Họa từ doanh nghiệp 'ma' - Bài 2: Những chiêu trò làm ăn phi pháp

0:00 / 0:00
0:00
TP - Doanh nghiệp (DN) “ma” được nhiều người lập ra để mua bán hóa đơn, chiếm đoạt thuế giá trị gia tăng (VAT) và diễn nhiều trò làm ăn phi pháp.

Giám đốc DN thành “khổ chủ”

Cũng lần theo dịch vụ mua bán hóa đơn đang được giao dịch rầm rộ trên mạng, PV liên hệ với tài khoản Zalo tên Mai Anh với số điện thoại 0964.704.3xx, người chào bán hóa đơn khống của Công ty Cổ phần tư vấn và thương mại quốc tế Mỹ An (Công ty Mỹ An). Theo lời giới thiệu, Công ty Mỹ An có địa chỉ tại phường Quan Hoa (Cầu Giấy, Hà Nội). Người này cho biết, có thể nhận hợp thức hóa tất cả các loại hóa đơn với trị giá không giới hạn. Với hóa đơn trên 20 triệu đồng, công ty sẽ có thêm dịch vụ chuyển tiền qua tài khoản DN và chi phí thêm 5% tổng trị giá hợp đồng.

Tới địa chỉ của Công ty Mỹ An tại phường Quan Hoa, chúng tôi thấy DN không còn hoạt động, biển hiệu đã bị gỡ. Trao đổi với PV Tiền Phong, chị Lê Thu M- người đại diện pháp luật Công ty Mỹ An cho biết, đã dừng hoạt động từ đầu năm 2023. Tháng 4/2023, chị M đăng tin chuyển nhượng công ty trên mạng xã hội, được một cá nhân mua lại và thuê đơn vị trung gian làm thủ tục chuyển nhượng.

Họa từ doanh nghiệp 'ma' - Bài 2: Những chiêu trò làm ăn phi pháp ảnh 1

Chỉ 1 địa chỉ này mà có đến cả chục DN “ma” đứng tên đăng ký kinh doanh.

“Tôi ký hồ sơ chuyển nhượng, giao con dấu và đăng ký kinh doanh cho người mua. Tuy nhiên, người mua này không làm thủ tục sang tên mà sử dụng thông tin của tôi để mua bán hóa đơn. Họ còn mạo danh chữ ký của tôi để làm thủ tục đăng ký chữ ký số”, chị M nói.

Mới đây, Công an quận Cầu Giấy (TP Hà Nội) khởi tố bà Phạm Mỹ Hạnh, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Mỹ Hạnh về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo cơ quan cảnh sát điều tra, từ khi DN được thành lập đến tháng 11/2022, bà Hạnh đã đưa thông tin không đúng sự thật về việc công ty có dự án đầu tư trồng Sâm Ngọc Linh tại một số tỉnh trên cả nước, nhằm để huy động vốn.

Theo đó, ngoài đứng ra thành lập Công ty Cổ phần Tập đoàn Mỹ Hạnh, bà Hạnh còn là người điều hành, giám đốc của một số DN như: Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh MHG, Công ty Cổ phần Viễn thông MHG Việt Nam, Công ty Cổ phần Đầu tư DV TM Sâm Ngọc Linh, Hợp tác xã nông nghiệp Tuyết Sơn Kon Plông. Tuy nhiên, thực tế, tất cả những pháp nhân do Hạnh thành lập đều không có dự án nào như đã giới thiệu.

Sự bất thường của Công ty Cổ phần Tập đoàn Mỹ Hạnh đã từng được Tiền Phong phản ánh trong loạt bài “Cảnh báo vấn nạn nhiều công ty trồng sâm Ngọc Linh trên giấy” vào tháng 1/2022. Lúc đó, tập đoàn này có công văn “đòi” Tiền Phong đính chính những thông tin đã đăng (?!).

“Sau khi bị lừa, tôi tìm hiểu thông tin, các đối tượng nhận chuyển nhượng công ty của tôi đều sử dụng tài khoản mạng xã hội ảo (không có tên thật, hình ảnh thật -PV). Tôi đã trình báo cơ quan thuế, cơ quan công an và mong cơ quan chức năng vào cuộc, bắt hết đối tượng làm ăn gian dối, ảnh hưởng tới người thật việc thật như chúng tôi”, chị M kiến nghị.

Hoạt động mua bán hóa đơn khống được nở rộ trên hội nhóm mạng xã hội như Facebook, Zalo. Người dân muốn mua số lượng, số tiền bao nhiêu cũng được. Chi phí mua hóa đơn khống từ 5 đến 10% tùy theo từng đầu mối rao bán. Theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, nhiều đối tượng chuyên thu mua DN ngừng hoạt động, rồi chiếm đoạt thông tin để rao bán hóa đơn trái phép. Trước vấn nạn nan giải này, cơ quan thuế từng đề xuất Bộ TT&TT phối hợp ngăn chặn việc rao bán hóa đơn trái phép trên mạng xã hội.

Hình thức sử dụng DN “ma” để rửa hóa đơn cũng được cơ quan công an phát hiện trong vụ Công ty Cổ phần Phát triển nhà Thủ Đức mới đây. Theo đó, từ năm 2016-2020, Trịnh Tiến Dũng (người đã thành lập và sử dụng 16 công ty “ma”, xuất hóa đơn GTGT khống để hợp thức hóa đầu vào cho Công ty Cổ phần Phát triển Nhà Thủ Đức và một số công ty khác) đã chỉ đạo các đồng phạm sử dụng chứng minh nhân dân giả phục vụ việc thành lập nhiều DN “ma” ở trong nước và ngoài nước; nâng khống trị giá hàng hóa. Chiêu thức này đã giúp chủ mưu Trịnh Tiến Dũng chuyển hơn 1.700 tỷ đồng qua biên giới. Vụ chạy án của thiếu tướng Đỗ Hữu Ca (ở Hải Phòng) cũng hé lộ 18 công ty “ma” của trùm mua bán hoá đơn Trương Xuân Đước…

Biến hộ nghèo thành đại gia

Một vụ việc điển hình mà các đối tượng sử dụng DN “ma” để trục lợi chính sách (Tiền Phong từng phản ánh là loạt “Bất thường đường dây nhập siêu xe biếu tặng”). Thông thường, những DN được biếu tặng siêu xe tiền tỷ là những DN làm ăn uy tín, khấm khá. Thế nhưng, điều lạ là hầu hết những DN được biếu tặng xe sang đều không có bất kỳ hoạt động kinh doanh nào. Đặc biệt, các DN được cấp phép đều chung địa chỉ đăng ký kinh doanh. Điển hình, riêng tại 10/13 đường Thành Công (phường Tân Thành, TP Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình) có khoảng 10 DN đăng ký được biếu tặng xe sang, chẳng hạn như Công ty TNHH Phụ tùng ô tô xe máy Mạnh Hưng NBH, Công ty TNHH Nội thất ô tô cao cấp Mai Hoa, Công ty TNHH Kinh doanh Tổng hợp Vũ Thêm, Công ty TNHH Auto Part Quang Lê, Công ty TNHH Thương mại Tổng hợp Vũ Thêm…. Khi chúng tôi về đây, chủ căn nhà rất ngạc nhiên và cho biết họ không sở hữu bất kỳ DN nào.

Bất ngờ nhất, một số người đại diện DN nhập khẩu xe sang lại là những cụ già 60-70 tuổi hoặc học sinh mới tốt nghiệp cấp 3, lao động nghèo khó. Trước tình trạng bỏ địa chỉ đăng ký kinh doanh, nhiều cơ quan thuế cũng tỏ ra…bất lực vì hành vi trốn thuế biệt tích của các DN “ma”.

Trong vụ án Vạn Thịnh Phát, cơ quan công an xác định bà Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo cấp dưới lập hàng chục công ty “ma” để tạo ra các kế hoạch kinh doanh giả nhằm vay khống, rút ruột ngân hàng và chiếm đoạt tài sản.

Trao đổi với PV Tiền Phong, PGS. TS Nguyễn Hữu Huân (Trường ĐH Kinh tế TPHCM) cho rằng, cần có giải pháp tổng thể, liên thông dữ liệu giữa cơ quan đăng ký kinh doanh với cơ quan thuế, ngân hàng để quản lý DN sau khi được thành lập. Cơ quan quản lý cũng cần xây dựng hệ thống cảnh báo sớm, không để những vụ việc quá lớn. Cũng theo vị chuyên gia, các ngân hàng thương mại, Ngân hàng Nhà nước cũng cần liên thông dữ liệu, ứng dụng công nghệ hậu kiểm, rà soát giao dịch lớn...

MỚI - NÓNG