính sách rất cơ bản để xây dựng Nhà nước pháp quyền. Bầu cử chính là thực thi dân chủ và khẳng định nguyên tắc tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân.
Do đó, cuộc tổng tuyển cử năm 1946 là lần đầu tiên, người dân Việt Nam thực thi chế độ dân chủ, phát huy quyền làm chủ của mình. Qua đó củng cố sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc và xây dựng một Nhà nước vững mạnh. Đó là Nhà nước thực sự phục vụ nhân dân chứ không phải là Nhà nước cai trị dân.
Hồ Chí Minh từng khẳng định: Nhà nước ta từ Trung ương đến làng xã đều là công bộc của dân, chứ không phải “đè đầu” dân. Vì thế, việc gì có lợi cho dân thì phải hết sức làm; việc gì có hại đến dân thì phải hết sức tránh. Đây là tư tưởng rất lớn của Bác mà ngày nay chúng ta cần phải tiếp tục học tập và làm theo.
Thời gian qua chúng ta phát động phong trào học tập và làm theo tấm gương, đạo đức Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, ở một số nơi, một số đơn vị, một số cán bộ hành chính vẫn còn biểu hiện tư tưởng “lãnh đạo” dẫn đến có những hành vi nhũng nhiễu với người dân?
Qua học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, thời gian qua nhiều cơ quan, đơn vị, người đứng đầu các cấp đã thấm nhuần tư tưởng của Bác để nỗ lực trong việc xây dựng cơ quan hành chính và đội ngũ cán bộ phục vụ dân.
Chúng ta thấy, mới đây Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định, phải chuyển mạnh từ Chính phủ với phương thức chỉ đạo, điều hành mệnh lệnh hành chính sang Chính phủ kiến tạo và phục vụ; lấy sự hài lòng của doanh nghiệp, người dân là thước đo hiệu quả hoạt động của Chính phủ, chính quyền các cấp. Đấy chính là việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Tuy nhiên, vẫn còn ở một số nơi, một số chỗ và một bộ phận cán bộ dù có học tập nhưng làm theo thì chưa tốt, dẫn đến còn có những biểu hiện nhũng nhiễu, sách nhiễu người dân và doanh nghiệp. Điều này cần sớm có những giải pháp để chấn chỉnh.
PGS. TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng.
Theo ông đâu là nguyên nhân của tình trạng trên?
Theo tôi nguyên nhân là do các cơ quan, tổ chức, đơn vị tổ chức việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác chưa thiết thực, chưa có hiệu quả, nặng về hình thức nên học chưa đi đôi với làm. Bên cạnh đó, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, kể cả những người có chức, có quyền chưa ý thức đầy đủ việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh.
Thời gian tới phải nâng cao ý thức của mỗi cán bộ, đảng viên trong việc học tập và làm theo, chứ không có ý thức thì dù có tổ chức thế nào đi nữa cũng khó mang lại hiệu quả. Bên cạnh đó, mỗi cơ quan, đơn vị, tổ chức cũng cần phải cải tiến cách thức học tập và làm theo, trong đó phải hướng vào những việc làm cụ thể, thiết thực.
Chúng ta cần có giải pháp gì để tạo ra những chuyển biến tích cực trong việc học tập và làm theo Bác. Qua đó, để mỗi cán bộ ở các cấp chính quyền phải thực sự là công bộc của nhân dân, vì nhân dân mà phục vụ?
Việc học tập và làm theo không thể chung chung mà phải bằng những việc làm cụ thể. Mỗi cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân phải có những chương trình hành động và làm theo một cách cụ thể, rõ ràng, chứ nếu chỉ học tập chung chung, đi dự một vài hội nghị, nghe báo cáo chuyên đề… thì có khi học xong lại quên ngay.
Ví dụ như đề ra nhiệm vụ là tập trung cải cách hành chính thì phải tập trung mà làm cho có hiệu quả. Phải thấm nhuần tư tưởng của Bác rằng, cán bộ là công bộc của nhân dân vì nhân dân mà ra sức phục vụ.
Chứ nếu lãnh đạo mà có tư tưởng “làm quan”, không chịu phục vụ, không chịu lắng nghe nhân dân để giải quyết những vấn đề bức xúc trong xã hội, trong nhân dân thì chứng tỏ có học nhưng chưa làm theo Bác. Việc làm theo phải bằng những việc làm cụ thể, thiết thực để tạo ra sự thay đổi.
Cảm ơn ông.