Hoàng Sa - Những ngày chưa xa

Tiếp tế trên vùng biển Hoàng Sa. Ảnh: Công Khanh.
Tiếp tế trên vùng biển Hoàng Sa. Ảnh: Công Khanh.
TP - Khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển Việt Nam, có lẽ tôi là một trong số ít phóng viên may mắn được đến Hoàng Sa, để được tận thấy “những chàng trai ra đảo đã quên mình” đối mặt, chế ngự “bão giông” trên biển.

Trưa 20/5/2014, sau khi nhận được lệnh xuất phát, nhóm phóng viên của các báo Tiền Phong, Quân đội nhân dân, Lao động, Hải quân có mặt trên tàu Cảnh sát biển (CSB) 2016, ở cảng Tiên Sa (Đà Nẵng). Ngay sau đó, thuyền trưởng Quản Đình Dương mời các phóng viên đi Hoàng Sa lên phòng họp.

Nhìn một lượt, hỏi thăm tên tuổi và đơn vị công tác,  thuyền trưởng giọng đanh lại “Tàu sắp rời cảng, nếu phóng viên nào chưa chuẩn bị sẵn sàng cho những gian khổ và căng thẳng ở Hoàng Sa có thể xuống tàu để trở về”. Câu nói đó đã biểu hiện sự căng thẳng mà lực lượng kiểm ngư và cảnh sát biển đối diện ngày và đêm, trước sự hung hăng, ngang ngược của đối phương.

Neo mình đầu sóng cả

Sau hơn 20 tiếng đi từ cảng Tiên Sa, 10h ngày 21/5/2014, tàu CSB 2016 có mặt tại Hoàng Sa.  Tôi và phóng viên Trung Kiên (báo Lao Động) được phân công sang tàu HP 926 - vốn có mặt tại Hoàng Sa từ những ngày đầu Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan trong vùng biển Việt Nam.

Lúc đó, cách xa khoảng chục hải lý, giàn khoan Trung Quốc chỉ là một vết nhỏ màu xám phía chân trời.  Phía ngoài là hàng chục tàu Trung Quốc xếp thành vòng cung bảo vệ. Phía xa xa là tàu hộ vệ tên lửa của Trung Quốc lặng lẽ như con thú rình mồi.

Lần đầu tiên giáp mặt tàu hải cảnh, hải tuần của Trung Quốc, tôi có thể nhìn rõ cấu trúc và màu trắng - đỏ đặc trưng trên thân tàu, biển số 37102, 12101 và những thủy thủ người Trung Quốc. Có những tàu đã mở sẵn bạt súng, bạt pháo. Tôi tự hỏi, những thủy thủ Trung Quốc có biết rằng, họ đang vi phạm luật pháp quốc tế, đang xâm phạm chủ quyền của Việt Nam. Chưa kịp tìm ra câu trả lời, tôi bỗng giật mình khi tàu HP926 phát loa báo động vì hai tàu hải cảnh 37102 và 12010 của Trung Quốc áp sát.

Tàu HP926 phát loa tuyên truyền bằng ba thứ tiếng Việt, Trung và Anh: “Tất cả các tàu thuyền nước ngoài chú ý, đây là vùng biển thuộc Việt Nam và các vị ở đây là vi phạm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 và chủ quyền của Việt Nam. Yêu cầu các vị ngừng ngay các hoạt động và rút khỏi đây!”. Đáp lại, hai tàu hải cảnh 37102, 12101 lập tức rượt đuổi chúng tôi. Hung hãn. Những bọt nước trắng xóa tung lên, biển bắt đầu dậy những cơn sóng dữ.

Thuyền trưởng tàu HP926 Nguyễn Cao Duy chỉ huy tàu chạy zích zắc để tránh những đòn tập kích của tàu Trung Quốc mà nhiều ngày qua các anh thường xuyên đối mặt. Tuy nhiên, mỗi lúc tàu Trung Quốc càng gần tàu HP926, có lúc chạy song song. Trong buồng hoa tiêu, chỉ huy Vũ Văn Tạo, Biên đội Kiểm ngư 4, cho biết, tàu Trung Quốc luôn tìm cách ép tàu Việt Nam bằng gọng kìm và tìm cách đâm va hoặc bẫy tàu Việt Nam.

Đêm Hoàng Sa, ánh trăng sáng vằng vặc, bằng mắt thường cũng có thể nhìn thấy những bóng tàu đen đúa của tàu Trung Quốc vẫn đang rình rập tàu thực thi pháp luật của Việt Nam. Trên màn hình rađa, tàu Trung Quốc hiện lên chi chít quanh giàn khoan.

Bỗng một luồng sáng như rạch trời chiếu vào tàu HP926, thuyền trưởng Nguyễn Cao Duy lập tức hạ lệnh: “Bật đèn pha”. Hai luồng ánh sáng từ khoảng cách 3-4 hải lý giữa tàu kiểm ngư HP 926 và tàu Trung Quốc chạm nhau. Nghe hiệu lệnh, tất cả thủy thủ và phóng viên mặc ngay áo phao và sẵn sàng trong trạng thái báo động cao nhất. Mỗi khi màn đêm buông xuống, các tàu Trung Quốc lại chiếu đèn pha uy hiếp tàu thực thi pháp luật Việt Nam, tạo tâm lý căng thẳng cho thủy thủ.

Mỗi ngày ở Hoàng Sa là một ngày căng thẳng như vậy.

Hoàng Sa - Những ngày chưa xa ảnh 1

Tàu Hữu Liên 9 (Trung Quốc) chuẩn bị đâm vào tàu HP 926 của Việt Nam.

Vẫn hướng mãi ra khơi

Ngày 23/5, sau đòn đâm chí mạng của tàu Hữu Liên 09 (Trung Quốc), tàu HP 926 bị thương và được lệnh về đất liền để sửa chữa. 

Đêm đó, khi con tàu đã rời xa, bóng giàn khoan Hải Dương 981 đã khuất hẳn, bình yên trở lại trên mặt biển, nhưng lo lắng lại nổi lên trong lòng người. Trên khuôn mặt của thuyền trưởng Cao Duy lộ rõ vẻ ưu tư. Khi tôi gặng hỏi, anh mới nói: “Chuyến đi làm nhiệm vụ lần này không phải là hải trình dài nhất của các anh, nhưng lại rất thiếu thông tin vì hệ thống liên lạc bị tàu Trung Quốc phá hỏng hết”.

Rồi thuyền trưởng Cao Duy bất ngờ vỗ vai tôi hỏi “Trong đất liền thế nào em?”. Tiện máy tính, tôi liền mở cho các anh xem hình ảnh về những hoạt động phản đối hành vi vi phạm pháp luật quốc tế của Trung Quốc tại Hà Nội, TPHCM cùng nhiều nơi trong và ngoài nước. Lúc đó, thôi thấy mắt các anh sáng lên, phấn chấn lạ thường. “Có người dân ủng hộ, chúng ta sẽ không sợ bất kỳ kẻ thù nào”, thuyền trưởng Cao Duy nói.

Sáng hôm sau, trước mặt chúng tôi là khung cảnh biển yên bình. Không còn bóng của tàu hải cảnh, hải giám Trung Quốc, biển và trời xanh trong hơn.

Đặc biệt, ngược đường với chúng tôi là những tốp tàu cá của ngư dân Việt Nam vẫn tiếp tục ra khơi, đánh bắt trên vùng biển Hoàng Sa. Mỗi lần gặp tốp tàu của ngư dân, thuyền trưởng Cao Duy lại ra lệnh mở còi tàu để chào. Có những tàu cá khi biết tàu HP926 từ Hoàng Sa về đã ra dấu để hai tàu lại gần nhau. Ngư dân biếu các thủy thủ rất nhiều cá, mực.

Một tuần trên tàu HP926 nhanh như chớp mắt. Một tuần đối mặt đám tàu chiến, tàu hải giám, tàu hải cảnh, máy bay của Trung Quốc giúp chúng tôi hiểu hơn lời ca khúc “Tổ quốc nhìn từ biển” của nhà thơ Nguyễn Việt Chiến.

“Nếu Tổ quốc neo mình đầu sóng cả/ Những chàng trai ra đảo đã quên mình/ Hồn dân tộc ngàn năm không chịu khuất/ Dáng con tàu vẫn hướng mãi ra khơi”.

Hôm nay, khi sự kiện giàn khoan Hải Dương 981 đã lùi mấy tháng, nhưng mỗi lần mở kho ảnh trong chuyến công tác Hoàng Sa, ngắm chân dung những người lính cảnh sát biển, kiểm ngư viên, đều thấy họ toát lên vẻ cương nghị của những “chàng trai ra đảo đã quên mình”. 

Chữ N ở Hoàng Sa

Tác nghiệp tại Hoàng Sa, chúng tôi được báo trước phải mang theo điện thoại vệ tinh để truyền tin về tòa soạn. Nhiều tàu Việt Nam đã bị tàu Trung Quốc phun vòi rồng làm hư hại hệ thống ăngten Vinasat nên không thể truyền dữ liệu. Tàu HP926 là một tàu như vậy.

“Sử dụng điện thoại vệ tinh không khó mà khó nhất là phải canh N”, phóng viên Trung Kiên nói mỗi khi hai anh em ra đuôi tàu truyền tin bài về tòa soạn. Muốn có tín hiệu, chúng tôi buộc phải hướng điện thoại chuẩn chỉ hướng Bắc (kí hiệu bằng chữ N). Nhiều khi định vị được rồi, vừa bấm số thì sóng đã làm chệch hướng. Chúng tôi phải thao tác lại từ đầu. 

Có lúc, gió biển lồng lộng nhưng mồ hôi túa ra như tắm vì chữ N cứ chạy loạn xạ. Vì thế, chúng tôi luôn chờ lúc biển lặng để gọi về nhà - tòa soạn.

Mỗi lần chuông điện thoại reo, nghe giọng anh Vũ Lương - Thư ký tòa soạn, tôi mừng hơn bắt được vàng. Tôi cố gắng đọc thật to, rõ ràng bản tin được thảo trên máy tính, nhưng cũng thấp thỏm vì cứ phải vừa gọi vừa canh để không chệch chữ N.

MỚI - NÓNG
Lưu ý để đi tàu metro số 1 TPHCM miễn phí
Lưu ý để đi tàu metro số 1 TPHCM miễn phí
TPO - Đơn vị vận hành tuyến metro số 1 dự kiến từ ngày 1/1/2025 đến ngày 9/1/2025 sẽ hoàn thành tính năng đọc thẻ căn cước, căn cước công dân (CCCD) gắn chíp. Người dân có thể sử dụng thẻ CCCD gắn chip quét thẻ tại thiết bị đầu đọc ở các cổng soát vé để đi tàu điện metro số 1 trong giai đoạn miễn phí.